Xuất hiện rải rác, dịch cúm gia cầm nguy cơ bùng phát cao
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, dịch cúm trên gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại một số địa phương. Bên cạnh đó, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển.
Người dân có xu hướng tăng đàn gia cầm để chuẩn bị phục vụ dịp Tết Nguyên đán nên hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng, do đó luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau khuyến cáo người nuôi gia cầm tiếp xúc với gia cầm cần nâng cao tinh thần tự giác, phát hiện những bất thường trong nơi chăn thả của mình để ngăn chặn kịp thời. Ngoài ra, người dân cũng cần lựa chọn những gia cầm có nguồn gốc, được đảm bảo kiểm dịch và chỉ sử dụng các loại thực phẩm này khi được nấu chín.
Chuẩn bị tái đàn phục vụ dịp tết, ông Trần Văn Lâm, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước chia sẻ: Dù chăn nuôi trong mùa nào, ông cũng thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh để đàn gia cầm luôn khỏe mạnh, đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho gia đình. Trước thông tin dịch cúm gia cầm có nguy cơ đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh, công tác phòng chống dịch bệnh được gia đình ông tăng cường hơn lúc nào hết.
"Trước tiên, phải tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi bằng cách bổ sung chất dinh dưỡng trong thức ăn, nước uống. Thực hiện vệ sinh chuồng trại 2 lần/tuần, giữ thông thoáng chuồng bằng hệ thống quạt gió. Cùng với đó, thực hiện đầy đủ vacxin cho gà khi nhập đàn, gia đình đã mua xin phòng cúm cho đàn gà chuẩn bị vào đàn", ông Lâm cho biết.
Để chủ động ngăn chặn bệnh cúm gia cầm có thể xâm nhập vào địa bàn tỉnh Cà Mau và lây nhiễm sang người, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau Dư Minh Hùng, cho rằng: “Cần tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ hoặc đã mắc bệnh.
Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đối với những người làm nghề giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch (gồm dịch trên gia cầm và ở người), kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur xét nghiệm chẩn đoán xác định, quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng”.
Có thể nói, công tác truyền thông để người dân nâng cao ý thức về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm (cúm A/H5N1) cần phải được chủ động và tích cực hơn ngay từ bây giờ. Đồng thời, đẩy mạnh việc kiểm tra và vận động người dân chủ động tiêm phòng vacxin cho đàn gia cầm.
Nếu để xảy ra tình trạng bùng phát thành dịch, không những thiệt hại cho đàn gia cầm của người dân trong giai đoạn cuối năm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán, ảnh hưởng đến nguồn lợi kinh tế, mà mức độ nguy hiểm còn có thể ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe của cộng đồng.
Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Cà Mau, cần tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A/H5N1. Các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: Đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kết hợp với ngành y tế địa phương, đơn vị đã tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người tại những khu vực có gia cầm bệnh, chết hoặc ở những vùng có nguy cơ cao.
Ngoài việc tiêm phòng cho đàn gia cầm, đơn vị cũng đã sẵn sàng chủ động thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch nếu có.
Dịch tả heo Châu Phi "rình rập"
Tuần qua xảy ra 15 ổ dịch tả heo Châu Phi, để tập trung khống chế, ngành nông nghiệp Tiền Giang thống nhất với UBND huyện Chợ Gạo công bố dịch tại xã Xuân Đông.
Sáng 14/11, các ngành chức năng huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) và Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi xã Xuân Đông triển khai quyết định số 5529 của UBND huyện Chợ Gạo về công bố dịch bệnh tả heo Châu Phi trên địa bàn xã Xuân Đông từ ngày 14/11.
Theo đó, vùng dịch được xác định là toàn địa bàn xã Xuân Đông, vùng uy hiếp là xã Hòa Định (huyện Chợ Gạo), vùng đệm là xã An Thạnh Thủy, Bình Ninh (huyện Chợ Gạo).
Đối với vùng dịch, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp bao vây ổ dịch, phối hợp các ngành chức năng lập chốt kiểm dịch, hướng dẫn, kiểm soát việc đi lại, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt heo trên địa bàn trong thời gian có dịch. Các xã vùng đệm, vùng uy hiếp cũng thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh không để xảy ra lây lan.
Các ngành chức năng của huyện phối hợp với UBND xã Xuân Đông triển khai ngay các công tác cần thiết theo nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Phòng Tài chính phối hợp Phòng NN-PTNT, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện kịp thời tham mưu đề xuất, thực hiện kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ kinh phí heo bị tiêu hủy theo quy định.
Từ ngày 21/10 đến nay, dịch tả heo Châu Phi đã bùng phát nhanh tại địa bàn xã này với 15 ổ dịch. Toàn xã có tổng đàn heo hơn 6.000 con, đến nay có 247 con heo bệnh trong tổng đàn trên 841 con. Qua đó có hơn 321 con heo bị tiêu hủy, với trọng lượng hơn 16.200kg.
Về biện pháp khẩn cấp sau khi công bố dịch tả heo Châu Phi, ông Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Xuân Đông cho biết, xã tiến hành lập các chốt kiểm tra vận chuyển heo ra vào địa phương đồng thời tuyên truyền vận động người dân không bán chạy, thực hiện tốt công tác sát trùng tiêu độc các chuồng trại còn lại cố giữ đàn heo lại.
“Hiện nay, cái khó là kinh tế, đời sống người dân đang gặp khó khăn do giá dừa, giá heo rất thấp, nay ô dịch nữa khiến đời sống người dân rất khốn khó”, Chủ tịch UBND xã Xuân Đông nhìn nhận.
UBND xã Xuân Đông khẩn trương lập 4 chốt kiểm dịch tại các đầu tuyến đường vào xã, các ngã ba, ngã tư giáp ranh xã khác. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương yêu cầu 2 bến đò ngang kênh Chợ Gạo không chở heo qua lại. Cùng với đó, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức, nhận thức về dịch bệnh, tuyệt đối không bán chạy đàn heo bệnh.
Cùng với cây dừa, con gà, chăn nuôi heo được xem hoạt động kinh tế chính của người dân xã Xuân Đông. Gần đây, giá heo không ổn định lại bị dịch bệnh đe dọa đã tạo áp lực không nhỏ đối với cuộc sống của đại bộ phận dân cư nơi đây. Tuy nhiên, khi nghe công bố dịch bệnh người dân chấp hành tốt các quy định, khuyến cáo của chính quyền địa phương.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, chủ trại heo ở xã Xuân Đông nói bà con chăn nuôi địa phương rất sợ dịch bệnh lây lan. Do đó, bà Loan cho biết đang cố gắng phun xịt thuốc sát trùng diệt khuẩn chuồng trại thường xuyên cũng như thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về an toàn sinh học, nhất là trong khoảng thời gian này.
Không chỉ tại điểm nóng ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo mà hiện dịch tả heo Châu Phi đang rình rập trên địa bàn tỉnh Tiền Giang do địa phương này là cửa ngõ của ĐBSCL, thường xuyên có heo và sản phẩm từ heo quá cảnh.
Ông Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang cho biết, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tập trung thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống dịch tả heo Châu Phi qua các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là loa của Đài Truyền thanh xã.
Theo đó, vận động và hướng dẫn người dân thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học. Phát huy “Giờ vàng” bằng test nhanh để loại sớm heo nhiễm virus dịch tả heo Châu Phi. Do vậy, chỉ tiêu hủy khoảng 38% so với tổng đàn.
Đồng thời, tổ chức tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi tại ổ dịch và các xã tiếp giáp theo quy định. Triển khai sử dụng vacxin phòng bệnh dịch tả heo Châu Phi theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền và khuyến cáo của nhà sản xuất.