Các trường đại học trên cả nước vừa công bố kết quả tuyển sinh. Điều khiến cộng đồng xôn xao không phải vì điểm chuẩn rất cao của những cơ sở đào tạo uy tín, mà lại là hành vi đẹp đẽ của ứng viên Ngô Minh Hiếu trượt Đại học Y Hà Nội.
Ngô Minh Hiếu ở xóm 1, xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Suốt 10 năm qua, Ngô Minh Hiếu đã cõng người bạn láng giềng bị tật nguyền là Nguyễn Tất Minh đến trường.
Mùa tuyển sinh đại học năm nay, Nguyễn Tất Minh đạt nguyện vọng vào ngành công nghệ thông tin của Trường Đại học Bách Khoa - Hà Nội, còn Ngô Minh Hiếu không đạt nguyện vọng vào ngành y khoa của Đại học Y Hà Nội vì thiếu 0,25 điểm.
Trên nhiều diễn đàn, các ý kiến sôi sục kiến nghị Đại học Y Hà Nội hãy đặc cách nhận Ngô Minh Hiếu làm sinh viên. Đó là một đòi hỏi thiện chí và đáng ủng hộ, vì Ngô Minh Hiếu đã lan tỏa năng lượng sống tích cực cho cộng đồng.
Nếu trường hợp Ngô Minh Hiếu bước chân vào giảng đường Đại học Y Hà Nội thì niềm hãnh diện nhân đôi cho cả Ngô Minh Hiếu lẫn Đại học Y Hà Nội. Bởi lẽ, một người từ nhỏ đã biết cưu mang người khác như Ngô Minh Hiếu, chắc chắn là nền tảng để có một bác sĩ đúng nghĩa “lương y như từ mẫu”.
Thế nhưng, bất ngờ thay, Ngô Minh Hiếu cảm ơn những tình cảm khắp nơi dành cho mình, nhưng xin từ chối sự đặc cách.
Ngô Minh Hiếu nói rõ quan niệm của mình: “Nếu được, suất đặc cách của em có chắc sẽ bằng các suất đậu chính thức của các bạn hay không? Và khi em vào học, liệu các bạn ở trong trường có coi em như một người bạn bình thường hay không? Người ta có xa lánh mình hay không vì mình là người được đặc cách? Như vậy, họ có phục mình không, người ta sẽ nghĩ mình như thế nào...?”.
Những ngôn từ đơn giản và mạnh mẽ của Ngô Minh Hiếu đã khiến những ai luôn tranh thủ mọi sự đặc cách trong xã hội hiện nay, phải giật thót vì xấu hổ.
Bao người có điều kiện tốt hơn Ngô Minh Hiếu đang giành giật sự đặc cách về đi lại, về hưởng thụ, về bổ nhiệm có bao giờ ưu tư “người ta sẽ nghĩ mình như thế nào”.
Con người trưởng thành và tử tế khi biết soi mình qua ánh mắt của người khác. Xấu hổ là cảm xúc lương thiện đầu tiên khi biết mình có thể bước qua lằn ranh của sự công bằng và sự văn minh.
Ngô Minh Hiếu chọn nguyện vọng thứ hai là vào Đại học Y Thái Bình. Vậy là Ngô Minh Hiếu không có cơ hội để cõng bạn Nguyễn Tất Minh tiếp tục vượt qua mưa gió đi học mỗi ngày. Hai giảng đường đại học khác nhau được chia sẻ hai nhân tố tử tế Ngô Minh Hiếu và Nguyễn Tất Minh.
Tuy nhiên, câu chuyện nhân văn của đôi bạn này giúp nuôi dưỡng giá trị lá lành đùm lá rách cho người Việt trong thế kỷ 21. Và hơn nữa, sự từ chối đặc cách 0,25 điểm để vào Đại học Y Hà Nội của Ngô Minh Hiếu cũng trở thành bài học về lòng tự trọng cho người Việt thời hội nhập đua chen danh lợi.