| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 10/10/2019 , 09:56 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 09:56 - 10/10/2019

Giảm dần cách đánh giá năng lực dựa vào bằng cấp

Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo Thông tư quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học, để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. So với quy định hiện nay, dự thảo đưa ra ba điểm khác biệt. 

Ảnh mang tính minh họa.

Thứ nhất, không ghi xếp loại xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá, trung bình. Thứ hai, không ghi hình thức đào chính quy, vừa làm vừa học, học từ xa, hoặc tự học có hướng dẫn. Thứ ba, kết quả tốt nghiệp ghi chung là cử nhân, chứ không ghi theo đặc thù nghề nghiệp như kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ hay kiến trúc sư. Cả ba điều trên đều phù hợp với Luật Giáo dục đại học vừa có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.

Bằng đại học không ghi xếp loại và hình thức đào tạo cũng đi đúng theo thông lệ chung của quốc tế. Trong quá trình hội nhập, giáo dục cũng phải tiệm cận và tương đồng với quy chuẩn toàn cầu.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại, nếu không rạch ròi giá trị trên văn bằng thì sẽ giảm động lực học tập. Bộ GD-ĐT cũng đã liên liệu nỗi băn khoăn ấy, nên cho kèm thêm “phụ lục văn bằng” với quan điểm: “So với việc ghi xếp loại trước đây trên bằng tốt nghiệp thì thông tin ở phụ lục văn bằng còn đầy đủ, chi tiết hơn, cung cấp thông tin đầy đủ hơn về khóa đào tạo, do vậy tạo thuận lợi hơn cho các nhà tuyển dụng.

Ngoài thông tin cá nhân, phụ lục văn bằng sẽ có thông tin về quá trình đào tạo và cấp bằng gồm tên cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo, chuyên ngành đào tạo, nơi tổ chức đào tạo, ngôn ngữ giảng dạy, thời gian đào tạo, hình thức đào tạo.

Phụ lục văn bằng cũng có đầy đủ thông tin về kết quả học tập, tên học phần hoặc môn học, số tín chỉ của từng học phần hoặc môn học, điểm học phần hoặc môn học, tổng số tín chỉ tích lũy. Trên phụ lục văn bằng cũng có thông tin điểm trung bình, tên luận văn, kết quả luận văn (nếu có), điểm xếp loại tốt nghiệp”.

Lại có ý kiến cho rằng, đã có văn bằng, còn có phụ lục văn bằng thì khác gì… giấy phép con. Đây là một sự cẩn trọng không cần thiết. Những nhà tuyển dụng luôn thừa khôn ngoan để xác định họ cần nhân sự như thế nào để xứng đáng với khoản tiền lương chi trả. Môi trường lao động văn minh và tiến bộ, phải giảm bớt cách đánh giá năng lực dựa vào bằng cấp.

Không ai dám bảo đảm, khi rời khỏi giảng đường thì người có văn bằng loại giỏi sẽ tiếp cận công việc nhanh hơn người có văn bằng loại trung bình. Lý thuyết và hành động có khoảng cách rất xa nhau. Những người lệ thuộc vào kiến thức sách vở không thể nào năng động bằng người biết áp dụng những gì đã học vào bối cảnh muôn màu của thực tế.

Giáo dục đại học cần phát huy tinh thần tự đào tạo của sinh viên. Mỗi cẩm nang ưu việt cũng có trang cuối cùng, còn cuộc sống thì bất tận. Thay đổi sự đánh giá về văn bằng đại học, cũng là tiền đề xây dựng xã hội học tập. Mỗi người đều có thể theo đuổi sự nghiệp học tập suốt đời, chứ không nhăm nhe một văn bằng nào đó để bon chen danh lợi.