| Hotline: 0983.970.780

Trang trại gà trứng VietGAHP lớn nhất tỉnh Tiền Giang

Thứ Hai 27/11/2023 , 11:06 (GMT+7)

Từ việc lựa chọn con giống chất lượng đến chăn nuôi an toàn sinh học, Công ty chăn nuôi gia cầm Năm Hưởng đã mang đến người tiêu dùng 400.000 quả trứng sạch mỗi ngày.

Công ty Chăn nuôi gia cầm Năm Hưởng đang có đàn gà đẻ nửa triệu con. Ảnh: Minh Đảm.

Công ty Chăn nuôi gia cầm Năm Hưởng đang có đàn gà đẻ nửa triệu con. Ảnh: Minh Đảm.

Dịch bệnh luôn rình rập

Tiền Giang là địa phương có nghề chăn nuôi phát triển tại ĐBSCL, nhất là gia cầm, hiện trên 16 triệu con, đứng đầu và cách biệt khá xa so với các tỉnh trong khu vực.

Nghề nuôi gia cầm ở địa phương đang đối diện với nhiều thách thức chung của ngành chăn nuôi như: giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá sản phẩm đầu ra không ổn định, dịch bệnh đe dọa và các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật ngày càng khắt khe.

Để tồn tại, người chăn nuôi buộc phải thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, cơ giới hóa nhiều hơn và buộc phải nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là thực hành sản xuất tốt (VietGAHP).

Thăm trang trại nuôi gà chuyên trứng của Công ty TNHH Chăn nuôi gia cầm Năm Hưởng (ở xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), chúng tôi được ông Lê Văn Hòa, chủ trang trại đã chia sẻ nhận định, dự báo về thị trường chăn nuôi thời gian tới.

Theo ông, chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ không còn hiệu quả nữa bởi những rủi ro như: dịch bệnh, biến động thị trường…  sẽ ngày càng nhiều hơn và “sức đề kháng” của người chăn nuôi nhỏ sẽ không bằng cơ sở lớn.

Chăn nuôi ngày càng khó khăn do tình hình dịch bệnh, vật tư nguyên liệu đầu vào tăng cao. Ảnh: Minh Đảm.

Chăn nuôi ngày càng khó khăn do tình hình dịch bệnh, vật tư nguyên liệu đầu vào tăng cao. Ảnh: Minh Đảm.

Phân tích rõ hơn, ông Hòa nói Tiền Giang có nghề chăn nuôi khá phát triển, tuy nhiên cũng như nhiều địa phương chăn nuôi quy mô nhỏ và trung bình vẫn chiếm đa số sản lượng. Hai năm qua, sau đại dịch Covid-19, giá trứng gà tốt lên, nông dân gia tăng số lượng vật nuôi trong mỗi kỳ tái đàn. Sản lượng trứng tăng đến ngưỡng bão hòa tất nhiên giá cả thị trường sẽ giảm về lại bằng hoặc thấp hơn chi phí sản xuất.

Trong khi đó, giá thành sản xuất của chăn nuôi nông hộ luôn ở mức cao hơn so với các trang trại có quy mô lớn bởi nhiều yếu tố như: giá đầu vào cao do phải mua qua nhiều khâu trung gian, không tự chủ được nguồn con giống, dịch bệnh làm tỷ lệ hao hụt vật nuôi…

Tình trạng này kéo dài tất nhiên người chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ không chịu được. Khi đó, họ buộc phải rời khỏi ngành hoặc đầu tư công nghệ mới, gia tăng quy mô để giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Lê Văn Hòa (bên phải) tham quan chương trình phúc lợi động vật tại Anh. Ảnh: MĐ.

Ông Lê Văn Hòa (bên phải) tham quan chương trình phúc lợi động vật tại Anh. Ảnh: MĐ.

Sử dụng giống chất lượng

Công ty TNHH Chăn nuôi gia cầm Năm Hưởng được thành lập vào năm 2006. Trải qua thời gian hình thành và phát triển, đến nay doanh nghiệp này đã trở thành một trong những công ty hàng đầu Việt Nam về cung cấp các giống gà chất lượng cao và trứng gà sạch.

Công ty là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng phương pháp an toàn sinh học vào sản xuất, chăn nuôi theo mô hình VietGAHP và đã mang lại hiệu quả cao. Sản phẩm trứng gà sạch của Công ty đang tham gia thị trường ở các tỉnh thành trong nước được sản xuất với quy trình khép kín từ khâu nuôi dưỡng, chăm sóc đàn gà đẻ đến khâu xử lý trứng theo công nghệ tiên tiến.

Theo chia sẻ, về con giống trang trại sử dụng con giống từ nhà cung cấp có thương hiệu như C.P. Việt Nam, Japfa Comfeed... để sản xuất giống gà hậu bị nuôi lên gà chuyên trứng. Trong quy trình chăn nuôi, Công ty Năm Hưởng đang cố gắng cơ giới hóa trong các khâu cho gà ăn, uống nước và chuyển trứng từ trại ra bên ngoài, hạn chế thấp nhất tiếp xúc giữa người với vật nuôi để tránh lây lan mầm bệnh.

Từng giai đoạn, từ gà úm đến gà hậu bị được thực hiện quy trình vacxin rất nghiêm ngặt. Đối với gà chuẩn bị đẻ là không sử dụng kháng sinh nên trứng gà rất sạch. Định kỳ hàng tháng, Công ty đều kiểm tra về kháng thể và chất tồn dư trên gà, trứng đảm bảo trứng sạch khi ra thị trường.

“Mỗi tháng đều kiểm tra về kháng thể cúm, tả, thậm chí là kháng sinh đồ ở trong trại luôn. Gà đẻ, mình không đưa vào kháng sinh, chỉ đưa vào thảo dược thôi. Mình làm với những Công ty cám như C.P. Việt Nam, Japfa Comfeed, Greenfeed,... nên phải kiểm tra xem có ảnh hưởng hay không, phải kiểm tra an toàn thực phẩm, nhất là chất tồn dư”, ông Lê Văn Hòa khẳng định.

Mỗi ngày Công ty Năm Hưởng sản xuất 400.000 trứng gà tươi. Ảnh: Minh Đảm.

Mỗi ngày Công ty Năm Hưởng sản xuất 400.000 trứng gà tươi. Ảnh: Minh Đảm.

Trứng sạch từ quy trình an toàn sinh học

Tuy nhiên, ông Lê Văn Hòa cũng nhìn nhận, là một đơn vị có đàn gà đẻ trứng lớn nhất ở Tiền Giang với 500.000 con, sản lượng 400.000 quả trứng mỗi ngày nhưng công nghệ chăn nuôi của doanh nghiệp vẫn chưa phải là tốt nhất để thích nghi với những biến động của thị trường hiện nay.

Ông chủ trang trại nửa triệu con gà cho rằng phải thay đổi, phải tiên tiến hơn nữa để tồn tại. Trước mắt, Công ty Năm Hưởng định hướng cần phải hoàn thiện chuồng trại, chuyển qua công nghệ cao, chuyển từ bán tự động sang tự động, tận dụng phế phẩm gia tăng nguồn thu, giảm chi phí sản xuất.

Hiện nay, Công ty có 7 khu chăn nuôi, trong đó đã có 1 khu thử nghiệm quy trình chăn nuôi theo công nghệ mới khá thành công. Công ty đang xin giấy phép đầu tư xây dựng trang trại khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn với công nghệ mới đồng thời gia tăng sản lượng trứng lên 1 triệu quả/ngày.

Hệ thống ủ phân gà sinh học. Ảnh: Minh Đảm.

Hệ thống ủ phân gà sinh học. Ảnh: Minh Đảm.

Trong tổ hợp chăn nuôi này, ông Lê Văn Hòa chia sẻ sẽ đầu tư hệ thống xử lý thu gom phân gà sản xuất phân hữu cơ sinh học, dây chuyền cho ăn và gom trứng tự động, gia tăng số tầng nuôi và sử dụng điện năng lượng mặt trời áp mái để giảm chi phí, đặc biệt sẽ đầu tư chế biến sâu trứng gà để đa dạng hóa sản phẩm tiếp cận thị trường tốt hơn.

Theo chủ trang trại này thổ lộ dự kiến kinh phí đầu tư khoảng 5 triệu USD và thiết bị sẽ được chuyển về Việt Nam trong tháng 12 tới. Từng phân khu sẽ được đầu tư dần dần và sẽ sớm xóa bỏ những công nghệ lạc hậu, cũ kỹ thay vào đó là những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.

Khi đưa công nghệ cao vào chăn nuôi, công nhân chỉ cần ngồi ở phòng điều khiển có thể biết được tất cả những vấn đề đang xảy ra trong trại, như nhiệt độ, độ ẩm, tình trạng gà, thức ăn.

Phân gà ép viên do Công ty Năm Hưởng sản xuất thử nghiệm. Ảnh: Minh Đảm.

Phân gà ép viên do Công ty Năm Hưởng sản xuất thử nghiệm. Ảnh: Minh Đảm.

Ông nhấn mạnh, khu chăn nuôi công nghệ cao mới phải đầu tư xử lý vấn đề môi trường nuôi tốt nhất mới thành công được.

“Mình đã đầu tư lớn cho hệ thống bồn xử lý phân hữu cơ vi sinh. Tất cả nguồn phân gà thải ra đều vô hệ thống đó, ủ trong vòng 15 ngày sẽ cho ra thành phẩm là phân hữu cơ vi sinh độ ẩm dưới 30%, hàm lượng đạm khoảng 50%, bán cho nông dân trồng thanh long, sầu riêng hiện nay nhu cầu đang rất lớn.

Quy mô sau này sẽ tăng lên gấp 3 lần nhưng vẫn giữ đội ngũ nhân công đó, do vậy, tiết kiệm điện, chi phí phí vận hành. Hạn chế con người tiếp xúc với vật nuôi để đảm bảo vấn đề an toàn sinh học về dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông chủ trại gà đẻ trứng lớn nhất Tiền Giang chia sẻ.

Thời gian tới, ngoài đầu tư công nghệ chăn nuôi mới, doanh nghiệp này còn chú trọng tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu để đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các siêu thị, hệ thống bách hóa xanh, đưa trứng sạch đến với người tiêu dùng.

Theo TS Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang, chăn nuôi gà công nghiệp lấy trứng thương phẩm của tỉnh hiện khoảng 1,4 triệu con trên 8 trang trại, chiếm gần 10% trong tổng đàn gà 14 triệu con của tỉnh.

Đến tháng 10/2023, đàn gia cầm (không kể chim cút) của tỉnh Tiền Giang đạt 16 triệu con, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đàn gia cầm phục hồi chậm do ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào tăng gây áp lực trong việc sản xuất và kế hoạch của các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt cơ sở chăn nuôi gà, vịt nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, giá thịt hơi thấp do nhu cầu giảm so với nguồn cung trong thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, xu hướng chuyển dịch, tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng giảm quy mô nhỏ lẻ, đầu tư trang thiết bị hiện đại, giảm giá thành là tất yếu.

Xem thêm
Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng 6,3%

Ngày 26/12, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.