| Hotline: 0983.970.780

Giống lúa xác nhận 'mặc áo nguyên chủng' tung hoành thị trường

Thứ Tư 27/07/2016 , 09:30 (GMT+7)

Tình trạng cung ứng giống tại Bình Định khá “bát nháo”, giống lúa được bán thông qua các đại lý bán lẻ, thậm chí có cơ sở xay xát lúa gạo, mua bán gạo cám, hiệu tạp hóa… cũng cung ứng giống lúa.

Từ phản ánh của các địa phương về nhiều loại giống lúa cấp xác nhận được đóng bao là giống lúa nguyên chủng tung hoành trên thị trường, Sở NN-PTNT Bình Định lập tức triển khai ngay cuộc thanh tra đột xuất để kịp thời ngăn chặn.

Vào cuộc quyết liệt

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Bình Định, trước tình hình SXKD lúa giống đang diễn biến phức tạp, Sở đã cấp tốc ký quyết định cho thanh tra đột xuất, trước khi nông dân SX vụ mùa. Do trên địa bàn tỉnh còn ít địa phương SX vụ mùa, hầu hết đã chuyển đổi chỉ còn làm 2 vụ lúa/năm, nên trong đợt này chỉ tổ chức thanh tra tại 4 huyện Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát và Tây Sơn.

21-13-58_2
Những bao giống lúa VĐ8 nguyên chủng "rởm"

 

Ông Ngô Đình Ba, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ cho biết: “Chúng tôi nghe nông dân ca thán về tình trạng mua giống lúa nguyên chủng về SX, nhưng khi ngâm ủ thì thấy lẫn nhiều lúa lép, thậm chí có cả hạt cỏ, hầu hết nguồn giống này có xuất xứ từ Quảng Ngãi. Nghi ngờ cơ sở SX lấy giống lúa xác nhận làm giống nguyên chủng để bán được giá cao, nông dân đồng loạt phản ánh lên ngành chức năng”.

Theo ông Lê Bá Thừa, Phó Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT Bình Định, từ ngày 1 - 7 vừa qua, đoàn công tác đã phối hợp với ngành chức năng của 4 huyện nói trên kiểm tra 8 cơ sở kinh doanh lúa giống, đã thu về 5 sản phẩm lúa giống nghi ngờ là giống nguyên chủng “rởm”. Mỗi sản phẩm đoàn công tác lấy 3 mẫu, 1 mẫu giao cho cơ sở kinh doanh, 1 mẫu đoàn công tác lưu kho và 1 mẫu đưa đi kiểm nghiệm.

“Những lần trước chúng tôi thường kiểm nghiệm tại Quảng Ngãi, nhưng lần này đã đưa 5 mẫu lúa giống đi kiểm nghiệm tại TP.HCM, khoảng đầu tháng 8 tới là sẽ có kết quả”, ông Thừa nói.

Không phải bây giờ mới xảy ra

“Nông dân mua giống nguyên chủng SX lần đầu ra giống xác nhận, sau đó dùng giống xác nhận làm thêm 1 vụ nữa, bước sang vụ sau thì bỏ vì đã thành lúa thịt và thay giống mới. Nếu mua phải giống xác nhận đóng bao nguyên chủng, qua 1 vụ SX đã thành lúa thịt mà cứ ngỡ là lúa xác nhận, làm thêm vụ nữa thì lúa sẽ bị lẫn tạp, phát triển nhiều tầng, sâu bệnh phát sinh, mất năng suất”, ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định.

Tình trạng giống lúa xác nhận “mặc áo” giống nguyên chủng không phải bây giờ mới xảy ra, mà nó đã tung hoành trên địa bàn Bình Định từ trước. Mới đây nhất, trong vụ ĐX 2015-2016 vừa qua, Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ đã phát hiện tình trạng trên.

Theo ông Nguyễn Đức Thọ, Trưởng Bộ môn Chuyển giao công nghệ và khuyến nông (Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ), vì chạy theo lợi nhuận, một số đơn vị đã cung ứng giống kém chất lượng ra thị trường.

Một số đại lý bán trực tiếp cho bà con nông dân thích kinh doanh giống “rởm” vì lợi nhuận lớn hơn so với bán giống của các đơn vị SX giống lúa có uy tín. Đặc biệt là những giống được sử dụng rộng rãi tại địa phương như ĐV108, VĐ8.

Theo xác nhận của ông Nguyễn Đức Thọ, nguồn gốc giống VĐ8 được Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ duy trì và chọn lọc và là đơn vị duy nhất tại miền Trung - Tây Nguyên cung ứng giống gốc VĐ8 siêu nguyên chủng cho 3 đơn vị trên địa bàn Bình Định SX ra giống nguyên chủng, gồm: Trung tâm Giống cây trồng Bình Định, Cty Dịch vụ giống cây trồng Quy Nhơn và Cty TNHH Giống cây trồng Thuận Nông.

“Tuy nhiên, qua khảo sát thị trường lúa giống vụ ĐX 2015-2016 tại Bình Định cho thấy, nhiều doanh nghiệp không được viện cung cấp giống VĐ8 siêu nguyên chủng nhưng vẫn có giống VĐ8 nguyên chủng cung ứng ra thị trường, thông qua các doanh nghiệp, đại lý, các cửa hàng tạp hóa, các HTXNN. Nguồn gốc giống VĐ8 không rõ nguồn gốc này này chủ yếu là của các công ty ngoài tỉnh”, ông Nguyễn Đức Thọ bức xúc.

Ông Thọ còn cho biết thêm, viện đã “nhận diện” được một số đơn vị ngoài tỉnh đang kinh doanh giống VĐ8 không rõ nguồn gốc trên thị trường tỉnh Bình Định.


Ảnh chỉ có tính minh họa

 

Tại thời điểm kiểm tra, khi hỏi nguồn gốc xuất xứ, giấy chứng nhận hợp quy lúa giống đang được kinh doanh thì các đơn vị này không trình ra được. Chưa kể, tình trạng cung ứng giống khá “bát nháo”, giống lúa được bán thông qua các đại lý bán lẻ, thậm chí có cơ sở xay xát lúa gạo, mua bán gạo cám, hiệu tạp hóa… cũng cung ứng giống lúa.

Giải thích vì sao có nhiều giống lúa xác nhận được “mặc áo” giống nguyên chủng bán trên thị trường, ông Thọ nói: “Dễ hiểu thôi, vì giống nguyên chủng thường cao hơn giống xác nhận từ 1.000 - 2.000đ/kg. Vì lợi nhuận, các doanh nghiệp kinh doanh giống lúa “rởm” không màng đến những thiệt hại mà nông dân phải gánh chịu”.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Hàng trăm ha lúa có nguy cơ thiệt hại hoàn toàn do hạn mặn

SÓC TRĂNG Xâm nhập mặn thời gian qua khiến hàng trăm ha lúa hè thu 2024 đã xuống giống ở xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm) không có nước tưới, nguy cơ thiệt hại hoàn toàn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.