Khoa học kỹ thuật càng tiến bộ càng tạo nhiều thách thức
Sau khi đọc bài viết “Đi xem kích giun từ A đến Z, 'nghề mới' kiếm tiền nhưng hại môi trường” trên báo NNVN tôi đã chia sẻ với nhiều anh em đồng nghiệp, họ đều phẫn nộ vì cách thức bắt giun kiểu tận diệt và nguy hại này. Có lẽ chúng ta cũng phải xem lại nơi bắt nguồn công nghệ kích giun này là ở đâu và dụng ý là gì? Có phải ngoài lợi ích trước mắt họ còn có những toan tính lâu dài, sâu xa hơn? Trên tất cả là cảm xúc lo lắng của giới khoa học. Dưới nước và trên không trước đây và trong đất bây giờ đều có những kiểu đánh bắt tận diệt.
Giáo sư Đỗ Kim Chung |
Dưới nước, người ta dùng kích điện, không phải bắt được một con cá nhỏ nhoi mà đã diệt toàn bộ hệ sinh thái dưới nước. Trên không, những con chim sa bẫy vì nghe tiếng kêu/hót cùng loài từ thiết bị điện tử, rồi trở thành món đặc biệt của các nhà hàng đặc sản. Việc dùng kích điện để bắt giun dưới đất bây giờ có sự hủy diệt mạnh hơn và nguy hại hơn nhiều. Việc này không chỉ hủy diệt loài giun mà tất cả hệ sinh thái trong đất và nguy hại đến tính mạng con người và vật nuôi. Đất và nước bị hủy diệt thì con người tồn tại ở đâu? Kích giun kiểu như vậy chỉ vì lợi ích trước mắt nhưng tổn hại đến lợi ích rất lâu dài.
Lịch sử phát triển của loài người nói chung và nông nghiệp nói riêng, khoa học kỹ thuật càng tiến bộ bao nhiêu thì càng tạo ra nhiều thách thức cho con người bấy nhiêu. Trước đây không có phân hóa học rồi tiến tới dùng phân hóa học một thời gian khiến cho đất chai hơn, kém hơn. Trước đây không có thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cuộc sống rất bền vững nhưng khi có thuốc BVTV, con người lạm dụng nó, dẫn mất cân bằng hệ sinh thái. Càng mất cân bằng càng dùng nhiều thuốc BVTV và càng hủy hoại môi trường, con người tiếp tục phải trả giá đắt cho môi sinh.
[video] Quá trình kích bắt giun, rồi mổ và sấy khô
Hiện nay chúng ta có nhiều người mắc những căn bệnh liên quan đến môi trường không an toàn, điển hình là ung thư. Một trong những nguyên nhân cơ bản là hậu họa của việc lạm dụng hóa chất, lạm dụng thiết bị điện tử. Trước đây chúng ta đánh tôm cá bằng kiểu truyền thống như lưới, bằng dậm, bằng đơm, hệ sinh thái dưới nước ít bị ảnh hưởng và còn có sức tái tạo. Nhưng nay kích điện một cái là tất cả các sinh vật nhìn thấy và không nhìn thấy đều bị hủy diệt. Chính vì thế đánh cá bằng kích điện đã được luật hóa, đã bị cấm rồi, vấn đề là thực thi pháp luật cho nghiêm thôi.
"Nếu cứ kích điện bắt giun thế này tôi đảm bảo rằng năng suất cây trồng trong tương lai sẽ giảm, đất đai sẽ bị sa mạc hóa bởi bộ máy chế biến của toàn bộ sinh thái trong nó sẽ tê liệt, có khi đất lại trở thành đá" - GS.TS Đỗ Kim Chung. |
Giờ đây, xuất hiện cách bắt giun đất bằng kích điện, không phải mỗi con giun bị hại mà cả hệ sinh thái trong đất bị hủy. Dưới đất có hàng vạn loại sinh vật khác nhau, riêng loài giun đã có hơn 2.500 loài. Giun giúp cho việc cày xới đất, tạo độ thông thoáng cho đất, dẫn ô xi xuống cho hệ sinh vật trong đất, tạo cho cây sống và phát triển được. Giun còn là cỗ máy chế biến rất giỏi, biến đất a xít, đất kiềm thành trung tính. Giun là hệ đệm giải quyết đất chua, đất kiềm. Không chỉ thế nó còn giúp cho đất giữ được độ ẩm. Đất trồng trọt mà không có giun thì là đất xấu. Một khi chúng bị chết đi sẽ làm cho độ phì của đất giảm, đất chai hơn thậm chí bị hủy diệt, môi trường trồng trọt hỏng, môi trường chăn nuôi cũng khó tồn tại được. Con người không thể sống được nếu thiếu đất đai có độ phì tốt.
Tự nhiên sinh ra đã rất hoàn hảo
Tự nhiên sinh ra đã rất hoàn hảo, cái này là thức ăn của cái kia tạo thành một chuỗi thức ăn. Nếu bị chặt đi một mắt xích nào đó thì dẫn đến sự mất cân bằng, tạo ra những thiệt hại không thể lường trước được. Con người thường hay nói: “Bàn tay ta làm nên tất cả”. Điều đó đúng, đó là sức mạnh của con người nhưng là với một sự can thiệp khôn ngoan, trí tuệ vào tự nhiên. Còn nếu thiếu đi sự khôn ngoan, trí tuệ thì con người sẽ gặp hậu họa khôn lường. Kích điện để bắt cá, bắt giun rồi lạm dụng hóa chất là một trong những hành động không khôn ngoan.
Phẫu diện để kiểm tra chất lượng đất |
Phải cảnh tỉnh cho mọi người thấy mối nguy hại trước mắt và lâu dài của việc bắt giun bằng phương pháp hủy diệt này. Phải sửa lại một số điều luật bảo vệ môi trường bằng việc cấm các hành vi khai thác, sử dụng bằng các biện pháp kích điện gây tổn hại đến môi trường và chất lượng. Phải xây dựng quy trình và phương pháp nuôi giun đất, hướng dẫn người nuôi đăng ký và thực hiện truy xuất nguồn gốc để quản lý phân biệt giữa giun nuôi và giun bắt bằng biện pháp hủy diệt.
"Giun đất là một chỉ thị sinh học để đánh giá chất lượng của đất. Chỗ nào xuất hiện nhiều giun thì đất ở đó tốt, tơi xốp và ngược lại. Giun đồng thời cũng là chỉ thị sinh học để đánh giá chất lượng môi trường bởi chúng thường tìm đến những nơi không bị ô nhiễm để sinh sống. Tận diệt giun đất sẽ làm mất cân bằng sinh thái. Kiểu kích giun tận diệt như báo NNVN nêu là hành động không thể chấp nhận" - TS Lương Hữu Thành, Viện Môi trường Nông nghiệp. |
Dân số Việt Nam giờ gần 100 triệu rồi. Theo ước tính, 50 năm nữa sẽ là khoảng 140 triệu dân. Trong khi đó, đất trồng trọt ngày càng hẹp đi bởi đô thị hóa, mở mang giao thông, phát triển khu công nghiệp nên chúng ta cần tăng năng suất đất thì mới có đủ lương thực thực phẩm nuôi sống con người. Đất mà không tốt thì không thể giải quyết được điều đó. Muốn thế cần đi theo con đường sinh thái, sinh học chứ lạm dụng hóa chất và khai thác hủy diệt chắc chắn là không tốt.
Hành động kích giun như thế này là tàn phá môi trường, cần bị lên án |
Phản hồi của độc giả về bài “Đi xem kích giun từ A đến Z”
Trên Báo điện tử nongnghiep.vn, bạn đọc có nickname Hãy Dè Chừng viết: “Bắt giun, phá hủy môi trường đất, làm mất cân bằng sinh thái. Máy kích giun, máy mổ giun đều có chữ Tàu? Bắt giun, năng suất cây trồng sẽ giảm rất nhanh cũng như độ màu của đất… Bộ Nông nghiệp và PTNT cần nghiên cứu, đề xuất Chính phủ có biện pháp ngay”.
Bạn Do Tri Sang viết: “Ở nước ngoài họ còn nhập trứng giun để cải thiện đất nghèo dinh dưỡng còn Việt Nam người dân chưa ý thức được việc bắt giun bán lấy tiền, vì cái lợi không thể bù được cái mất mát lớn lao này. Ai cũng biết giun chỉ ăn thực vật hoai mục và phân của chúng là nguồn dinh dưỡng cho đất, cho cây trồng… Trung Quốc là nước có đất đai rộng lớn nhưng không biết khai thác có kế hoạch nên các nguồn tài nguyên cạn kiệt và ô nhiễm… Cây trồng ở Trung Quốc còn nhiễm các độc tố huống gì những sinh vật nhạy cảm như loài giun! Chính quyền nên khuyến cáo người dân để họ bỏ nghề này và tạo điều kiện cho người dân tìm được ngành nghề tốt hơn là tự hủy hoại đất, nước và sức khỏe con cháu trong tương lai… bằng cái lợi bất cập hại này”.
Trên diễn đàn Góc nhìn Báo chí và Công dân, bạn Nguyễn Nam Dân bình luận: “Tận cùng của sự man rợ - mọi rợ”. Bạn Thanh Van Vu: “Tận diệt! Diệt hết mọi con...”. Bạn Anhtwo Phan: “Động vật đói mới săn mồi, còn con người tìm mồi để săn mọi lúc mọi nơi không ngưng nghỉ”. Bạn Hiếu Nguyễn: “Tận thu tận diệt. Sau chỉ còn đất cằn. Làm gì còn sinh vật. Mất cân bằng sinh thái. Và con người là chịu hậu quả”.
Trên diễn đàn Tiêu dùng Hữu cơ, bạn Dung Nguyen than: “Khi nào dân ta mới khôn ra và giác ngộ ra đây trời… Đất không có giun sao trồng trọt?”. Bạn Sưu Tan: “Diệt tận cùng luôn thì phải. Tham lam làm cho con người mờ mắt và trở nên độc ác thì phải”. Bạn Anna Nguyen: “Đất không có giun là đất chết”.
Trên diễn đàn Otofun, thành viên Ma Mèo bình luận: “Sao không dạy dân nuôi giun ạ? Đơn giản đỡ tốn công hơn đi dí điện xuống đất. Với những người này cứ phải mang pháp luật ra, nói tới môi trường với họ cao xa quá”.
Như báo NNVN đưa tin, hiện tượng kích giun này đã xuất hiện 4 - 5 năm nay ở một số tỉnh, thành mà chưa có ai, cơ quan nào cảnh tỉnh cả. Ít nhất chưa ra được luật cũng phải hành động ngay để mà cảnh tỉnh, ngăn chặn. Nói về sinh thái lâu dài thì nông dân không mấy quan tâm mà chỉ biết hôm nay họ đi kích điện được bao nhiêu tiền, được tiền thì người ta vui. Thế nên phải nghĩ ra phương thức kiếm sống nào đó để họ có thể tồn tại. Cấm khai thác kiểu tận diệt nhưng cũng phải mở ra con đường sống cho những người nông dân. Nên tổng hợp, đánh giá mô hình nuôi giun quế trước đây liệu có áp dụng vào để nuôi giun đất được không? Nếu nuôi phải phân biệt được thế nào là giun đất nuôi, thế nào là giun đất khai thác trong tự nhiên một cách bất hợp pháp. Phải có chứng chỉ truy xuất nguồn gốc để khi vận chuyển hay chế biến được thuận lợi. |