Biến đổi khí hậu khắc nghiệt
Những năm qua, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, tác động không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân, trong đó sản xuất nông nghiệp là một trong những lĩnh đối tượng chịu tác động nhiều nhất, Tại vùng ĐBSCL, khu vực đóng góp trên 30% GDP toàn ngành nông nghiệp, góp phần ổn định an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản. Khu vực này chiếm 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% sản lượng các loại trái cây, 95% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Bên cạnh đó, đây là vùng được thiên nhiên ưu đãi, hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt cùng hệ sinh thái đa dạng, từ sinh thái biển đảo, cù lao châu thổ, vườn quốc gia, rừng ngập mặn ven biển và các vùng đất ngập nước độc đáo. Tuy nhiên, những năm trở lại đây sản xuất nông nghiệp rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Nhiệt độ cao, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng đã làm giảm năng suất, giá trị của các loại cây trồng, đời sống phát triển kinh tế của người dân ngày càng khó khăn.
Đặc biệt là đối với nghề trồng lúa nước của người dân tại vùng ĐBSCL, vùng sản lúa trọng điểm của quốc gia, với diện tích gieo trồng lúa khoảng 3,9 - 4 triệu ha/năm, chiếm hơn 50% diện tích gieo trồng của cả nước và sản lượng lúa xấp xỉ khoảng 23,8 triệu - 24 triệu tấn lúa/năm, chiếm hơn 50% sản lượng lúa của cả nước sản xuất hàng năm.
Năng suất đạt hơn 7,7 tấn/ha
Những năm qua nhằm chống chịu tình hình thời thời tiết cực đoan như: Hạn hán, xâm nhập mặn hay nước biển đâng, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao chuỗi giá trị, ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL cho lai tạo nhiều cây trồng, đặc biệt là giống lúa thích nghi với BĐKH như hiện nay.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp không ngừng cho lai tạo những giống lúa thích nghi với các vùng sinh thái đặc trưng của từng địa phương. Với mục tiêu phủ xanh vùng đồng tôm lúa tại ĐBSCL, Công ty TNHH Hạt giống Việt (Vietseed) và Công ty TNHH Nông Thuận Phát đã nghiên cứu, phát triển và đưa ra sản xuất giống lúa LY2099. Có mặt tại vùng đất tôm lúa của tỉnh Bạc Liêu từ năm 2018, đến vụ đông xuân năm 2022, trên diện tích hơn 1.000 ha, của 500 hộ dân tại các huyện Hồng Dân, Phước Long, giống đã và đang mang lại nhiều hiệu quả cao cho nông dân cả về năng suất cũng như chuỗi giá trị.
Giống lúa LY2099 được đánh giá có sức chịu phèn, chịu mặn cực cao, có thể sống và sinh trưởng mạnh trên vùng đất phèn mặn ở ngưỡng từ 5 - 8 phần nghìn. Đây sẽ là điều kiện lý tưởng giúp nông dân yên tâm sản xuất nếu thời tiết bất lợi, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra sớm. Thậm chí, với ngưỡng chịu mặn đạt cao như hiện nay, giống lúa LY2099 được kỳ vọng sẽ mở ra hình thức canh tác kết hợp cho vùng chuyển đổi sang phát triển ở các vùng tôm - lúa, bởi ngưỡng 5 phần nghìn là độ mặn lý tưởng cho tôm sú, tôm thẻ phát triển nhanh, đặc biệt là ít dịch bệnh, giảm chi phí phân thuốc cho bà con.
Nhiều hộ nông dân đánh giá, giống lúa LY2099 còn có khả năng đẻ nhánh mạnh và chống chịu sâu bệnh tốt, nhất là bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bạc lá và rầy nâu, giúp hạn chế sử dụng thuốc BVTV, giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cho nông dân. Bên cạnh đó, giống lúa LY2099 cho năng suất rất cao, khoảng 9 - 11 tấn/ha. Qua 4 năm trồng, nông dân vùng chuyển đổi của huyện Hồng Dân và huyện Phước Long (Bạc Liêu) tỏ ra khá hài lòng với giống lúa này.
Anh Nguyễn Minh Thương, ấp Phước Hòa, TT Phước Hòa, huyện Phước Long (Bạc Liêu), cho biết: “Đây là năm thứ 3 gia đình tôi tin tưởng sử dụng giống lúa LY2099, bởi những đặc tính thích nghi của giống lúa này với điều kiện tự nhiên tại đây, giống lúa LY2099 trồng ở vùng tôm lúa rất cứng cây, ít sâu bệnh, kháng rầy, cây lúa không xuất hiện bệnh đạo ôn…”.
Theo anh Thương, chi phí cho héc-ta sản xuất lúa LY2099 hiện nay khoảng 15 triệu đồng/ha, khá bất ngờ khi 2 vụ vừa rồi năng suất lúa đạt từ 7.7 tấn/ha trở lên. Bên cạnh đó, giá lúa vụ này được thương lái đặt cọc hỏi mua với giá 6.800 đồng/kg, cao hơn 1.000 đồng so với vụ lúa 2021, trừ các chi phí gia đinh cũng có lãi hơn 50 triệu đồng/ha.
Cùng niềm vui, anh Nguyễn Vũ Khanh, nông dân ấp Phước Hòa, TT Phước Long (huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) cho biết: Đây là vụ đầu tiên gia đình tôi sử dụng giống lúa LY2099, tuy nhiên giống lúa LY2099 rất thích nghi với vùng tôm lúa ở địa phương, dể làm, ít bị nhiễm bệnh, cây phát triển mạnh, sinh trưởng tốt. “Hiện nay, giống lúa còn khoảng hơn 1 tuần nữa là thu hoạch (từ 100 – 110 ngày là thu hoạch) khả năng cho năng suất thừ 1 -1,1 tấn/công, thương lái đến tận ruộng hỏi mua với giá 6.800 đồng/kg, trừ chi phí giống, phân thuốc, tiền máy giặt khoảng 20 triệu đồng/ha, gia đình còn lãi hơn gần 50 triệu đồng/ha”, anh Khánh phấn khởi cho biết.
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, ngành nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Bạc Liêu đặt mục tiêu, giai đoạn 2021-2025 có ít nhất 20% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh được sản xuất theo ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở các khâu như sản xuất giống, quy trình sản xuất, quản lý môi trường và dịch bệnh, công nghệ thu hoạch, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất sản xuất cùng nhóm sản phẩm trong 1 vụ ít nhất là 30% so với năm 2020; chọn tạo được 1-2 giống lúa thơm ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Ông Trần Trương Tấn Tài, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nông Thuận Phát thông tin: “Chúng tôi đang ký kết với một đối tác là Công ty Quốc Tế Gia để xuất thử một lô hàng gạo LY2099 đi Úc nhằm bước đầu xây dựng thương hiệu xuất khẩu cho gạo này. Mục tiêu của chúng tôi là tập trung vào chất lượng gạo, đặc biệt là lúa trồng trong vuông tôm, không bị bệnh đạo ôn, không xài thuốc BVTV. Chất lượng gia tăng, hàm lượng tồn dư thuốc BVTV ở mức cho phép mới đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu đi các thị trường khó tính như châu Âu và Úc”.