Mô hình sử dụng biogas nhằm xử lý chất thải khi giết mổ, tránh gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo ra khí đốt để phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày.
Hiện tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng khoảng 261.000 con. Ảnh: TL. |
Ghi nhận tại lò giết mổ gia súc quy mô lớn của ông Thái Văn Tương, ngụ xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) cho thấy, hằng ngày cơ sở này làm thịt hàng trăm con trâu, bò, heo và được kiểm soát chặt chẽ của cơ quan thú y. Lò mổ được vệ sinh, tiêu độc khử trùng rất sạch sẽ, thoáng mát.
Ông Tương cho biết: “Trước đây, chất thải chủ yếu tôi đổ xuống ao đầm cho cá ăn, số lượng nhiều nên cá không ăn hết. Từ đó, dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thấy hầm biogas để xử lý chất thải và tạo ra khí đốt có nhiều tiện ích nên tôi đã chủ động làm. Đến nay, đã hơn một năm áp dụng, hiệu quả mà biogas mang lại thật sự ngoài sự mong đợi”.
Theo quan sát của PV NNVN, môi trường xung quanh lò giết mổ của ông Tương rất sạch sẽ, lượng gia súc đều được nuôi nhốt, vệ sinh chu đáo. Đáng chú ý, ông Tương còn cho xây dựng khu vực cách ly để nuôi nhốt gia súc khi nhiễm bệnh không thể giết mổ được.
“Lò giết mổ của tôi đặt chữ tín làm đầu, quyết nói không với việc giết mổ động vật nhiễm bệnh. Tôi tối kỵ điều đó, vì vậy, hằng ngày khi diễn ra giết mổ đều có cán bộ thú y đến kiểm soát rất chặt chẽ”, ông Tương nói.
Ông còn khẳng định, việc áp dụng mô hình biogas góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường từ nguồn chất thải của lò giết mổ và tạo ra nguồn khí đốt phục vụ sinh hoạt. Mô hình cần được triển khai nhân rộng ra các địa phương khác.
“Từ khi lò mổ triển khai xây dựng biogas để tạo khí đốt thì chi phí sinh hoạt giảm đáng kể, thậm chí, là không hao tốn thứ gì. Trước đây, một ngày lò mổ sử dụng 1 – 2 bình gas là chuyện thường, chi phí rất tốn kém. Nhưng nay, lợi ích của biogas mang lại đã giúp gia đình tiết kiệm được trên 10 triệu đồng/tháng. Sử dụng khí gas thoải mái, không cần phải tiết kiệm”, ông Tương chia sẻ.
Ông Quách Văn Tây, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng nhận định, việc ứng dụng công nghệ SX nông nghiệp các bon thấp trong chăn nuôi cho thấy hiệu quả cao. Mô hình này bước đầu mang lại giá trị lớn về kinh tế chăn nuôi và tận dụng triệt để những phụ phẩm, phế thải để tạo ra nguồn khí đốt. Đồng thời, tránh được những tác động đối với môi trường không khí xung quanh và bảo vệ được bầu không khí trong lành.
“Ngành nông nghiệp Sóc Trăng triển khai dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp là hướng đi đúng đắn, mang tính bền vững, lâu dài. Quá trình triển khai cho thấy, ý thức chấp hành của người dân rất tốt. Họ rất có niềm tin vào dự án này và mong muốn tiếp tục duy trì và nhân rộng. Từ phụ phẩm của vật nuôi, hộ dân có thể tạo ra nguồn khí đốt phục vụ sinh hoạt hằng ngày mà không lo sợ cháy nổ xảy ra”, ông Tây cho biết thêm.
"Việc xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải gia súc tại các lò giết mổ là rất cần thiết. Tỉnh Sóc Trăng rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương nhiều hơn nữa trong việc triển khai, thực hiện những dự án mang tính bền vững và góp phần đem lại những tiện ích cho người chăn nuôi, cũng như trong lĩnh vực SX nông nghiệp ở địa phương như dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp", ông Quách Văn Tây. |