Trong những năm qua, Quảng Bình đã phát triển mạnh về cơ sở lưu trú du lịch. Các mô hình du lịch cộng đồng homestay, farmstay đang ngày càng phát triển. Các mô hình Greenfield Ecostay Phong Nha, Son Doong Bungalow, Phong Nha Farmstay, Phong Nha Lake House, The Duck Stop, Sheep Home Phong Nha, Làng du lịch cộng đồng… đã thu hút nhiều du khách, nhất là khách quốc tế.
Qua đó, mang lại lợi ích chung cho cộng đồng địa phương vừa tăng cường quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh đến với du khách.
Theo ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, tham gia xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng, cư dân địa phương tại các vùng nông thôn vừa hợp tác với doanh nghiệp để phục vụ khách du lịch vừa có thể làm công việc đồng áng, chăm sóc gia đình, phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thông của quê hương, cội nguồn.
“Điển hình như Làng du lịch cộng đồng Tân Hóa được Công ty Chua Me Đất (Oxalis) phối hợp với Sở Du lịch Tỉnh Quảng Bình và chính quyền địa phương xây dựng, phát triển từ tháng 11/2022. Đây là mô hình vừa giữ vững môi trường sinh thái vừa tạo công ăn việc làm cho người dân tham gia các dịch vụ du lịch”, ông Hà cho biết thêm.
Bà con ở vùng đất Tân Hóa, huyện Minh Hóa sống bằng nghề làm rẫy, đánh cá, săn bắt và lấy mật ong. Ngoài các nghề này, cho đến nay tại đây vẫn còn phổ biến các nghề hái lượm tự nhiên để có cái ăn hàng ngày như bắt ốc, hái cà.
Nhờ tham gia làm du lịch cộng đồng mà trung bình mỗi năm, mảnh đất này chào đón hàng chục ngàn lượt du khách đến tham quan và khám phá các tuyến du lịch thám hiểm, tạo công ăn việc làm ổn định cho 120 lao động, bao gồm 20 nhân viên toàn thời gian và 100 nhân viên thời vụ.
Theo ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty Công ty Chua Me Đất, những người dân được tham gia các khóa tập huấn và đào tạo để trở thành đầu bếp, trợ lý giám sát an toàn và nhân viên khuân vác phục vụ khách du lịch trong các tour khám phá Tú Làn.
“Những người có năng lực sẽ được tài trợ đào tạo thành hướng dẫn viên, đầu bếp, nhân viên điều hành và lễ tân tại khu nghỉ dưỡng Tú Làn Lodge. Với mức thu nhập bình quân dao động từ 6 đến 8 triệu đồng cho 14 - 16 ngày làm việc mỗi tháng”, ông Nguyễn Châu Á cho biết thêm.
Anh Đinh Minh Cao (ở xã Tân Hóa) tâm sự, trước đây nguồn sống nhờ vào rừng nên rất bấp bệnh. Từ ngày vào làm cho công ty du lịch anh có thu nhập cao và ổn định nên gia đình cũng có thêm chút để dành.
“Hàng năm, làm việc du lịch tôi cũng tích lũy được khoảng 50 triệu đồng. Như vậy là quá tốt rồi. Nếu làm siêng năng và tốt thì nguồn thu nhập ổn định lâu dài, đời sống gia đình ngày càng được cải thiện tốt hơn”, anh Cao hồ hởi khoe.
Để phát triển các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, UBND tỉnh Quảng Bình đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã, thành phố có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch xây dựng ít nhất 1 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”. Có ít nhất 50% số sản phẩm này được công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.
Trong đó, xây dựng 2 - 3 mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.
Quảng Bình cũng tập trung mọi nguồn lực để xây dựng làng du lịch nông thôn có tên trong danh sách các làng du lịch tốt nhất thế giới của Tổ chức Du lịch thế giới công bố.
Đồng thời đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số. Trong đó 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch; tập trung đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý, kỹ năng phục vụ khách du lịch.
Xây dựng và tích cực tham gia mạng lưới đối tác du lịch nông thôn để phục vụ cho kết nối đầu tư, kết nối thông tin cung - cầu du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh ra với cả nước và thế giới.