| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 02/11/2022 , 09:07 (GMT+7)
Thái Hạo

Thái Hạo

09:07 - 02/11/2022

Giáo dục: Khi trăm dâu đổ đầu... phụ huynh

Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm cho con (diễn ra vào 30/10) thấy ngổn ngang biết bao nhiêu chuyện lớn nhỏ, như một mớ tơ vò.

Họp phụ huynh đầu năm. Ảnh minh họa.

Họp phụ huynh đầu năm. Ảnh minh họa.

Xin điểm qua. Giáo viên tiếng Anh đáng lẽ 3 người thì chỉ có 1, thế là dạy 2 tiết dồn 1. Giờ muốn học đủ thì phụ huynh phải đóng tiền để thuê thêm người!

Trường học ngay trên địa bàn thị xã nhưng giáo viên Thể dục, Mỹ thuật, Tin học không có, trong khi vẫn tiến hành dạy thêm (thu tiền) buổi chiều đối với các môn văn hóa (Ban giám hiệu gọi là “học tăng cường”!).

Tôi hỏi Ban giám hiệu rằng, vậy nếu không đi học thêm và không đi học bù số tiết tiếng Anh còn thiếu kia thì chất lượng có được đảm bảo không, Ban giám hiệu trả lời rằng “có”. Tôi không biết “có” bằng cách nào.

Thiếu hoặc không có giáo viên nhưng vẫn không tuyển dụng; vậy là xà xẻo, vá víu, làm méo mó chương trình một cách nghiêm trọng. Trách nhiệm ấy thuộc về ai? Nhà trường thì không có quyền tuyển dụng nhưng lại vẫn phải đảm bảo chất lượng dạy và học theo chỉ đạo của chính quyền và cấp trên.

Vậy là họ (nhà trường) phải làm một cái việc khốn khổ là đề xuất thuê giáo viên (do phụ huynh trả tiền) để có thành tích mà báo cáo cho Phòng, cho Sở. Vẫn là trách nhiệm của nhà nước nhưng phụ huynh và học sinh phải gánh lấy.

Các cấp chính quyền không cấp kinh phí cho những hoạt động nhằm vận hành cơ sở giáo dục một cách ổn thỏa, thay vào đó lại ban ra các văn bản cho phép nhà trường thu các khoản trái với quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo: từ thu tiền trông giữ phương tiện giao thông của học sinh đến vệ sinh công cộng trong nhà trường và các khoản liên quan đến xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất... Một lần nữa, quả bóng trách nhiệm được đá vào chân phụ huynh và học sinh.

Trong khi “các cấp có thẩm quyền” vẫn đòi trường phải đẹp, Phòng - Sở vẫn bắt trường phải có bản báo cáo thành tích hoành tráng nhưng tiền không rót, giáo viên không tuyển, thế là học sinh cùng phụ huynh gánh hết: phải học một chương trình què quặt, méo mó; phải nộp đủ thứ tiền mà đáng ra nó mặc nhiên thuộc về trách nhiệm của chính quyền. Từ đó, nạn lạm thu cứ thế mà nảy nở, gây bất bình ngày càng sâu sắc trong phụ huynh, làm nhem nhuốc môi trường giáo dục vốn luôn cần sự lành mạnh, trong sáng và thiêng liêng.

Đó là tình hình ở một trường tiểu học trên địa bàn thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) mà tôi mới có cuộc trao đổi với Ban giám hiệu của trường. Mà không phải chỉ Nghi Sơn đâu, hôm trước Bộ trưởng Bộ Giáo dục mới nói trên diễn đàn Quốc hội đó thôi, rằng Bộ có tất cả, trừ tiền và người.

Đổi mới giáo dục ư? Đổi mới bằng cách nào khi mà chương trình đã thay đổi nhưng tiền không cấp, giáo viên không tuyển? Tay không bắt giặc ư?

Rồi nhân cái sự tranh tối tranh sáng nhập nhèm ấy, nhà trường thông báo các khoản thu và các chương trình học thêm (Kỹ năng sống, “học tăng cường”, học Tiếng Anh...) cũng một cách mù mờ, làm phụ huynh không phân biệt được khoản nào là bắt buộc, khoản nào là tự nguyện; không phân biệt được đâu là chính khóa đâu là học thêm, cái nào phải đi học, cái nào tùy ý lựa chọn... Tình trạng ấy làm hoen ố môi trường giáo dục, khiến cho lòng tin, sự tôn trọng của phụ huynh cứ thế đi xuống, đào một cái hố thẳm ngăn cách giữa nhà trường và phụ huynh, mỗi lúc một sâu và rộng hơn. Đó là một sự đổ vỡ quá lớn và đau lòng trong quan hệ giữa nhà trường và gia đình.

Sáng nay tôi đã gửi bản yêu cầu cho Ban giám hiệu, đề nghị nhà trường phải đòi về cho bằng được những điều kiện tối thiểu vốn luôn thuộc về trách nhiệm “các cấp có thẩm quyền” từ Phòng, Sở, UBND các cấp: việc cấp kinh phí chi thường xuyên cho cơ sở giáo dục, trách nhiệm tuyển dụng giáo viên, sự công khai, minh bạch trong thu chi...

“Oan có đầu, nợ có chủ”, trách nhiệm phải được minh định rõ ràng, không thể tiếp tục lẫn lộn để mà đặt nhầm chỗ nữa.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm