| Hotline: 0983.970.780

Gian nan xây dựng cơ sở giết mổ tập trung

Thứ Tư 03/04/2019 , 08:57 (GMT+7)

Theo quy hoạch giai đoạn 2013-2020, tỉnh Thanh Hóa sẽ xây dựng 100 cơ sở giết mổ tập trung (CSGMTT). Thế nhưng, tính đến đầu tháng 3/2019, toàn tỉnh mới chỉ có 32 CSGMTT. Nhiều trong số đó đang hoạt động èo uột.

Năm 2016, với sự hỗ trợ của dự án Lifsap, ông Nguyễn Thế Tiếp xây dựng CSGMTT tại phường Quảng Hưng (TP Thanh Hóa). Với tổng diện tích xây dựng gần 0,5 ha, gồm các hạng mục khu giết mổ, khu sơ chế, khu chuồng nhốt, biogas, ao sinh học… ông đã đầu tư trên 5 tỷ đồng. Dự định, sau khi hoàn thành dự án, đây sẽ là CSGMTT cho những người làm nghề giết mổ tại 4 phường xã lân cận. Thế nhưng, đến thời điểm này, ông Tiếp thực sự vỡ mộng.

08-55-32_1
Người dân không đưa gia súc vào CSGMTT khiến ông Tiếp gặp khó

“Tôi được dự án Lifsap hỗ trợ 30.000 USD nhưng đầu tư hết 5-6 tỷ đồng rồi. Đáng buồn là người dân không ai đem lợn vào đây giết thịt. Đến thời điểm này, tôi phải chật vật duy trì cơ sở, bỏ thì thương, vương thì tội. Nếu chính quyền địa phương và đối tác không “tiếp sức” thì CSGMTT này sẽ đi vào bế tắc” – ông Tiếp buồn bã.

Không được các chủ giết mổ khác đưa gia súc vào giết mổ, ông Tiếp phải hợp đồng với Công ty CP Việt Nam, thu mua lợn tại các trại gia công về mổ, cấp cho một số nhà ăn tập thể, siêu thị, chuỗi cửa hàng trên địa bàn thành phố. Cơ sở ông tạo công ăn việc làm cho 8 lao động, trừ chi phí mỗi ngày cũng chỉ lãi trên dưới 500.000 đồng.

“Cao điểm cơ sở này mổ 15-18 con lợn/ngày. Một phần gia đình tôi đem ra chợ bán, một phần cung ứng cho các nhà trường, siêu thị, chuỗi cửa hàng. Tính ra, lợi nhuận không cao bằng gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi. Tôi đã kêu gọi được một số đối tác nhưng khi khảo sát xong họ liền rút lui vì sợ không thể thu hồi vốn. Một số CSGMTT cũng phải đóng cửa vì làm ăn bết bát. Điều tôi mong muốn nhất là chính quyền các cấp quyết liệt hơn nữa để người dân đưa gia súc vào đây giết mổ theo đúng quy định” – ông Tiếp cho hay.

Theo thống kê, năm 2017, TP. Thanh Hóa có 237 CSGM, đến nay còn 162 CSGM. Trong đó chỉ có 2 CSGMTT hoạt động.

“Trước khi quy hoạch, TP Thanh Hóa có 3 CSGMTT và cần xây dựng thêm 2 CSGMTT nữa để đạt tiến độ quy hoạch xây dựng đến năm 2020. Đến nay, toàn TP có thêm 1 CSGMTT được xây dựng tại phường Quảng Hưng nhưng lại có 2 CSGMTT bị thu hồi đất do nằm trong vùng quy hoạch đô thị. Vì thế, nếu không tính CSGMTT của Công ty Súc sản Hàm Rồng thì TP. Thanh Hóa chỉ còn 2 CSGMTT hoạt động” – ông Lê Thiệu Phúc, chuyên viên phòng Kinh tế TP. Thanh Hóa cho biết.

08-55-32_2
Cơ sở giết mổ của ông Tiếp đang hoạt động èo uột

Theo ông Phúc, việc kêu gọi nhà đầu tư xây dựng CSGMTT hiện nay gặp những khó khăn nhất định như nhà đầu tư ngại chậm thu hồi vốn trong khi đầu tư lớn; một số vướng mắc trong thuê đất, xác định vị trí xây dựng… Tình trạng này khiến các CSGM nhỏ lẻ tiếp tục tồn tại, hoạt động mặc dù số CSGM này đảm bảo ATVSTP chỉ khoảng 25-30%. “Hiện một số phường đã rà soát lại và sẽ cố gắng để hết năm 2019 sẽ có 50% số CSGM đạt tiêu chuẩn ATVSTP” – ông Phúc cho biết thêm.

Theo Chi cục Thú y Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 2.255 CSGM nhỏ lẻ dẫn đến việc kiểm soát giết mổ gặp nhiều khó khăn. Chỉ có khoảng 46,5% sản phẩm động vật tiêu thụ trên địa bàn tỉnh được kiểm soát.

“Quy hoạch 100 CSGMTT cũng chỉ là quy hoạch “mở”. Các địa phương tự điều chỉnh nguồn lực thông qua việc huy động xã hội hóa, tìm nhà đầu tư. Khó khăn nhất bây giờ vẫn là thói quen giết mổ nhỏ lẻ từ ngàn đời của người dân. Trong khi người tiêu dùng vẫn tỏ ra dễ dãi trong lựa chọn thực phẩm; nhà đầu tư e dè trong việc đầu tư nguồn vốn vì sợ thu hồi chậm; tìm quỹ đất bố trí CSGMTT cũng khó khăn...” – ông Phạm Chiến Thắng, Phó phòng Kiểm dịch động vật và Thú y cộng đồng, Chi cục Thú y Thanh Hóa cho biết.

 

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chinh phục thị trường châu Âu

CZECH Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Czech để cùng phát triển ngành hóa chất, phân bón và nông nghiệp.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.