Hiện tại, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam đang tích cực hoàn thiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam về hệ thống lương thực thực phẩm bền vững giai đoạn 2021-2030 để thực hiện mục tiêu tạo dựng hình ảnh nông nghiệp Việt Nam: trở thành nhà sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm “minh bạch - trách nhiệm - bền vững” mà lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã khẳng định với cộng đồng quốc tế.
Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi sang Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam, giai đoạn 2021-2030 được xây dựng trên cơ sở 5 lộ trình hành động đã được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) của Liên hợp quốc (LHQ) vừa được tổ chức hồi tháng 9/2021 bao gồm: Đảm bảo mọi người tiếp cận được thực phẩm an toàn và dinh dưỡng; Chuyển đổi sang tiêu dùng bền vững; Đẩy mạnh sản xuất bền vững; Xây dựng các chuỗi giá trị cạnh tranh, bao trùm và bình đẳng và Tăng cường khả năng thích ứng với tổn thương, cú sốc và sức ép.
Chia sẻ cụ thể hơn về nội hàm của Chiến lược mà Bộ NN-PTNT đang xây dựng đến thời điểm hiện tại, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), cho biết ý tưởng chính của Chiến lược làm theo chỉ đạo từ Đại hội Đảng XIII, hướng tới ba yếu tố: “Nông nghiệp sinh thái”, “Nông thôn hiện đại”, “Nông dân thông minh”.
Cụm “nông nghiệp sinh thái” bao hàm rất nhiều ý nghĩa, đưa ra một số chuyển đổi mới trong ngành nông nghiệp để Việt Nam không chỉ là một cường quốc lương thực mà là một cường quốc về nông nghiệp sinh thái, có đủ các giá trị kinh tế - văn hóa - xã hội - môi trường, cho tất cả mọi người cùng hưởng những lợi ích của nền nông nghiệp sinh thái mang lại.
Việt Nam tiếp cận theo hướng sử dụng tư duy “kinh tế nông nghiệp” thay vì “sản xuất nông nghiệp” như trước.
“Kinh tế nông nghiệp ở đây chỉ việc tạo ra nhiều giá trị hơn từ chi phí ít hơn, tức là giảm chi phí đầu vào, giảm chi phí tài nguyên lẫn chi phí lao động, những điều rất rõ ràng về mặt kinh tế. Giảm chi phí là tăng thêm lãi, nâng cao năng lực cạnh tranh, chưa kể đến giảm chi phí phụ phẩm (phân bón, thuốc trừ sâu…). Giảm chi phí tài nguyên đất nước giúp Việt Nam giảm thiểu những hậu phí về mặt môi trường.
Trong Chiến lược mới có thêm những thành tố mới, đặc biệt là với cam kết của Việt Nam với Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về lương thực thực phẩm cũng như những cam kết tại COP26 về ứng phó biến đổi khí hậu.
Thứ nhất là “giảm phát thải”. Thứ hai, Việt Nam phải tính tới việc giảm chi phí vận chuyển, chi phí giao dịch, chi phí logistics, càng cấp thiết trong bối cảnh Covid-19 hiện nay.
Còn về “tăng giá trị”, trước đây Việt Nam thường tăng giá trị thông qua việc chuyển đổi mùa vụ sang các ngành hàng có giá trị cao hơn, ví dụ chuyển đổi lúa sang cây ăn trái, sang chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi trong khâu chế biến bảo quản.
Trong Chiến lược mới có đề cập đến một ý: để thành công xây dựng nông nghiệp sinh thái, Việt Nam cần tận dụng phế phụ phẩm để vừa giảm ô nghiễm, phát thải, thay vào đó tạo nên nhiều giá trị và việc làm, từ đấy tạo ra nông thôn hiện đại, năng động.
“Bể chứa” việc làm hiện nay nhiều nhất đang nằm ở “nông thôn” chứ không phải “nông nghiệp”. Trong 10 năm qua, làn sóng lực lượng lao động rút khỏi nông nghiệp trở nên rất mạnh nhưng vẫn tồn ở nông thôn, mang tính phi chính thức do nông dân không ổn định được đời sống.
Việt Nam không chỉ quan tâm đến các doanh nghiệp lớn, mà còn cần cả doanh nghiệp nhỏ, HTX hay nông dân ở các quy mô khác nhau, miễn là tạo ra giá trị của một nền nông nghiệp sinh thái bền vững. Đó chính là lý do Bộ NN và Chính phủ Việt Nam đã sẵn sàng cam kết với Diễn đàn Kinh tế Thế giới và được chọn làm một trong ba nước đầu tiên làm Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Lương thực thực phẩm, lấy đây làm hình mẫu cho khu vực Đông Nam Á.
Hiện nay Bộ NN-PTNT đang rất tích cực phối hợp cùng Diễn đàn Kinh tế Thế giới để thiết kế và triển khai Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Lương thực thực phẩm tại Việt Nam.