| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 30/09/2021 , 16:14 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 16:14 - 30/09/2021

Giảm thiểu hệ lụy từ hoạt động xét nghiệm

Khi Chính phủ đã có chủ trương sống chung lâu dài với Covid-19 thì từng địa bàn không thể không cân nhắc hoạt động xét nghiệm

Chiều ngày 29/9, lãnh đạo thành phố Thuận An - Bình Dương đã đến gặp bà Hoàng Thị Phương Lan tại chung cư Ehome 4 để giải quyết những hệ lụy xảy ra với công dân. Bởi lẽ, trưa ngày 28/9, một nhóm người gồm cả công an, dân phòng có cả sự chứng kiến của ông Võ Thanh Quan - Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phú, đã phá cửa và cưỡng chế bà Hoàng Thị Phương Lan đi xét nghiệm.

Sau khi clip vụ việc tung lên mạng, thì dư luận đã phản ứng rất dữ dội. Cách thực thi công vụ đối với bà Hoàng Thị Phương Lan hoàn toàn không phù hợp với quy định pháp luật. Nhất là hành vi cưỡng chế thô bạo lại diễn ra trước mặt đứa con nhỏ của bà Hoàng Thị Phương Lan, gây bức xúc cho cộng đồng.

Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của phường Vĩnh Phú đã xin lỗi công khai bà Hoàng Thị Phương Lan, có thể xem như khép lại một ví dụ ê chề. Tuy nhiên, qua trường hợp trên, cũng là lời cảnh tỉnh cho hoạt động xét nghiệm đang được triển khai trên diện rộng. Các chuyên gia cũng đã nhắc nhở về khả năng lây nhiễm chéo trong quá trình xét nghiệm, nên công dân cũng có những sự đắn đo nhất định khi được gọi đi xét nghiệm tập trung. Phải chăng, chính quyền địa phương cần mềm dẻo hơn với công tác vận động và tuyên truyền đến từng hộ gia đình. Thậm chí, nhiều nơi tại TP.HCM đã áp dụng biện pháp phân phát kit test nhanh để mỗi người tự thực hiện riêng biệt và an toàn hơn.

Khi đại dịch bùng phát thì ai cũng lúng túng. Thế nhưng, khi Chính phủ đã có chủ trương sống chung lâu dài với Covid-19 thì từng địa bàn không thể không cân nhắc hoạt động xét nghiệm. Vì sao những người đã tiêm đủ 2 mũi vacxin và những người F0 khỏi bệnh ở vùng xanh cũng phải lũ lượt xét nghiệm theo định kỳ? Chi phí xét nghiệm không hề rẻ, nhất là giá kit test nhanh vẫn được thả nổi trên thị trường.

Hiện nay, có không ít băn khoăn về thông tin giá gốc một bộ kit test nhanh chỉ 25 nghìn đồng nhưng trong nước lại được mua với giá 200 nghìn đồng. Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế của Bộ Y tế cho rằng, giá kit test nhanh do doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Các địa phương có thể tham khảo trong triển khai đấu thầu mua sắm. Bộ Y tế hiện không đàm phán cũng như không kiểm soát giá thiết bị y tế này do chưa có quy định. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ xin ý kiến các bộ, ngành để đưa mặt hàng này vào nhóm bình ổn giá.

Nhu cầu sử dụng kit test nhanh rất lớn và hầu hết đều sử dụng ngân sách nhà nước để mua, tại sao lại không có sự đàm phán và đấu thầu hợp lý để tiết kiệm nguồn lực tài chính cho xã hội giai đoạn cam go chống Covid-19? Mặt khác, vacxin mới thực sự quan trọng, dồn tiền cho vacxin sẽ hiệu quả hơn dồn tiền vào xét nghiệm. Con số thống kê cho thấy, qua 4 đợt xét nghiệm tại TP.HCM đã tiêu tốn 3.720 tỷ đồng, tương đương chi phí để có được 55 triệu liều vacxin phổ biến Astrazeneca.

    Tags: