| Hotline: 0983.970.780

Giáp Tết, chuối xuất khẩu gặp khó vì đâu?

Thứ Sáu 26/01/2024 , 09:50 (GMT+7)

ĐỒNG NAI Nhiều nông dân trồng chuối xuất khẩu tại huyện Trảng Bom, Thống Nhất đang 'ngồi trên lửa' vì giá bán quá rẻ như cho, nhưng vẫn không ai mua.

Chuối lại tràn ra lề đường

Nhiều tuần nay, dọc nhiều tuyến đường của TP.HCM có nhiều người qua lại như Phạm Văn Đồng, Quang Trung, Phan Văn Trị… chuối xuất khẩu của Đồng Nai lại đổ đống để bán với giá rẻ. Giá chuối bán lề đường dao động từ 6.000 - 10.000 đồng/kg. Nhiều điểm bán chuối theo nải với giá 5.000 - 6.000 đồng/kg.

Anh Trần Minh Hùng (ngụ xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) trồng hơn 5ha chuối mô xuất khẩu đang lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024, giá chuối giảm sâu xuống còn 3.000 - 5.000 đồng/kg khiến người trồng chuối lao đao. Nhiều thương lái thông báo ngưng mua, thậm chí bỏ cọc vì không có nguồn ra.

Người trồng chuối tại Đồng Nai bày bán tại nhiều điểm tại các lề đường tại TP.HCM với giá rẻ. Ảnh: Lê Bình.

Người trồng chuối tại Đồng Nai bày bán tại nhiều điểm tại các lề đường tại TP.HCM với giá rẻ. Ảnh: Lê Bình.

Chuối không ai mua, anh Hùng đành nhìn chuối chín đầy vườn. Bởi lẽ, không đầu ra mà nếu thuê người cắt thì không có tiền trả công. Anh Hùng đành nhờ người thân cắt, khuôn vác giùm, chở lên TP.HCM bán lề đường.

“Hết cách, mình mới nhờ mọi người, giờ bán được chút nào thì hay chút đó chứ giờ không thương lái nào chịu mua, thậm chí xuống giá 1.000 - 2.000 đồng/kg. Nếu họa hoằn thương lái có mua thì tỉ lệ loại bỏ trái cũng rất cao, số chuối bị bỏ ra cũng khá lớn. Bán lề đường thế này, chỉ mong gỡ lại một phần phân bón, thuốc BVTV…”, anh Hùng chia sẻ.

Với mỗi nải chuối thế này cũng chỉ được bán với giá khoảng 6.000 đồng. Ảnh: Lê Bình.

Với mỗi nải chuối thế này cũng chỉ được bán với giá khoảng 6.000 đồng. Ảnh: Lê Bình.

Tương tự, ông Phạm Đức Thành (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) cùng con trai chở chuối tới TP.HCM bán giá rẻ cho các bếp ăn tập thể. Số chuối còn lại trong mỗi chuyến xe tải, hai cha con lại xếp gọn xuống lề đường để bán. Với mỗi chuyến như thế, sau khi trừ các chi phí thì ông Thành cũng còn lời được khoảng 1-2 triệu đồng. Tuy ít ỏi so với việc bán chuối xuất khẩu nhưng đó là cách duy nhất mà ông Thành có thể làm lúc này.

“Chẳng lẽ ngồi một chỗ mà nhìn chuối chín, rụng đầy vườn sao. Mất thì đã mất rồi nhưng cũng phải tìm cách để gỡ lại chút nào thì đỡ chút đó. Chỉ mong mọi người thương bà con trồng chuối, mỗi người ủng hộ 1-2kg để tiêu thụ phần nào số chuối bị ế. Tình hình thế này, năm nay chúng tôi mất Tết!”, ông Thành ngậm ngùi.

Khi được hỏi về số lượng chuối còn tồn tại vườn, chị Hồng - ngồi bán tại góc đường Phạm Văn Đồng giao với Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh) ủ rũ. Chị cho biết, hiện gia đình còn gần 100 tấn chuối khoảng 2 tuần nữa là thu hoạch, với giá bán như hiện nay coi như nhà vườn thua trắng tay.

“Vụ này, tổng tiền mà gia đình tôi đầu tư phân, thuốc, nhân công cho toàn bộ diện tích trồng chuối vào khoảng 850 triệu đồng. Thế nhưng, đến hiện tại tôi mới thu về chưa đến 200 triệu đồng, tính sơ tôi lỗ hơn 600 triệu đồng”, chị Hồng thở dài.

Nhà vườn thua trắng tay vì chuối

Năm 2023, người trồng chuối cấy mô xuất khẩu tại Đồng Nai trúng lớn. Giá bán chuối tươi những tháng đầu năm 2023 rơi vào khoảng 9.000 - 10.000 đồng/kg. Thời điểm đó, thương lái đi khắp nơi tìm mua mà không đủ hàng.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 11 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu chuối sang Trung Quốc đạt hơn 270 triệu USD. Nhiều nông dân đã đầu tư cả trăm triệu, thuê đất để mở rộng diện tích trồng.

Thế nhưng, trái với kỳ vọng, từ cuối năm 2023 đến nay, nhiều nông dân trồng chuối cấy mô xuất khẩu đang phải “méo mặt” vì giá chuối chỉ còn 3.000 - 5.000 đồng/kg, thậm chí có nơi xuống còn 1.000 - 2.000 đồng/kg mà vẫn không ai mua.

Không có ai mua, nhiều nhà vườn trồng chuối tại Đồng Nai đang để mặc chuối chín vàng ươm trên cây. Ảnh: Lê Bình.

Không có ai mua, nhiều nhà vườn trồng chuối tại Đồng Nai đang để mặc chuối chín vàng ươm trên cây. Ảnh: Lê Bình.

Ông Hà Văn Mạnh, chủ vườn chuối ở xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất thẫn thờ trước vườn chuối rộng 8ha của mình. Trước đây, gia đình ông chỉ trồng khoảng 2ha nhưng nhận thấy có lợi nhuận nên ông cầm sổ đỏ, vay thêm vài trăm triệu đồng để thuê thêm 6ha đất trồng chuối. Ông Mạnh dự kiến, với 8ha trồng sẽ cho năng suất khoảng 320 tấn chuối. Thế nhưng, với giá bán 2.000 đồng/kg như hiện tại, chắc chắn lỗ hàng trăm triệu đồng mỗi hecta trồng chuối.

Chỉ vào từng buồng chuối đang chín vàng ươm trên cây, ông Mạnh thất thần: “Gia đình tôi đặt hết kì vọng vào cây này. Bao nhiêu vốn liếng đổ hết vào chuối, cả sổ đỏ cũng cầm cố để trồng chuối. Giá thấp thế này mà cũng chẳng ai thèm mua. Mất thật rồi, trắng tay thật rồi”.

Không chỉ có người trồng chuối đang rơi vào thế bí, mà cả các thương lái, đơn vị xuất khẩu chuối cũng đang gặp khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Hiền, thương lái mua chuối tại huyện Trảng Bom, bản thân đã phải bỏ cọc tại khá nhiều nhà vườn vì hàng không thể xuất đi được.

Ở huyện Trảng Bom, thủ phủ trồng chuối xuất khẩu của tỉnh Đồng Nai. Toàn huyện có hơn 3.000 ha trồng chuối cấy mô, gần bằng 50% diện tích trồng chuối toàn tỉnh. Người dân ở đây cũng điêu đứng như ngồi trên đống lửa khi chuối đã giá thấp mà lại bán chẳng được.

Hiện, các xã có diện tích chuối lớn đều đã thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã chuối nhằm tạo liên kết để mời gọi doanh nghiệp đầu tư và tìm kiếm đầu ra. Khoảng 70% chuối của địa phương đang được thương lái thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc. Số còn lại tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang một số nước châu Á, châu Âu.

Cung vượt cầu được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chuối xuất khẩu phải rơi vào tình cảnh như hiện nay. Ảnh: Lê Bình.

Cung vượt cầu được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chuối xuất khẩu phải rơi vào tình cảnh như hiện nay. Ảnh: Lê Bình.

Ông Trần Ngọc Tú, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Trảng Bom cho biết, sẽ đảm bảo bao tiêu cho nông dân trong chuỗi liên kết. Ngoài thị trường Trung Quốc, HTX còn xuất khẩu được vào các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản…

“Từ đầu vụ xuất khẩu đến nay, trung bình mỗi ngày HTX vẫn đang đóng từ 5-7 container chuối xuất khẩu nên vẫn đảm bảo mua chuối của các thành viên HTX và nông dân tham gia trong chuỗi liên kết với mức giá trong hợp đồng bao tiêu là 7.000 đồng/kg”, ông Tú chia sẻ.

Lí giải về giá bán chuối xuống thấp và không có đầu ra, các đơn vị xuất khẩu cho biết, Trung Quốc đang trải qua đợt lạnh kỷ lục, nhiều nơi bị đóng băng, khiến người dân không đi chợ được. Việc vận chuyển hàng bằng tàu biển cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Hơn nữa, chuối Việt Nam bị cạnh tranh trực tiếp với các thị trường khác với mức thuế bằng 0 và vận chuyện cũng thuận tiện hơn.

Sở NN-PTNT Đồng Nai đang kiến nghị UBND tỉnh về giải pháp đồng bộ để giúp người trồng chuối mô xuất khẩu vượt qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: Lê Bình.

Sở NN-PTNT Đồng Nai đang kiến nghị UBND tỉnh về giải pháp đồng bộ để giúp người trồng chuối mô xuất khẩu vượt qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: Lê Bình.

Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, một nguyên nhân nữa đến tình trạng trên là do cung vượt cầu. Cụ thể, việc tăng nhanh diện tích trồng chuối xuất khẩu cũng như đầu tư của các cơ sở đóng gói, sơ chế nông sản tươi xuất khẩu. Điều này trực tiếp gây khó khăn cho các Sở ban ngành trong công tác rà soát, quản lý…

Mặc dù Việt Nam đã ký nghị định thư với Trung Quốc xuất khẩu chính ngạch chuối nhưng vẫn cần tuân thủ các quy định về mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu, nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, dư lượng thuốc BVTV…

“Sở NN-PTNT đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh về giải pháp đồng bộ từ các địa phương đến các sở, ngành liên quan để gỡ khó và tạo môi trường thuận lợi cho các cơ sở đóng gói trái cây tươi xuất khẩu được đầu tư và hoạt động đúng quy định”, ông Trần Lâm Sinh thông tin.

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Khẩn thiết cần 1 đầu mối đứng ra đàm phán

'Chúng tôi chỉ là hiệp hội, không có chức năng quản lý và chưa được hướng dẫn thủ tục cấp giấy kiểm định vàng O', Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nói.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Nestlé Việt Nam: Tiên phong phát triển bền vững, đồng hành kiến tạo tương lai xanh

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đưa ra những giải pháp vừa tạo tác động tích cực môi trường, vừa thúc đẩy phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.