Thiếu tôm cỡ lớn do dịch bệnh
Theo thông tin từ một số thương nhân ngành tôm, cuối năm 2023, đã xảy ra tình trạng chết sớm trên tôm nuôi ở một số nơi thuộc ĐBSCL. Trước tình hình đó, dù các cơ sở cung ứng tôm giống đã rất nỗ lực để bảo đảm cung ứng tôm giống sạch bệnh, nhưng trong vụ nuôi tôm chính năm 2024, vẫn xuất hiện tình trạng tôm giống nhiễm bệnh ở nhiều trại nuôi tôm.
Ở ven biển Đông Nam Bộ, cũng xuất hiện dịch bệnh trên tôm nuôi. Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cho biết, trong năm nay, có hiện tượng xuất hiện dịch bệnh trên tôm ngay trong tháng đầu tiên sau khi thả nuôi. Ngay cả tôm giống của một số doanh nghiệp có uy tín, sau khi thả nuôi, cũng xuất hiện tình trạng này ngay trong tháng đầu.
Đến nay, vẫn đang có sự tranh cãi về tình trạng dịch bệnh xuất hiện trên tôm nuôi trong vụ chính năm 2024 là do tôm giống hay do nguồn nước. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi ở nhiều trang trại đang dẫn tới tình trạng thiếu hụt tôm kích cỡ lớn so với nhu cầu của thị trường, do nông dân phải thu hoạch sớm để giảm thiểu thiệt hại.
Theo ông Nguyễn Kim Chuyên, một số trang trại nuôi tôm ở Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) và Lộc An (huyện Đất Đỏ) bị nghi nhiễm vi bào tử trùng (EHP) trên tôm. Bệnh này khiến tôm chậm lớn. Do đó, khi tôm mới được hơn 100 con/kg, các trang trại này đã vội vàng thu hoạch hết. Có những trang trại sau khi thu hoạch xong là phải tạm ngưng nuôi vì sợ bệnh tiếp tục lây nhiễm nếu thả nuôi tiếp.
Điều đáng lo ngại là ngoài những bệnh đã được ghi nhận, nhiều diện tích tôm nuôi đã bị thiệt hại mà không rõ nguyên nhân. Thông tin từ Cục Thú y cho thấy, từ đầu năm đến nay, có khoảng 147 ha tôm nuôi tại Quảng Trị (28,47 ha), Bạc Liêu (116 ha) và Cà Mau (2,6 ha) bị thiệt hại nhưng không xác định nguyên nhân.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết, ngoài những bệnh cũ như đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, EHP …, đang có hiện tượng nghi ngờ xuất hiện bệnh mờ đục thân trên ấu trùng tôm.
Chủ động phòng ngừa bằng sinh học
Trước thực trạng tôm nuôi vẫn thường xuyên đối mặt với các dịch bệnh nguy hiểm mà chưa có thuốc điều trị hay thuốc điều trị đặc hiệu, và có thể cả những bệnh mới, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại đang chú trọng phòng chống dịch bệnh bằng nhiều giải pháp, gồm cả công nghệ sinh học, qua đó đạt được những kết quả khả quan.
Ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Phát triển bền vững và Đổi mới sáng tạo PAN Group, cho biết, từ nhiều năm qua, PAN đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, thủy sản. Riêng về nuôi tôm, PAN hiện có khoảng hơn 500 ha ở ĐBSCL.
Khi đầu tư vào nông nghiệp, PAN rất chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học. Trong nuôi tôm, PAN đã ứng dụng rất thành công vi sinh và đã tự phân lập được các vi sinh vật có lợi từ các ao nuôi. Những vi sinh vật có lợi đã được sử dụng để kiểm soát chất lượng nước ao nuôi, xử lý môi trường ao nuôi, qua đó giúp tôm nuôi giảm thiểu dịch bệnh, đạt năng suất cao.
Nhờ ứng dụng thành công công nghệ sinh học, hiện nay, PAN đã giảm mạnh tỷ lệ hao hụt do dịch bệnh ở các trại nuôi tôm. Hiện nay, Tập đoàn đã có thể tổ chức nuôi 2 vụ tôm mỗi năm ở ĐBSCL, gồm cả nuôi tôm chính vụ và nuôi tôm trái vụ, vụ nào cũng thành công.
Hiện nay, trong nuôi tôm ở các tỉnh phía Nam, đang có nhiều quy trình nuôi như quy trình 2/3/4 (nuôi 2 giai đoạn, 3 lần thu tỉa, 4 sạch trong trại nuôi: sạch tôm giống, sạch nước, sạch người nuôi và dụng cụ, sạch - an toàn sinh học), quy trình nuôi nhiều giai đoạn, quy trình thu tỉa, quy trình nuôi công nghệ vi sinh, quy trình công nghệ cao…
Hầu hết các quy trình đều quan tâm bổ sung vi sinh xử lý chất thải đáy ao kết hợp khống chế vi khuẩn có hại, đồng thời bổ sung lợi khuẩn để kích thích tiêu hoá cho tôm.