| Hotline: 0983.970.780

Tăng cường quản lý nguồn thải và cấp phép xả thải vào hệ thống Bắc Đuống

Thứ Năm 21/11/2019 , 08:56 (GMT+7)

16-09-31_nh_01_-_bi_2_-_bc_duong
Ô nhiễm trên sông Ngũ Huyện Khê.

Trước tình hình chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi Bắc Đuống có sự gia tăng ô nhiễm, đồng thời thực hiện nhiệm vụ của Tổng cục Thủy lợi, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đã thực hiện nhiệm vụ “Giám sát, dự báo chất lượng nước trong hệ thống công trình thuỷ lợi Bắc Đuống phục vụ lấy nước sản xuất nông nghiệp”, đề nghị tăng cường quản lý nguồn thải và cấp phép xả thải vào hệ thống Bắc Đuống.

Từ kết quả điều tra thực địa và phân tích trong phòng thí nghiệm, Viện đưa đề xuất một số giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm nước trong hệ thống Bắc Đuống nhằm phục vụ lấy nước sản xuất nông nghiệp hiệu quả nhất…

Theo đó, cần có các biện pháp nhằm khoanh vùng cấm xả thải, vùng ô nhiễm đối với hệ thống thủy lợi Bắc Đuống. Không cấp phép xả thải cho các cơ sở sản xuất vào các kênh mương đang bị ô nhiễm vượt khả năng chịu tải của môi trường. Tăng cường quản lý nguồn thải và cấp phép xả thải vào hệ thống thủy lợi, thực hiện các biện pháp chế tài đối với chủ nguồn thải gây ô nhiễm môi trường.

Cùng đó, đề xuất các dự án đầu tư xây dựng nhằm khắc phục và cải thiện môi trường nước trong hệ thống thủy lợi Bắc Đuống. Tăng cường cán bộ chuyên môn kiểm tra, giám sát ô nhiễm nước trong hệ thống thủy lợi Bắc Đuống.

Bên cạnh giải pháp xử lý các nguồn thải đạt trước khi xả vào sông thì cũng cần phải có biện pháp nạo vét dòng sông để khơi thông dòng chảy cũng là một biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm nước sông. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống, xí nghiệp thủy nông cấp huyện hàng năm cần xây dựng kế hoạch nạo vét dòng chảy, duy tu, bảo dưỡng các công trình trên kênh.

Cụ thể, giải pháp cải tạo dòng chảy cải thiện chất lượng nước hạ lưu sông Ngũ Huyện Khê là: Vào mùa khô, để trữ nước tưới đồng thời ngăn nước sông Ngũ Huyện Khê bị ô nhiễm dưới, hàng năm bắt đầu từ tháng 12 công ty đắp đập ngăn sông Ngũ Huyện Khê ở Phú Lâm, đến cuối tháng 5 năm sau thì đập được phá dỡ. Hạ lưu sông Ngũ Huyện Khê từ trạm bơm Phú Lâm đến cống Đặng Xá (dài khoảng 7 - 8km) mùa khô bị biến thành đoạn sông tù, một đầu chắn bởi đập ngăn sông ở Phú Lâm, một đầu chắn bởi cống Đặng Xá ở trạng thái cống đóng.

16-09-31_nh_02_-_bi_2_-_bc_duong
Công tác lấy mẫu quan trắc chất lượng nước của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường tại cống Đặng Xá (K7) Phường Vạn An, TP Bắc Ninh.

Th.S Vũ Quốc Chính, Chủ nhiệm nhiệm vụ “Giám sát, dự báo chất lượng nước trong hệ thống công trình thuỷ lợi Bắc Đuống phục vụ lấy nước sản xuất nông nghiệp” của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, cho biết: Để giảm thiểu ô nhiễm nước tại hạ lưu sông NHK vào mùa khô cần thiết phải xây dựng qui trình xả nước hạ lưu từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Khi nước chân triều sông Cầu thấp, tháo nước sông Ngũ Huyện Khê qua cống Đặng Xá. Tháo một phần hoặc tháo hết sau đó đóng cống Đặng Xá lại. Trạm bơm Yên Hậu, Lương Tân hoạt động để bơm tưới cho khu vực Yên Phong, nước tràn về kênh tiêu đường 16, mở cống 3 cửa để nước chảy sang hạ lưu sông Ngũ Huyện Khê.

Hàng năm vào mùa khô, Công ty nạo vét sông Ngũ Huyện Khê kết hợp đắp đập ngăn sông ở Phú Lâm, đập cao khoảng 4m. Cần tính toán lại chiều cao đập để khi xả nước hồ thượng nguồn, nước sông Thiềp tràn về khi mở cống Cổ Loa hoặc có mưa sớm vào tháng 3, 4, nước tràn qua đập để có thể cải tạo dòng chảy cải thiện nguồn nước tại hạ lưu sông Ngũ Huyện Khê. Về lâu dài, đề nghị xây mới cống ngăn điều tiết nước cho vùng hạ du thay cho đập đất Phú Lâm.

Đối với trạm bơm Vũ Ninh có nhiệm vụ tưới tiêu cho 200ha đất canh tác và tiêu thoát nước đô thị thành phố Bắc Ninh. Những năm gần đây, nước tại trạm bơm Vũ Ninh thường xuyên ô nhiễm trầm trong vào mùa khô, để đảm bảo chất lượng nguồn nước tưới cho khu vực thành phố Bắc Ninh, đề nghị nâng cấp trạm bơm Tri Phương để tạo nguồn nước chảy về kênh Kim Đôi nhằm làm giảm ô nhiễm do nước thải TP. Bắc Ninh, trạm bơm Vũ Ninh bơm cấp nước tưới cho khu vực, đồng thời sẽ đủ nước để tưới cho toàn bộ diện tích phía kênh chính Nam và huyện Tiên Du.

Cùng đó, xây dựng mới trạm bơm Tri Phương để tưới thay thế cho trạm bơm Trịnh Xá phần kênh Nam. Việc quản lý vận hành trạm bơm còn kết hợp thêm nhiệm vụ tiêu cho các khu công nghiệp đang rất phát triển trên địa bàn tỉnh.

Hơn nữa, việc thay đổi nhiệm vụ của trạm bơm Trịnh Xá thì lưu lượng còn lại có thể sử dụng để pha loãng một phần các chất thải của các làng nghề xả vào sông vừa đáp ứng yêu cầu tưới vừa đảm bảo môi trường nước và tạo cảnh quan sông Ngũ Huyện Khê.

Ông Chính cũng đề nghị: Cần xây dựng được những quy chế rõ ràng trong cộng đồng đối với việc tham gia quản lý nguồn nước, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các chế tài nhằm ràng buộc trách nhiệm cộng đồng, qua đó tổ chức các chương trình tập huấn, hướng dẫn và dần hình thành những tổ chức dùng nước hướng đến việc quản lý hiệu quả nguồn gây ô nhiễm, sử dụng nước tiết kiệm và bảo vệ tốt chất lượng nguồn nước.

16-09-31_nh_03_-_bi_2_-_bc_duong
Rác thải, nước thải sinh hoạt là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Đuống.

Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường Hà Văn Thái:

Cần tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “Giám sát, dự báo chất lượng nước trong hệ thống công trình thuỷ lợi Bắc Đuống phục vụ lấy nước sản xuất nông nghiệp” trong các năm tiếp theo để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành lấy nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, quản lý các nguồn thải gây ô nhiễm, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do ô nhiễm chất lượng nước gây ra.

Số liệu điều tra bổ sung các nguồn xả thải tuy đã điều tra nhiều năm, nhưng vẫn chưa đầy đủ, nhất là đối với các nguồn xả thải không thuộc diện quản lý.

Do đó, cần tiếp tục điều tra bổ sung thêm và lấy mẫu đánh giá thêm chất lượng các nguồn xả thải khác.

Bắc Đuống phải phục vụ cả tưới lẫn tiêu

Các công trình thủy lợi đều được xây dựng chỉ với nhiệm vụ tưới tiêu phục vụ sản xuất tuy nhiên đến nay đều phải đảm nhiệm thêm chức năng tiêu nước thải cho các khu đô thị, khu dân cư tập trung...

Các công trình thủy lợi (CTTL) đều được xây dựng chỉ với nhiệm vụ tưới tiêu phục vụ sản xuất noog nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, đến nay CTTL đều phải đảm nhiệm thêm chức năng tiêu nước thải cho các khu đô thị, khu dân cư tập trung và cho các hoạt động kinh tế, xã hội.

Các công trình tiêu nước thải chưa có qui trình vận hành riêng dẫn đến việc xả nước thải vào CTTL ngay cả những thời điểm lấy nước tưới hoặc thời kỳ hạn hán cũng làm gia tăng ô nhiễm nước.

Ví dụ, tại nhiều đợt lấy mẫu, trạm bơm Trịnh Xá đang bơm cấp nước cho các kênh Nam và Bắc Trịnh Xá, tuy nhiên cống tiêu trên kênh tiêu Trịnh Xá vẫn mở trong thời điểm này.

Cùng đó, đại đa số doanh nghiệp và cộng đồng dân cư chưa nhận đầy đủ về trách nhiệm và nghĩa vụ trong bảo vệ môi trường nước trong CTTL. Các doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt thay vì phải xử lý nước thải trước khi xả vào CTTL. Nhiều doanh nghiệp sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, không đủ điều kiện để xử lý nước thải.

Tình trạng xả nước thải chưa xử lý và rác thải sinh hoạt, vật dụng, xác gia súc, gia cầm vẫn diễn ra phổ biến không chỉ gây nên tình trạng ô nhiễm nước ngày càng gia tăng mà còn ảnh hưởng công tác vận hành CTTL, bồi lắng kênh mương...

DƯƠNG GIANG

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.