| Hotline: 0983.970.780

Chỉ dẫn địa lý- đòn bẩy cho xoài Cao Lãnh vươn ra thế giới

Thứ Ba 22/10/2024 , 11:26 (GMT+7)

Đồng Tháp Chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh không chỉ khẳng định giá trị sản phẩm nông nghiệp của Đồng Tháp mà còn là cơ hội lớn để đưa sản phẩm này vươn ra thế giới.

Hiện huyện Cao Lãnh có hơn 4.200/14.000ha diện tích trồng xoài toàn tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện huyện Cao Lãnh có hơn 4.200/14.000ha diện tích trồng xoài toàn tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Xoài đặc trưng vùng đất phù sa

Tỉnh Đồng Tháp, vùng đất trù phú với hệ sinh thái đa dạng của ĐBSCL, từ lâu đã nổi tiếng với các sản phẩm nông sản chất lượng cao. Trong số đó, xoài Cao Lãnh, loại trái cây được người tiêu dùng cả nước và quốc tế đánh giá cao, đã trở thành một biểu tượng đặc trưng của tỉnh.

Để bảo vệ và nâng cao giá trị thương hiệu xoài Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều hoạt động nhằm giữ gìn và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đặc trưng này.

Xoài Cao Lãnh, chủ yếu là giống xoài cát Hòa Lộc và xoài cát Chu, đã được trồng từ rất lâu trên vùng đất Đồng Tháp. Với điều kiện thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng từ phù sa sông Tiền cùng khí hậu thuận lợi, xoài Cao Lãnh phát triển vượt trội về cả chất lượng và năng suất. Đặc biệt, vị ngọt thanh, thịt xoài mềm và mùi thơm đặc trưng đã tạo nên sự khác biệt mà ít có loại xoài nào sánh kịp.

Không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp thông thường, xoài Cao Lãnh còn mang giá trị văn hóa và kinh tế to lớn. Những vườn xoài bạt ngàn không chỉ cung cấp nguồn thu nhập ổn định cho người dân mà còn góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương ra toàn cầu.

Năm 2012, xoài Cao Lãnh chính thức được cấp chỉ dẫn địa lý, đây là bước ngoặt quan trọng trong quá trình khẳng định giá trị và chất lượng của loại trái cây này. Chỉ dẫn địa lý không chỉ là công cụ bảo vệ quyền lợi cho người trồng xoài mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh khi sản phẩm tham gia vào thị trường quốc tế.

Chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh không chỉ khẳng định giá trị sản phẩm nông nghiệp của Đồng Tháp mà còn là cơ hội lớn để đưa sản phẩm này vươn ra thế giới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh không chỉ khẳng định giá trị sản phẩm nông nghiệp của Đồng Tháp mà còn là cơ hội lớn để đưa sản phẩm này vươn ra thế giới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp nhận định: Chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh không chỉ giúp bảo vệ nguồn gốc và uy tín của sản phẩm, mà còn là bước đệm quan trọng để đưa xoài Đồng Tháp vươn xa trên các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Để làm được điều đó, ngành nông nghiệp Đồng Tháp luôn chú trọng việc hỗ trợ người nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Hiện tại, với sự hỗ trợ của các chính sách từ Trung ương và địa phương, ngành hàng xoài Cao Lãnh đã có những bước tiến vững chắc trong việc cải thiện chuỗi giá trị. Các hoạt động tập huấn kỹ thuật canh tác tiên tiến, nâng cao nhận thức về sản xuất sạch và xây dựng thương hiệu đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.

Dù đã đạt được nhiều thành công trong việc giữ gìn và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhưng ngành hàng xoài Cao Lãnh vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn như: biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng hay sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm xoài ở các nước khác đều là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ làm suy giảm chất lượng và uy tín của xoài Cao Lãnh.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và chế biến xoài. Đồng thời, việc mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường quốc tế sẽ là ưu tiên hàng đầu để nâng cao giá trị sản phẩm xoài Cao Lãnh” ông Nguyễn Văn Vũ Minh nhấn mạnh.

Năm 2012, xoài Cao Lãnh chính thức được cấp chỉ dẫn địa lý, đây là bước ngoặt quan trọng trong quá trình khẳng định giá trị và chất lượng của loại trái cây này. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Năm 2012, xoài Cao Lãnh chính thức được cấp chỉ dẫn địa lý, đây là bước ngoặt quan trọng trong quá trình khẳng định giá trị và chất lượng của loại trái cây này. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nỗ lực của chính quyền địa phương

Hiện huyện Cao Lãnh có hơn 4.200/14.000ha diện tích trồng xoài toàn tỉnh Đồng Tháp, nơi tập trung phần lớn diện tích trồng xoài của tỉnh, cũng đã có nhiều hướng tích cực trong việc giữ gìn và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm này.

Theo ông Bùi Tấn Phước, Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh, huyện xác định việc giữ gìn Chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh không chỉ là bảo vệ giá trị truyền thống mà còn là thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Huyện đã phối hợp chặt chẽ với các HTX, doanh nghiệp và nông dân để xây dựng kế hoạch sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nhằm đảm bảo xoài Cao Lãnh luôn đạt chất lượng cao nhất nhằm phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Huyện Cao Lãnh đã triển khai các chương trình hỗ trợ người trồng xoài, từ việc cung cấp giống xoài chất lượng cao, tư vấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây xoài, đến việc kết nối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Những chính sách này không chỉ giúp người nông dân nâng cao năng suất mà còn ổn định được giá cả, tránh tình trạng “được mùa, mất giá” một trong những thách thức lớn của ngành nông nghiệp Đồng Tháp.

Xuất khẩu xoài ở Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Xuất khẩu xoài ở Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sự tham gia của các HTX trồng xoài trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển chỉ dẫn địa lý. Điển hình là HTX xoài Mỹ Xương, một trong những đơn vị tiên phong trong việc áp dụng các tiêu chuẩn canh tác sạch và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Ông Võ Việt Hưng, Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương, cho biết: “Chúng tôi luôn nhận thức rõ vai trò của chỉ dẫn địa lý trong việc khẳng định thương hiệu xoài Cao Lãnh. HTX đã xây dựng các quy trình sản xuất xoài an toàn theo chuẩn quốc tế, đồng thời đẩy mạnh việc liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu lớn để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi cũng tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm nông sản để quảng bá thương hiệu xoài Cao Lãnh đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước”.

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Long An có thêm 2 điểm giao dịch ngân hàng tự động Autobank

Agribank Long An vừa đưa vào hoạt động 2 máy gửi rút tiền tự động Autobank (CDM) tại chi nhánh huyện Tân Hưng và Châu Thành, mang đến trải nghiệm ngân hàng số hiện đại.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.