| Hotline: 0983.970.780

Giao thông và tái cơ cấu nông nghiệp vực dậy nông thôn ở Mỏ Cày Bắc

Thứ Ba 14/12/2021 , 10:40 (GMT+7)

Bến Tre Dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng huyện Mỏ Cày Bắc vẫn hoàn thành đưa 2 xã Hưng Khánh Trung A và Tân Bình về đích nông thôn mới.

Thêm 2 xã nông thôn mới

Năm 2021, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Bến Tre nói chung và huyện Mỏ Cày Bắc đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi.

Ông Mai Hoàng Nhân, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Bắc cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các chương trình “Ngày chủ nhật nông thôn mới” thực hiện gián đoạn, công tác tuyên truyền về các chủ trương chính sách xây dựng NTM còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, một số tiêu chí đạt không ổn định, đồng thời nhiều công trình chậm triển khai do thiếu kinh phí. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, quyết tâm huyện Mỏ Cày Bắc đã có thêm 2 xã Hưng Khánh Trung A và Tân Bình được công nhận hoàn thành 19/19 tiêu chí. Dự kiến, tháng 12 này, các xã sẽ tổ chức đón bằng công nhận.

Đường giao thông nông thôn sạch đẹp tại các xã nông thôn mới ở Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Đường giao thông nông thôn sạch đẹp tại các xã nông thôn mới ở Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Đáng chú ý, tại các xã nằm trong kế hoạch về đích trong năm, địa phương đã có nhiều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Nhất là trong tiêu chí giao thông tại 2 xã Tân Bình và Hưng Khánh Trung A. Huyện Mỏ Cày Bắc đã đưa vào sử dụng các tuyến đường nông thôn mới mang lại niềm phấn khởi cho nhân dân. Đó là niềm mong mỏi của nhân dân nơi các xã được chọn đầu tư để về đích NTM. Các xã cũng đã sửa chữa dặm vá bê-tông 58km đường các loại, 20 cầu bê-tông với tổng kinh phí 4,8 tỷ đồng. Nhân dân đóng góp thêm 8,5 tỷ đồng qua hiến đất, hoa màu và 5.400 ngày công lao động.

Tại xã Tân Bình, bà Đặng Quế Nhi, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn xã được quan tâm thực hiện. Đến nay, xã Tân Bình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các tuyến đường và 2 cầu ở ấp Tân Đức A. Hiện 100% tuyến đường cấp A, 50% tuyến đường cấp B và 40% tuyến đường cấp C trên địa bàn xã lưu thông tốt hai mùa mưa nắng, thuận tiện cho bà con đi lại giao thương. Qua đó, tiêu chí giao thông của xã đạt 90% theo yêu cầu, phần việc còn lại đang thực hiện dự kiến sẽ hoàn thành đúng tiến độ.

Tại HTX Tân Bình ở ấp Tân An, ông Lê Văn Tiến, Giám đốc HTX Tân Bình cho biết, đường sá đi lại thuận tiện nên hoạt động thu mua dừa của HTX đối với các thành viên cũng như nông dân ngoài HTX rất thuận lợi. Dù mới thành lập năm 2019 nhưng HTX đã thu hút được 121 thành viên. Mỗi năm, HTX hoạt động có lãi. Nhất là HTX cũng tạo ra công ăn việc làm cho thành viên như lột dừa, tách vỏ dừa,… đảm bảo thu nhập cho nhiều thành viên ổn định với mức thu nhập 200 - 300 nghìn đồng mỗi ngày.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh Trung A cho hay: Hiện nay 100% tuyến đường liên xã, đường xã đến trung tâm huyện đã được cứng hoá, đảm bảo ô tô đi lại quanh năm. Riêng các tuyên đường trục liên ấp, ngõ xóm được cứng hoá từ 45-50%, đảm bảo yêu cầu đi lại của nhân dân.

Tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập

Không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn từ tiêu chí giao thông, huyện Mỏ Cày Bắc còn tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và xây dựng vùng nguyên liệu. Trong đó, tập trung sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh. Trong năm, huyện Mỏ Cày Bắc đã thành lập mới 4 tổ hợp tác, thực hiện 536ha diện tích dừa hữu cơ, 1.414ha dừa thâm canh, 503ha cây ăn trái đầu tư thâm canh và 43ha bưởi VietGAP.

Công nhân lao động tại Công ty Dừa Đông Dương tại xã Tân Bình. Ảnh: Minh Đảm.

Công nhân lao động tại Công ty Dừa Đông Dương tại xã Tân Bình. Ảnh: Minh Đảm.

Đặc biệt là tại xã Tân Bình, vừa mới được công nhận là xã NTM, bà Đặng Quế Nhi, Phó Chủ tịch UBND xã thông thêm: Xã có diện tích cây dừa 670 ha, sản lượng trái năm nay ước đạt 6,8 triệu trái. Hiện HTX Tân Bình hoạt động có hiệu quả đã liên kết thu mua trái dừa theo chuỗi giá trị cho bà con thành viên và nông dân ngoài HTX. Bên cạnh đó, xã cũng có 4 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả và 10 tổ nghề nghiệp ươm cây con.

Xã Tân Bình có diện tích cây ăn trái trên 87ha, phần lớn là bưởi da xanh xen dưới tán dừa. Hiện có 1 tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh liên kết với Công ty Hương Miền Tây để bao tiêu đầu ra. Nhờ thực hiện việc liên kết này mà sản xuất bưởi ổn định trong mùa dịch Covid-19.

Cũng theo bà Đặng Quế Nhi, trong năm qua xã Tân Bình đã tư vấn giải quyết việc làm cho 180 người, giải quyết việc làm cho 120 người. Đến nay, lao động có đào tạo trên địa bàn xã đạt trên 40%, với gần 2.500 người. Từ đó, đời sống của nhân dân trong xã đã khấm khá hơn trước. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay trên 50,7 triệu đồng. Hộ nghèo chỉ còn 3,38%.

Phấn đấu thêm 4 xã NTM và 2 xã nâng cao

Đó là mục tiêu trong xây dựng NTM tại huyện Mỏ Cày Bắc năm nay. Sang năm, huyện Mỏ Cày Bắc sẽ tập trung xây dựng 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và thêm 4 xã đạt chuẩn NTM. Các xã còn lại đạt ít nhất 16 tiêu chí trở lên. Bên cạnh đó, UBND huyện Mỏ Cày Bắc sẽ hoàn thành đề án huyện NTM.

Huyện Mỏ Cày Bắc sẽ thực hiện nhiều giải pháp, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cả hệ thống chính trị. Tiếp tục vận động mạnh thường quân, nhân dân đóng góp chung tay xây dựng NTM. Bên cạnh đó, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp với chuỗi giá trị, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan công cộng.

(Ông Mai Hoàng Nhân, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Bắc)

  • Tags:
Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

Bộ NN-PTNT công nhận 28 sản phẩm OCOP cấp Quốc gia năm 2024

Sáng 16/1, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Trung ương năm 2024 tại Hà Nội.