Ngoài vấn đề bảo vệ môi trường, nước còn là yếu tố đầu vào quan trọng của các hoạt động sản xuất, nhất là nông nghiệp và phục vụ đời sống, dân sinh.
Luật Thủy lợi vừa ban hành đã tính sửa đổi
Trình bày báo cáo về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, cho biết, một số ý kiến đề nghị giải trình làm rõ việc tích hợp các giấy phép môi trường, trong đó có giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi.
Trước đó, theo tờ trình 125 và tờ trình 252 của Chính phủ, ngoài việc thực hiện các yêu cầu về báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án phải thực hiện một số thủ tục hành chính về môi trường có liên quan, trong đó có giấy phép xả thải vào nguồn nước và giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi (đều có nội dung cơ bản giống nhau cho một đối tượng xả nước thải).
Để đảm bảo quản lý thống nhất vấn đề cấp phép xả thải ra môi trường và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định một loại giấy phép môi trường để giảm bớt thủ tục hành chính về môi trường. Bãi bỏ hai thủ tục hành chính không còn cần thiết trong giai đoạn hiện nay là giấy phép xả thải vào nguồn nước và giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi.
Việc bãi bỏ giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi cũng đồng nghĩa với việc phải sửa đổi Luật Thủy lợi có hiệu lực từ 1/7/2018.
Do đó, Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đã trình Quốc hội hai phương án. Phương án 1 là chỉ dùng một loại giấy phép môi trường, trong đó có cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (thay thế 7 loại giấy thủ tục hành chính về môi trường) như tờ trình của Chính phủ.
Phương án 2, vẫn có giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi đã được quy định tại Luật Thủy lợi mới được thông qua năm 2017 và đang được triển khai một cách thuận lợi. Tuy nhiên, quy định về vấn đề này cần phải được điều chỉnh để không ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước mà Chính phủ đã giao cho Bộ TN-MT.
3 lý do phải giữ giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 12/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Trước đó, Bộ NN-PTNT đã có ý kiến không tích hợp hai loại giấy phép này làm một với 3 lý do.
Thứ nhất, tại Điều 41 của Luật Thủy lợi mới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2018 quy định rõ việc cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi thuộc thẩm quyền của Bộ NN-PTNT và UBND các tỉnh.
Thứ hai, một trong những đổi mới quan trọng nhất của Luật Thủy lợi là chuyển từ cơ chế thủy lợi phí sang giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Nên việc đảm bảo chất lượng nguồn nước cung cấp cho các đối tượng sử dụng nước là vấn đề quyết định đến giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.
Do vậy việc cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi là hoạt động không chỉ riêng yếu tố môi trường mà còn liên quan đến nhiều yêu tố khác, từ các hộ dùng nước, công tác vận hành, khai thác bảo vệ công trình thủy lợi.
Qua gần 2 năm thực hiện Luật Thủy lợi mới thì công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi của Bộ NN-PTNT và các địa phương hết sức thuận lợi, thế nên chất lượng dịch vụ được cải thiện, đảm bảo số lượng và chất lượng nước phục vụ sản xuất và cấp nước cho sinh hoạt của người dân.
Lý do thứ ba không nên bãi bỏ giấy phép xả thải nước vào công trình thủy lợi là đây không phải vấn đề mới, mà trong quá trình soạn thảo, thẩm định xây dựng Luật Thủy lợi sửa đổi đã được các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu rất quan tâm, thảo luận, cho ý kiến và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản 142 về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Thủy lợi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn
Trước đó, Thảo luận tại Hội trường Quốc hội ngày 18/6, nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn khi bãi bỏ giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (TP Hải Phòng) cho rằng: Quản lý môi trường cho các công trình thủy lợi là một khâu trong một quy trình quản lý thống nhất, rất đặc thù đã được quy định tại Luật Thủy lợi năm 2017 vừa mới được Quốc hội thông qua không lâu, khi thực hiện không có vướng mắc.
Trong đó, quản lý xả nước thải từ khâu cấp phép đến khâu kiểm tra, thanh tra, giám sát gắn chặt với công tác quản lý số lượng, chất lượng nước trong hệ thống thủy lợi, các biện pháp quản lý an toàn công trình thủy lợi, tách một khâu cấp phép xả thải ra khỏi quy trình này cùng với việc chuyển chức năng kiểm tra, thanh tra sau cấp phép về ngành tài nguyên, môi trường có thể gây ra sự cắt khúc về thẩm quyền quản lý nhà nước đối với tài nguyên nước, lĩnh vực thủy lợi và bỏ sót thẩm quyền quản lý nhà nước của ngành NN-PTNT.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho biết, trong lần sửa đổi này là có đề cập đến vấn đề tích hợp 7 giấy phép về môi trường thành một giấy phép chung. Tuy nhiên, tôi cũng có băn khoăn tác động đến môi trường liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành khác nhau thì có đảm bảo về tiêu chuẩn và kỹ thuật chuyên môn không. Việc tích hợp giấy phép này có thực sự thuận lợi cho người dân không hay chúng ta vẫn giữ là một cửa nhưng mà có đến 7 khóa thì cũng cần phải làm rõ.
Mặt khác, khi giao một đơn vị vừa cấp phép vừa là cơ quan kiểm tra, thanh tra thì đây là một quy trình khép kín, có đảm bảo sự khách quan hay không hay quy định như thế này vừa đá bóng vừa thổi còi.
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nhận định, việc tích hợp trên đây sẽ gây xung đột trách nhiệm, quyền anh, quyền tôi bất lợi, lợi bất cập hại, sẽ gây hậu quả thiệt hại, sản xuất, môi trường.
Bởi lẽ, Điều 58 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 73 Luật Tài nguyên nước, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến các đại biểu, quy định trường hợp xả thải vào các công trình thủy lợi theo Luật Thủy lợi.
Mặt khác, Luật Thủy lợi mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 quy định giao cho ngành nông nghiệp phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi, chịu trách nhiệm về chất lượng nước phục vụ tưới tiêu, đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, giám sát, kiểm tra, cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình quy định tại Điều 44.
Bên cạnh đó, việc tích hợp trên sẽ phải sửa 2 luật liên quan là Luật Thủy lợi và Luật Tài nguyên nước. Chính vì vậy, tôi đề nghị giữ nguyên quy định Luật Thủy lợi và Luật Tài nguyên nước.