“Chàng shipper nói tiếng Pháp với Marc Levy ở đường sách” được báo Thanh Niên chia sẻ đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Theo đó, “Phước cho biết mình chạy xe mỗi tháng trung bình kiếm được 7-9 triệu đồng”, không đủ tiền đóng học phí (mỗi kỳ 8 triệu), đến nay bạn ấy đã nợ 6 kỳ, đành phải nghỉ học, và Báo lên tiếng kêu gọi bạn đọc giúp đỡ để Phước có thể quay lại giảng đường. Câu chuyện làm tôi nhớ tới một người bạn của mình...
Bạn ấy học phổ thông cùng tôi, thông minh, và học giỏi. Nhưng nhà rất nghèo. Tốt nghiệp cấp 3, khi bạn bè chỉ có một mục tiêu là đỗ vào được một trường đại học thì cô ấy khăn gói lên đường vào Nam, đi làm công nhân. Sau 2 năm lao động chân tay trong các nhà máy xí nghiệp, ăn chung ở lộn với cả những người không thể ký nổi tên mình, bạn nghĩ “Mình cũng đâu đến nỗi ngu dốt lắm, chẳng lẽ cứ sống suốt đời thế này sao”.
Trong khu nhà trọ có một số sinh viên, bạn kể, nhìn họ đi học thích lắm. Thế là quyết tâm, mua sách, ngày đi làm trong xưởng, tối về tự ôn bài. Tranh thủ cả những lúc nghỉ trưa, những khi nghỉ giữa giờ, học ngấu nghiến, vì 2 năm sau khi ra trường và đầu tắt mặt tối kiếm ăn thì dường như đã quên kiến thức.
Đến ngày thi, bạn làm đơn xin công ty cho nghỉ mấy ngày, và đi thi. Đậu, bạn vào Khoa Văn của ĐHSP TP.HCM, cũng là trường mà bạn shipper trong bài báo trên đã/đang theo học. Trước khi nhập học, lại trở vào xí nghiệp tiếp tục làm công nhân để kiếm tiền chuẩn bị cho năm học đầu tiên.
Bạn kể rằng, mình ở trong một phòng trọ cùng với 6 người nữa, họ đều đi làm công nhân. Đó là một cái phòng chật tới nỗi mỗi người chỉ được chia 2 viên gạch để nằm! Phải ở đông như vậy để giảm tiền nhà trọ, ăn uống thì tằn tiện hết mức. Tranh thủ làm thêm đủ việc, trong năm học thì đi gia sư, nghỉ hè thì vô xí nghiệp mấy tháng để kiếm tiền trang trải cho năm học mới. Cái khó khăn ấy có lẽ cùng cực hơn bạn sinh viên tên Phước khi Phước vẫn được ở một mình một phòng, còn có thể nuôi mèo cảnh... Nhưng với khao khát thay đổi cuộc sống, dù nghèo khó trăm bề, bạn đã một mình tự lo xong 4 năm đại học, đằng đẵng gian truân.
Câu chuyện chưa kết thúc. Bạn tốt nghiệp và hồi hương, đi dạy ở một trường phổ thông, được 2 năm thì bỏ trường bỏ quê vào Sài Gòn lại với hi vọng môi trường giáo dục ở thành phố sẽ khá hơn. Loay hoay mãi cũng xin được việc làm ở một trường cấp 2, nhưng cũng chỉ cố gắng được chưa đầy 2 năm, lại nghỉ. Bạn nói rằng, với cung cách giáo dục này, trẻ con chỉ nên đến trường hết… lớp 2! Sợ giáo dục, sợ đống giấy tờ nhiêu khê vô nghĩa, sợ cách quản lý chuyên quyền, sợ những ông vua trong nhà trường... Và rằng, sợ mình đang tiếp tay làm hỏng những đứa trẻ.
Lại tiếp tục đi làm thuê, 5 năm rồi. Và cũng gần giống như cái nghề shipper của Phước, chỉ có điều là đi nhiều hơn, và chắc là vất vả hơn! Ở một ý nghĩa nào đó, tôi muốn gọi họ, một người sẽ là giáo viên và một người từng là giáo viên, là những shipper thời đại, trong thời đại shipper.
Mới đây, vì thiếu giáo viên, hiệu trưởng một trường gần nhà đã gọi cho bạn, mời đi dạy hợp đồng. Tôi hỏi bạn “Tính sao, đi dạy lại chứ?”. Bạn cười, “Vô biên chế cũng không thèm chứ đừng nói hợp đồng. Ớn giáo dục lắm rồi. Đi làm tiếp thị vẫn tốt hơn”.
Tôi không bàn đến việc từ thiện, càng không bàn về nghị lực trong cuộc sống. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, không nên so sánh. Nhưng dù sao thì khó khăn đến mấy dường như con người cũng có thể vượt qua được. Cái quan trọng là ý nghĩa công việc để người ta có thể làm và sống.
Tôi phải thừa nhận rằng bạn tôi là một người có nghị lực và ý chí phi thường. Nhưng cuối cùng, bạn lại bị chính giấc mơ của mình đánh bại, khi đã cầm được nó lên tay.
Có hàng vạn sinh viên đang làm shipper ở TP.HCM, tất nhiên giúp được người nào thì đáng quý người đó. Nhưng có hàng vạn sinh viên đang làm shipper ở TPHCM! Và cũng có hàng vạn giáo viên đã bỏ việc, chỉ trong năm 2022. Nghị lực và khát vọng như bạn tôi nhưng rồi cũng lại bỏ việc, cái công việc mà bạn đã dành cả tuổi trẻ đầy khó nhọc để có được.
Tôi tin, những chia sẻ của cộng đồng sau đợt này sẽ giúp bạn sinh viên shipper kia có đủ tiền đóng học phí. Chỉ không biết sau này khi ra trường, cậu ấy có gắn bó dài lâu với cái nghề của mình được không... Và nếu gắn bó thì là gắn bó theo nghĩa nào?
Bên cạnh câu chuyện cá nhân vốn muôn hình vạn trạng mà tôi không muốn và không cần bàn đến ở đây, thì vấn đề xã hội là điều mà ta không thể quên đi. Phúc lợi, chính sách hỗ trợ sinh viên, cung cách vận hành của một mô hình, môi trường làm việc, thiết chế, bộ máy, sự công bằng, trong sạch, tử tế, v.v… Một xã hội tốt không thể được xây dựng chỉ bởi những “tấm lòng vàng”, nó dứt khoát cần đến một nền quản trị tiến bộ. Chỉ lúc đó, sự vượt khó hay lòng tương ái mới thật sự đạt tới ý nghĩa cứu cánh của nó.
Vì không có gì đảm bảo cả, tôi chỉ biết cầu ước rằng, bạn sinh viên shipper tên Phước sẽ không phải quay lại nghề shipper nữa sau khi tốt nghiệp đại học...