| Hotline: 0983.970.780

Giúp người nuôi tôm, thành 'lừa đảo khoa học', liệu có bất công?

Thứ Sáu 08/09/2017 , 13:15 (GMT+7)

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đang làm việc để có kết luận về vụ cho rằng bà Mai Thi “lừa đảo khoa học”, khiến dư luận phản ứng. Trong lúc, nghiên cứu khoa học của bà Mai Thi đã giúp nhiều người nuôi tôm tránh được thất bại.

Thông tin bà Mai Thi “lừa đảo khoa học” được vài tờ báo đưa ra ngày 26/8, khi hỏi ông Trần Văn Thanh, PGĐ Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng, về quyết định kỷ luật khiển trách Đảng đối với bà Mai Thi.

10-01-23_0109173
Bà Mai Thi nghẹn ngào: suốt ngày lội ruộng giúp người nuôi tôm mà bị cho là “lừa đảo khoa học” và kỷ luật Đảng

Dư luận lập tức phản ứng và ngày 30/8, Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng ra thông cáo báo chí: ông Thanh trả lời phóng viên về lý do kỷ luật bà Mai Thi “theo đúng tinh thần Quyết định của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối”; còn viết bài giật tít như thế “là việc của tác giả bài báo”.

Tuy nhiên, vài phóng viên khẳng định, hai chữ “lừa đảo” là lời của ông Thanh. Bên cạnh, còn có ý kiến phân tích, việc ông Thanh vội vã cho phóng viên biết nội dung quyết định kỷ luật bà Mai Thi cũng sai. Bởi vì, quyết định ban hành ngày 22/8, được đóng dấu “mật” còn để thời gian cho bà Mai Thi khiếu nại.

Trong lúc, chế phẩm vi sinh ST Bacilli-MT, phát triển từ nghiên cứu tiến sỹ của bà Mai Thi (báo cáo hội đồng cấp cơ sở ngày 12/12/2016) đã chứng minh hiệu quả trong thực tế. Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng Quách Thị Thanh Bình nói: “Chế phẩm vi sinh ST Bacilli-MT không thể gọi là lừa đảo, tôi sẵn sàng đi đến bất cứ đâu để bảo vệ”.
 

Hiệu quả thực tế

Ông Cao Thanh Hoàng ở xã Lai Hòa (Vĩnh Châu, Sóc Trăng) kể, ông là cán bộ nhà nước nghỉ hưu hai năm trước, về quê nuôi tôm. Thế nhưng, vùng đất đã bị ô nhiễm nên ông nuôi tôm thất bát liền mấy vụ, phải bán một căn nhà để trả nợ. “Khi đất và nước bị ô nhiễm nặng, thả tôm giống xuống là chết. Đang bế tắc thì tôi biết Mai Thi có chế phẩm ST Bacilli-MT và được cho dùng thử, nhờ đó mà thắng 2 vụ liên tiếp”, ông nói.

Cùng vui mừng với kết quả nuôi tôm thắng lợi nhờ ST Bacilli-MT, ông Nguyễn Văn Hết ở xã Hòa Tú 2 (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cho biết: “Chế phẩm ST Bacilli-MT xử lý ao cho nước rất tốt, giảm hẳn khí độc nên tôm không bị bệnh”. Ông Hết có 6 ao nuôi tôm, trước đây khi trúng khi thất. Năm 2016, ông dùng thử ST Bacilli-MT để cải tạo môi trường 1 ao rộng 1.500 m2, nuôi 2 vụ lời 135 triệu đồng. Năm nay, ông tiếp tục thu lời cao.

Chế phẩm ST Bacilli-MT do nhóm tác giả 7 người ở Trung tâm Quan trắc TN&MT tỉnh Sóc Trăng với bà Mai Thi đứng đầu nghiên cứu. Họ hợp tác với Hiệp hội tôm Mỹ Thanh lấy mẫu đất, bùn, nước, tôm để nghiên cứu và kết quả cũng ứng dụng tại đây. Kết quả đoạt giải Nhì của Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng năm 2014-2015, nhóm nghiên cứu được UBND tỉnh tặng bằng khen. Cá nhân bà Mai Thi được Tổng LĐLĐ tặng bằng Lao động Sáng tạo. Từ năm 2016, chế phẩm ST Bacilli-MT đem tặng cho các hộ nuôi tôm dùng thử nhằm khảo nghiệm diện rộng.

10-01-23_0109172
Ông Nguyễn Văn Hết bên ao tôm thắng lợi liên tiếp nhờ ST Bacilli-MT

Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng tổ chức khảo nghiệm 4 ao, rộng 13.500 m2, nuôi một vụ tôm giữa năm 2016, lời hơn 1,4 tỷ đồng. Kết quả này được giới thiệu trong “hội thảo các mô hình khuyến nông hiệu quả giai đoạn 2012-2015 và các giải pháp ứng dụng vào thực tiễn” do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức ngày 6/1/2017. Ngày 14/1/2017, HĐND tỉnh và Hiệp hội tôm Mỹ Thanh đều có công văn đề nghị UBND tỉnh xem xét triển khai ứng dụng ST Bacilli-MT, nhất là trong sản xuất tôm-lúa-màu, năm 2017.
 

Mong sớm giải tỏa

Thế nhưng, ngày 28/2/2017, bà Mai Thi hết nhiệm kỳ làm GĐ Trung tâm Quan trắc TN&MT, vì việc kiểm điểm đảng viên kéo dài nên bà chưa được bổ nhiệm lại. Lúc đó, Sở TN&MT tỉnh có quyết định phân công bà phụ trách Trung tâm và quyết định này cũng bị hủy vào ngày 24/3/2017. Từ đó, bà Mai Thi trở thành chuyên viên “ngồi chơi xơi nước”.

Đến ngày 22/8/2017, bà Mai Thi bị kỷ luật khiển trách về Đảng, vì những “vi phạm” liên quan chế phẩm ST Bacilli-MT. Đó là, tổ chức ứng dụng ST Bacilli-MT trong nuôi tôm khi chế phẩm này chưa được phép lưu hành; cung ứng ST Bacilli-MT cho người nuôi tôm không đúng với chức năng, nhiệm vụ.

Lý do kỷ luật được nhiều người phân tích là có sự nhầm lẫn. Bởi lẽ, ST Bacilli-MT phát triển từ sản phẩm nghiên cứu khoa học, đang giai đoạn khảo nghiệm, chưa lưu hành thương mại nên chưa phải xin phép. Mà nghiên cứu khoa học là chức năng nhiệm vụ của Trung tâm, đã được Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng cấp “Chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ” ngày 26/12/2014. Trung tâm có phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc gia về lĩnh vực Hóa và Sinh, được Văn phòng Chứng nhận chất lượng của Bộ KH&CN cấp chứng chỉ ngày 12/3/2013, có giá trị đến ngày 12/3/2019.

PGS.TS Nguyễn Hữu Hiệp ở Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ sinh học của Trường ĐH Cần Thơ khẳng định, chế phẩm ST Bacilli-MT là kết quả của một quá trình nghiên cứu khoa học thật sự, cho hiệu quả thực tế. Ông nói: “Tôi thấy có gì đó quá bất công, có dấu hiệu trù dập bà Mai Thi, mong được lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng sớm giải tỏa”.

Bà Mai Thi với cộng sự ở Trung tâm Quan trắc TN&MT Sóc Trăng còn nghiên cứu thành công hai chế phẩm sinh học dùng để xử lý hầm cầu vệ sinh, là ST Bacilli 1 (dạng bột) và ST Bacilli 2 (dạng lỏng). Hai sản phẩm được Cty Cổ phần Chứng nhận và Giám định Vinacert cấp chứng nhận để lưu hành, giúp xử lý tốt nhiều bãi rác và vùng nước ô nhiễm, cho Trung tâm doanh thu hơn 300 triệu đồng. Cũng vì việc kiểm điểm và kỷ luật bà Mai Thi đầu năm 2017, hai sản phẩm không được tổ chức đánh giá lại nên ngày 21/7/2017, Vinacert có quyết định đình chỉ hiệu lực lưu hành.

 

Xem thêm
Dân đeo khẩu trang đi ngủ vì trại lợn 30.000 con

THANH HÓA Trại lợn của Công ty Agri-Vina lại gây thối, khiến nhiều người dân tại xã Tân Phúc, thị trấn Lang Chánh mất ăn mất ngủ.

Vây bắt đàn chó liên quan bé gái 10 tuổi tử vong nghi do bệnh dại

Bé gái 10 tuổi ở Xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tử vong với những triệu chứng nghi do bệnh dại sau khi bị chó cắn, cơ quan chức năng đang vây bắt đàn chó để xét nghiệm.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.