| Hotline: 0983.970.780

Giảm nghèo từ những mô hình kinh tế hiệu quả

Thứ Hai 16/10/2023 , 15:23 (GMT+7)

Trên địa bàn xã miền núi Trường Xuân, đã có nhiều gia đình thực hiện phát triển mô hình kinh tế và vươn lên thoát nghèo, làm giàu…

Xã miền núi Trường Xuân (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống. Để góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, Hội Nông dân xã Trường Xuân đã phối hợp với các cấp, ngành vận động người dân tích cực làm ăn, tận dụng tiềm năng đất đai, phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Anh Hồ Minh kiểm tra đàn trâu của gia đình. Ảnh: C. Nghĩa.

Anh Hồ Minh kiểm tra đàn trâu của gia đình. Ảnh: C. Nghĩa.

Theo ông Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã có những chuyển biến tích cực.

“Nhiều hộ nông dân trước đây thuộc diện nghèo, nay đã tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo, trong số đó đã có nhiều hộ trở thành khá giả”, ông Nghĩa nói.

Chúng tôi ghé bản Lâm Ninh vào gia đình anh Hồ Minh (người Bru - Vân Kiều), là một trong những điển hình kinh tế giỏi.

Khi đến tuổi thanh niên, Hồ Minh theo bạn bè vào các tỉnh phía Nam để mưu sinh. Thế nhưng, cuộc sống thành thị khó khăn hơn anh nghĩ, nên anh đã quyết định quay về quê hương, quyết tâm lập nghiệp.

“Tôi đã được tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và quyết định vay 50 triệu đồng để mua bò sinh sản về nuôi", anh Minh nhớ lại,

Từ nguồn vốn vay, Hồ Minh đã tìm mua 2 con bò cái sinh sản và giống keo để trồng rừng. Sau đó, đàn bò cũng nhân lên được 8 con nhưng do nuôi giống bò cỏ, thả trong rừng sâu nên bò chậm lớn, không bán được giá cao.

Hồ Minh tiếp tục bán hết đàn bò rồi vay mượn thêm tiền, mua 5 con trâu giống về nuôi. Năm 2018, khi bán bớt số trâu giống, anh đã trả được nợ ngân hàng và tiếp tục đầu tư nuôi dê núi để tăng thu nhập.

Đến nay, gia đình Hồ Minh có 20 con trâu, 30 con dê, 8 ha keo tràm, hàng trăm con gà thả vườn… “Mỗi năm, tiền bán từ đàn vật nuôi thu về cho gia đình khoảng 150 triệu đồng. Rứa là cũng có của ăn của để rồi và nguồn vốn thì cứ tiếp tục phát triển thêm thôi mà”, anh Minh hồ hởi nói.

Cũng như Hồ Minh, gia đình ông Trần Văn Thuận (thôn Kim Sen), trước đây cũng là hộ nghèo. Tuy có diện tích đất rừng sản xuất tương đối lớn nhưng gia đình ông không tìm ra được hướng làm ăn để phát triển kinh tế, thoát nghèo.

Đầu năm 2016, ông Thuận được tham gia các lớp tập huấn về trồng cây ăn quả do địa phương tổ chức, từ đó ông đã quyết định chuyển đổi 1,2 ha đất đồi trồng keo sang xây dựng vườn hồ tiêu. Trong diện tích này, ông còn trồng các loại cây ăn quả đang được thị trường ưa chuộng, như chanh đào, cam mật Hiền Ninh...

Khi cây đã khép tán, ông Thuận còn đầu tư nuôi thêm 35 đàn ong lấy mật. Sau khi kinh tế gia đình đã từng bước ổn định, ông tiếp tục đầu tư trồng 10 ha keo tràm và phục hồi hớn 8 ha thông lấy nhựa.

Nói về thu nhập hiện nay của gia đình, ông Thuận cho hay: “Với mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt của gia đình, sau khi trừ chi phí, mỗi năm cùng thu về được khoảng 200 triệu đồng”.

Từ tiềm năng và thế mạnh của địa phương, Hội Nông dân xã Trường Xuân đã tuyên truyền, vận động tạo nên phong trào phát triển các mô hình kinh tế phù hợp cho người dân vươn lên thoát khỏi đói nghèo và vững bước đi lên.

Ông Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân (bên phải), đang trao đổi kinh nghiệm nuôi ong rừng với ông Trần Văn Thuận. Ảnh: C. Nghĩa.

Ông Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân (bên phải), đang trao đổi kinh nghiệm nuôi ong rừng với ông Trần Văn Thuận. Ảnh: C. Nghĩa.

Theo ông Trần Đại Nghĩa đánh giá, nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao, như trồng keo lấy gỗ, cây ăn quả, trồng sả để sản xuất tinh dầu, mô hình nuôi bò sinh sản, nuôi ong lấy mật…

"Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp đã giúp người dân địa phương ổn định đời sống, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững. Từ những mô hình ban đầu đã trở thành phong trào rộng, góp phần đưa kinh tế - xã hội địa phương đi lên”, ông Nghĩa nói.

Từ phong trào xóa đói, giảm nghèo sâu rộng các bản làng, đến nay, xã Trường Xuân có 17 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó có 3 hộ đạt cấp tỉnh, 5 hộ đạt cấp huyện và 9 hộ đạt cấp cơ sở. Nhiều hộ nông dân thuộc diện nghèo, nay đã thoát nghèo, vươn lên khá giả. 

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.