Covid làm chậm tiến độ
Thời gian qua, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng xây dựng NTM ở Bến Tre có nhiều kết quả ấn tượng. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, 10 tháng năm 2021, UBND tỉnh đã công nhận 7 xã đạt chuẩn NTM.
Đạt được kết quả như trên cho thấy Chương trình xây dựng NTM ở Bến Tre đã thật sự lan toả và phát triển thành phong trào được người dân hưởng ứng tích cực. Cụ thể như, 5 tháng đầu năm 2021, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa phức tạp, chương trình “Ngày chủ nhật nông thôn mới” đã thu hút trên 121 nghìn lượt người tham gia.
Kết quả, mới đây, UBND tỉnh Bến Tre đã công nhận thêm 3 xã đạt chuẩn NTM. Đến nay, tỉnh Bến Tre đã có 61 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Sơn Định, huyện Chợ Lách). Số tiêu chí bình quân gần 16 tiêu chí/xã và không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí.
Đáng chú ý, đối với tiêu chí thu nhập, hiện đã có 121 xã (chiếm 85%) đạt tiêu chí này. Còn tiêu chí giao thông cũng có trên 50% số xã đã đạt tiêu chí này. Đối với xây dựng NTM cấp huyện, Bến Tre cũng có huyện Chợ Lách đạt chuẩn huyện NTM và TP Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Thông tin về kết quả thực hiện xây dựng NTM của tỉnh Bến Tre, ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên thực hiện NTM cũng hơi chậm so với trước đây. Đặc biệt là chương trình “Ngày chủ nhật nông thôn mới” cũng phải tạm ngưng.
Tuy nhiên, kết quả đến nay cũng có nhiều điểm đáng phấn khởi. Theo Nghị quyết Tỉnh uỷ, năm nay, Bến Tre sẽ xây dựng 7 xã NTM và 9 xã NTM nâng cao. Thời điểm này, tỉnh đã thực hiện được 10 xã NTM và 3 xã NTM nâng cao. Dự kiến đầu tháng 12, trình tiếp cho Ban chỉ đạo tỉnh công nhận thêm 1 xã NTM và 11 xã NTM nâng cao. Như vậy, kết quả đến nay thực hiện đạt và vượt so với kế hoạch”.
Người dân đồng lòng hưởng ứng
Xã Hưng Khánh Trung A (huyện Mỏ Cày Bắc) là đơn vị vừa mới được công nhận hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM. Địa phương chỉ có trên 1.268ha đất tự nhiên nhưng có trên 2.500 hộ với gần 9.000 nhân khẩu. Đại bộ phận người dân sinh sống bằng nghề nông. Thế mạnh của xã là sản xuất cây giống và hoa kiểng, cây dừa, cây ăn trái.
Năm 2010, xã Hưng Khánh Trung A, được công nhận là xã văn hoá. Đây là nền tảng vững chắc để Đảng bộ, nhân dân xã thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM. Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh Trung A cho biết:
“Chương trình NTM được triển khai, quán triệt sâu sắc đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chương trình được nhân dân đồng tình ủng hộ, hưởng ứng tích cực. Nhất là đóng góp tiền mặt, hiến đất đai, cây cối và ngày công lao động cho hầu hết các công trình trên địa bàn xã”.
Kết quả, UBND xã đã huy động được trên 235 tỷ đồng xây dựng NTM. Trong đó, nhân dân đóng góp gần 65 tỷ đồng, chiếm 27%, tổng nguồn lực thông qua việc hiến 963 cây dừa và cây ăn trái các loại, trên 90 nghìn m2 đất cùng với trên 7.000 ngày công lao động.
Cũng theo ông Nguyễn Chí Dũng, nhận thức sâu sắc về tâm quan trọng của xây dựng NTM mà người dân là chủ thể, nòng cốt trong quá trình thực hiện. UBND xã nhận thấy việc nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ hàng đầu góp phần thành công các tiêu chí NTM.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của các cấp trên và sự hỗ trợ của các ngành chức năng, UBND xã Hưng Khánh Trung A đã thực hiện chương trình xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng chuỗi giá trị. Trong đó, tập trung vào thế mạnh cây giống, hoa kiểng.
Xã Hưng Khánh Trung A có trên 100 cơ sở hoa kiểng cây giống. Trong đó, sản xuất cây giống với diện tích hàng năm đạt 60ha, xuất ra thị trường gần 4,9 triệu sản phẩm, chiếm trên 45% giá trị sản xuất toàn xã. Đối với hoa kiểng, xã cũng có trên 30ha, hàng năm cũng cấp cho thị trường khoảng 165 nghìn sản phẩm.
Hiện nay, hoạt động sản xuất theo chuỗi giá trị, tiêu thụ nông sản đang chuyển dần sang hướng tập trung hình thành các trang trại, tổ hợp tác, HTX. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn dưới 3%, thu nhập bình quân trên người cũng đạt 54 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Giàng Bảy (ấp Cái Tắc, xã Hưng Khánh Trung A) phấn khởi cho biết: “Phải nói trước kia, người dân cũng đắn đo thấy nó khó quá. Thật sự trong quá trình thực hiện từng bước bộ mặt nông thôn có chuyển biến tích cực. Do đó, người dân quyết tâm cùng với chính quyên địa phương thực hiện cho đạt 19/19 tiêu chí NTM.
Đến thời điểm này, bộ mặt nông thôn nhất là hệ thống giao thông nông thôn, đường sá rất khang trang rộng rãi, giao lưu hàng hoá rất thuận lợi. Đặc biệt nhất là vấn đề thuỷ lợi được giải quyết tốt. Ở ấp có hai đê bao ngăn lũ và ngăn nước mặn. Tù đó mà người dân rất thuận lợi trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.