| Hotline: 0983.970.780

Giao Bộ Công an xem xét xử lý vấn đề cá tầm Trung Quốc

Thứ Hai 18/01/2021 , 17:24 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có văn bản chỉ đạo làm rõ phản ánh của Báo NNVN và một số cơ quan báo chí về vấn đề cá tầm Trung Quốc.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo làm rõ thông tin phản ánh về việc kinh doanh, nhập khẩu cá tầm Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Anh.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo làm rõ thông tin phản ánh về việc kinh doanh, nhập khẩu cá tầm Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Anh.

Theo văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, gần đây các Báo Nông nghiệp Việt Nam, Nhân dân, Vietnamnet và các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tình trạng buông lỏng quản lý, có dấu hiệu tiếp tay cho việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam, vi phạm gian lận về số lượng nhập khẩu, gian lận xuất xứ... tạo sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường cá tầm, tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 và trái với chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 về việc phòng, chống COVID-19 (Chỉ thị số 05).

Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ Công an, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu phản ánh của báo chí nêu trên để xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc vượt thẩm quyền.

Trước đó, như Báo Nông nghiệp Việt Nam và một số cơ quan báo chí khác đã phản ánh tình trạng cá tầm Trung Quốc ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam qua đường chính ngạch, tiểu ngạch, không có trong danh mục được cấp phép đã gây ra những hệ lụy không nhỏ đến ngành nuôi cá tầm trong nước và ảnh hưởng đến chất lượng của cá tầm Việt Nam.

Đặc biệt, chất lượng cá tầm Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm tra, kiểm định đang có nguy cơ gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Về lâu dài, những lỗ hổng trong việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc có thể sẽ giết chết ngành nuôi cá tầm trong nước.

Theo thống kê, cá tầm Trung Quốc được nhập khẩu qua đường chính ngạch và nhập lậu một cách ồ ạt với số lượng lớn dùng làm thực phẩm, số lượng năm 2018 là 1.164 tấn, 2019 là 1.849 tấn, tạm tính 2020 là trên 1.000 tấn.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, các đối tượng cá nước lạnh được phép nuôi tại Việt Nam từ những năm 2005 gồm: cá tầm Xibêri (Acipenser baerii), cá tầm Beluga (Huso huso), cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), cá tầm Sterlet (Acipenser ruthenus), cá tầm Trung Hoa (Acipenser sinensis), cá tầm lai (lai giữa 2 loài Acipenser ruthenus và Huso huso).

Đây là những loài đã được Bộ NN-PTNT đưa vào danh mục sản xuất thông thường và được kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc từ cơ quan CITES Việt Nam và các cơ quan quản lý chuyên ngành.

Trước thực trạng trên, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân nuôi cá tầm ở Việt Nam cũng đã có Đơn kiến nghị “cầu cứu” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem xét các vấn đề liên quan đến việc nhập cá tầm từ Trung Quốc.

“Việc nhập khẩu cá tầm sống làm thực phẩm không có trong danh mục sản xuất thông thường mà phải có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành. Chúng tôi được biết Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT chưa cấp phép nhập khẩu cá tầm sống làm thực phẩm ngoài danh mục được sản xuất thông thường.

Tuy nhiên cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc được nhập về có nhiều giống cá lai không nằm trong danh mục sản xuất thông thường nói trên mà thuộc nhiều dòng lai khác nhau của cá tầm Amur (Acipenser schrenckii), cá tầm Kaluga (Huso dauricus), cá tầm Xibêri (Acipenser baerii)… không được kê trong danh mục cho phép”, văn bản “cầu cứu” Thủ tướng nêu rõ.

Tình trạng cá tầm Trung Quốc không rõ nguồn gốc tràn lan thị trường gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh cá tầm trong nước. Ảnh: Hoàng Anh.

Tình trạng cá tầm Trung Quốc không rõ nguồn gốc tràn lan thị trường gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh cá tầm trong nước. Ảnh: Hoàng Anh.

Cũng theo cộng đồng nuôi cá tầm ở Việt Nam, bên cạnh việc nhập lậu, thẩm lậu, các tổ chức, cá nhân còn lợi dụng chính sách cho phép nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc để nâng không khối lượng, cá tầm Trung Quốc ngoài danh mục được bày bán tràn lan trong các chợ đầu mối, các trung tâm đô thị, trà trộn vào cá tầm Việt Nam khiến người tiêu dùng bị đánh lừa…

Đơn kiến nghị của cộng đồng nuôi cá tầm Việt Nam thể hiện, nghề nuôi cá tầm ở Việt Nam được hình thành và phát triển từ năm 2005, với sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ban, nghành và sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự nỗ lực nghiên cứu của các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã phát triển thành một nghề nuôi có tiềm năng phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sản lượng cá tầm năm 2020 của cả nước đạt trên 3.700 tấn, chiếm hơn 11,5% tổng sản lượng cá tầm toàn thế giới, giá trị kinh tế đạt trên 500 tỷ đồng, tăng trưởng sản xuất trong giai đoạn 2007-2020 đạt trung bình 68,75%/năm, không những góp phần tăng doanh thu cho ngân sách nhà nước mà còn góp phần an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng vạn lao động, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tính đến nay mô hình nuôi cá tầm đã có mặt tại hơn 25 tỉnh thành trên cả nước với sự đóng góp của hơn 300 công ty, hợp tác xã, hộ nuôi trồng...

Tuy nhiên, những thành tựu, tiềm năng phát triển của cá tầm Việt Nam đang bị những lỗ hổng trong việc nhập khẩu, nhập lậu cá tầm Trung Quốc đe dọa và đứng trước nguy cơ bị bóp chết.

Chính vì vậy, đại diện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi cá tầm trên cả nước kính đề nghị Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Bộ Công an kiểm tra, rà soát, làm rõ vấn đề có hay không việc quản lý lỏng lẻo, lợi dụng kẽ hở pháp luật để việc thẩm lậu cá tầm không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc và vấn đề nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc không nằm trong danh mục loài được cấp phép.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.