Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi cũng như của huyện Sơn Tịnh, cây lúa vẫn được xác định là cây chủ lực, chiếm phần lớn cả về diện tích lẫn sản lượng.
Huyện Sơn Tịnh đã và đang xây dựng, nhân rộng công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất lúa, cụ thể là quy trình “1 phải, 5 giảm” (phải sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm sử dụng BVTV, giảm lượng nước và giảm thất thoát sau thu hoạch).
Mặc dù mô hình mô hình đã đạt được những thành công, nhưng do trong thời gian đầu khi chuyển canh tác truyền thống sang áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới, bà con còn bỡ ngỡ. Việc áp dụng chưa được đồng bộ nên hiệu quả của mô hình chưa theo đúng yêu cầu đề ra.
Đến vụ hè thu vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tịnh phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên ThaiBinh Seed - miền Trung - Tây Nguyên đã triển khai mô hình trình diễn áp dụng giống lúa mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa tại xã Tịnh Sơn. Giống lúa được sử dụng là TBR97 với quy mô 10,7ha, cùng sự tham gia của 153 hộ dân.
Ông Nguyễn Phước Cảm (trú thôn Phước Lộc Đông, xã Tịnh Sơn) tham gia mô hình với diện tích 2 sào (sào 500m2) giống TBR97 cho biết, được sự hướng dẫn kỹ thuật canh tác, từ lúc xuống giống đến lúc thu hoạch gia đình ông chỉ xử lý cỏ 1 lần, còn lại hoàn toàn không sử dụng thuốc BVTV.
Thế nhưng, cây lúa vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, trên cánh đồng không hề xuất hiện bất kỳ loại sâu bệnh hại nào. Đặc biệt, vụ hè thu này trên địa bàn thường xuyên xuất hiện mưa dông kèm theo gió lớn nhưng giống lúa TBR97 vẫn chống chịu tốt, không hề bị đổ ngã.
“Dù đây là lần đầu tiên sử dụng nhưng tôi thấy giống TBR97 quá tuyệt vời. Năng suất ước tính đạt khoảng 80 tạ/ha, cao nhất trong các giống trước đây gia đình tôi từng làm. Vậy nên, tôi rất mong công ty và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tịnh tiếp tục hỗ trợ giống lúa này cho bà con, khuyến khích nhân rộng mô hình”, ông Cảm chia sẻ.
Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tịnh, thực tế sản xuất thời gian qua cho thấy, điều kiện thời tiết tương đối bất lợi khi thời điểm gieo sạ gặp mưa lớn làm chậm lịch thời vụ. Đến thời điểm lúa trỗ lại thường có mưa, ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn. Bên cạnh đó, một số hộ dân cũng chưa áp dụng đúng theo quy trình kỹ thuật.
Mặc dù vậy, giống lúa TBR97 vẫn chống chịu được và phát triển tốt, năng suất đạt kỳ vọng. Từ thành công trong vụ hè thu vừa qua, đơn vị này đã đề nghị Sở NN-PTNT, Chi cục Trồng trọt và BVTV cũng như UBND huyện Sơn Tịnh đưa giống lúa TBR97 vào cơ cấu chính trong vụ sản xuất của tỉnh, huyện ở nhiều năm tiếp theo.
Ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Tịnh cho biết: Giống lúa TBR97 đã được tổ chức sản xuất liên tiếp vừa qua trên địa bàn. So với các loại giống mới khác, TBR97 có những ưu điểm như cứng cây, năng suất cao hơn. Định hướng của huyện sẽ chỉ đạo tiếp tục cơ cấu giống TBR97 cũng như triển khai nhân rộng mô hình "1 phải 5 giảm" trong thời gian đến.
Theo ông Triệu Tấn Phú, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên ThaiBinh Seed - miền Trung - Tây Nguyên, đơn vị đã liên kết sản xuất giống lúa TBR97 với các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong 3 năm trở lại đây. Đây là giống lúa có nhiều đặc tính ưu việt, phù hợp với điều kiện sản xuất trên địa bàn tỉnh. Giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày (vụ đông xuân khoảng 100 ngày và vị hè thu khoảng 90 ngày).
“Qua theo dõi 6 vụ sản xuất liên tiếp, giống này hầu như không nhiễm bệnh đạo ôn, rất ít bị rầy nâu. Ngoài ra, đây còn là giống có chiều cao vừa phải nên rất cứng cây. Chúng tôi đã sản xuất TBR97 ở các huyện như Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ và một số vùng khác tại Quảng Ngãi, tất cả đều cho năng suất rất cao”, ông Phú nói.