Sáng 21/8, tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, UBND thành phố Hà Nội phối hợp UBND TP.HCM tổ chức họp báo chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP.HCM”.
Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 23-25/8 với các hoạt động nhằm chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Lễ khai mạc vào lúc 20-21h tối 23/8 tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1 với chương trình nghệ thuật chủ đề “Dấu son Hà Nội”, được lấy ý tưởng từ Cột cờ Hà Nội - di tích lịch sử đặc biệt, một trong những biểu tượng của Thủ đô.
Bên cạnh đó, vẻ đẹp của đất và người Hà Nội cũng được thể hiện qua sân khấu, tái hiện bằng những khung tranh “Phố Phái” đầy cảm xúc… Chương trình với sự tham gia của các nghệ sĩ Hà Nội và TP.HCM mang đến sự kết hợp nhiều màu sắc giữa các thế hệ nghệ sĩ hai miền.
Ngoài ra, còn có hoạt động triển lãm trưng bày ảnh tư liệu kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại khu vực Phố đi bộ Nguyễn Huệ. Điểm nhấn là không gian “Hào khí Thăng Long” tạo nên một không khí trang trọng, đầy ý nghĩa. Đặc biệt, di sản cầu Long Biên cũng được tái hiện trên đường hoa Nguyễn Huệ, nơi toàn bộ hình ảnh triển lãm sẽ được thể hiện, làm nổi bật một trong những biểu tượng lịch sử của Thủ đô.
Bên cạnh đó, còn có triển lãm tranh, ảnh, tư liệu về Di tích Quốc gia đặc biệt “Văn Miếu - Quốc Tử Giám” sẽ diễn ra từ ngày 23/8 đến 31/10 tại Bảo tàng TP.HCM. Trưng bày, triển lãm, giới thiệu tinh hoa Đạo học Việt Nam tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn (quận 3) từ ngày 23/8 đến 31/10...
Trong ba ngày diễn ra sự kiện, tại khu vực Phố đi bộ Nguyễn Huệ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, làng nghề, nghệ nhân trình diễn, xúc tiến du lịch liên kết Thủ đô Hà Nội - TP.HCM.
Ông Nguyễn Trần Quang, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Hà Nội cho biết, trong không gian "Phố nghề, làng nghề Hà Nội xưa và nay" có 28 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc sắc thể hiện cho giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống và thể hiện sự hội nhập, phát triển như gốm sứ Bát Tràng; gỗ và sơn son thếp vàng Sơn Đồng; Đúc đồng Ngũ Xã; lụa Vạn Phúc; sơn mài Hạ Thái; mây tre đan Phú Vinh; tơ tằm Phùng Xá; kim hoàn Hàng Bạc.
Đặc biệt, không gian quảng bá, giới thiệu ẩm thực, sản phẩm đặc sản, quà tặng, OCOP Hà Nội với chủ đề “Tinh hoa ẩm thực Hà Nội” và “Hương vị Hà Nội” được bố trí 42 gian hàng gồm các nhóm sản phẩm khi nhắc tới "du khách nhớ đến Hà Nội" như phở; bún chả; bánh cuốn; bún ốc; bánh tôm Hồ Tây; cốm Làng Vòng; chè Sen Tây Hồ; ô mai, hạt sen; bánh chả, bánh cốm...
"Với một sản phẩm OCOP, mỗi làng nghề, người dân Sài Gòn, người Hà Nội sinh sống tại TP.HCM và du khách có thể được trải nghiệm làm thử sản phẩm, được nghe các nghệ nhân, thợ giỏi, đầu bếp trình diễn và kể những câu chuyện, nét văn hóa trong từng sản phẩm và được thưởng thức các món ngon của Hà Nội", ông Quang cho hay.
Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thông qua các hoạt động, Hà Nội mong muốn giới thiệu những nét đặc trưng về văn hóa di sản, văn hóa tiêu biểu, độc đáo, các làng nghề truyền thống, các sản phẩm nông nghiệp, du lịch, thế mạnh… Từ đó, làm sâu sắc hơn hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến, con người thủ đô thanh lịch văn minh, Thủ đô Hà Nội vì hòa bình, thành phố sáng tạo; lan tỏa tinh thần cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước.