Giờ Trái Đất là gì?
Giờ Trái Đất (tên Tiếng Anh là Earth Hour) là một chiến dịch thường niên có quy mô toàn cầu do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (World Wildlife Fund - WWF) khởi xướng.
Chiến dịch này kêu gọi người dân và doanh nghiệp tắt đèn và các thiết bị cần thiết 1 tiếng vào lúc 20h30 - 21h30 ở ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng 3 hàng năm.
Logo của chiến dịch được xây dựng từ nền bản đồ địa cầu, cắt bởi số 60 là số phút kêu gọi tắt điện. Hiện nay, logo của Giờ Trái Đất được thêm dấu "+" sau số 60 với ý nghĩa Giờ Trái Đất không chỉ dừng lại ở 60 phút mà còn hơn thế nữa.
Mục đích của Giờ Trái Đất là nhằm đề cao việc tiết kiệm điện năng, vì vậy làm giảm lượng khí thải dioxit cacbon, một khí gây ra hiệu ứng nhà kính, đồng thời thu hút sự chú ý của mọi người về ý thức bảo vệ môi trường. Chiến dịch Giờ Trái Đất cũng nhằm khẳng định quan điểm cho rằng mỗi một hành động cá nhân khi được nhân lên trên diện rộng có thể giúp làm thay đổi môi trường sống của chúng ta theo hướng ngày càng tốt hơn.
Giờ Trái Đất là chiến dịch kêu gọi sự tham gia tự nguyện của đông đảo người dân, công sở, tòa nhà công cộng có thể tắt bớt đèn và các thiết bị điện không cần thiết vào Giờ Trái Đất. Đây là một hành động đơn giản mang tính biểu trưng để nhắc nhở cộng đồng và cá nhân hãy quan tâm và hành động để thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Năm 2022 là năm thứ 15 Việt Nam chính thức tham gia sự kiện lịch sử này kể từ tháng 3/2009.
Hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2022
Giờ Trái Đất 2022 sẽ rơi vào hôm nay 26/3, và có chủ đề "Kiến tạo tương lai - Bây giờ, hoặc không bao giờ" tiếp tục được tổ chức trực tuyến.
Nhằm lan tỏa hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng tổ chức hoạt động "tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết" từ 20h30 - 21h30 ngày 26/3.
Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về thực hiện lối sống xanh, lành mạnh, nói không với việc săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép, hướng tới tiêu chí "thực phẩm bền vững và tiêu dùng có trách nhiệm".
Các cơ sở giáo dục, trường học xây dựng các tiết học giáo dục môi trường, tổ chức các hoạt động ngoại khoá, phát động phong trào thi đua hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái Đất. Tổng kết và ghi lại hình ảnh, videoclip các hoạt động hưởng ứng; đăng tải trên các phương tiện mạng xã hội kèm hashtag: #GioTraidat #BoTNMT.
Sau 15 năm, chiến dịch Giờ Trái Đất đã mở rộng ảnh hưởng, không chỉ kêu gọi hành động riêng trong lĩnh vực năng lượng mà đã hướng tới giá trị thực sự về bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng.