Tỷ lệ này cho thấy cần hơn hơn nữa những chương trình tập huấn nhằm cung cấp kiến thức kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khoẻ sinh sản phụ nữ, đồng thời, phụ nữ cần chủ động hơn nữa trong việc trang bị kiến thức KHHGĐ và chăm sóc SKSS.
43,7% phụ nữ không hiểu rõ về biện pháp tránh thai mình đang sử dụng
Trong bốn thập kỷ qua, Việt Nam đã có những tiến bộ trong việc cải thiện hệ thống cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ). Tuy nhiên, nghiên cứu đánh giá chất lượng dịch vụ KHHGĐ của Bộ Y Tế và Quỹ dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam năm 2017 đã chỉ ra những vấn đề còn cần nhiều nỗ lực và đóng góp của các đơn vị, tổ chức liên quan nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng trong việc sử dụng các biện pháp tránh thai và chăm sóc SKSS phụ nữ.
Cũng theo nghiên cứu đánh giá chất lượng KHHGĐ nói trên, mặc dù người sử dụng hiểu khá rõ về những thuận lợi và lợi ích của các biện pháp tránh thai hiện đại, họ biết rất ít về tác dụng phụ. Trong hơn 60% phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã từng được nhận tư vấn từ cán bộ y tế, nhưng đã có đến 43,7% không hiểu biết đầy đủ về các biện pháp tránh thai mà họ đã sử dụng.
Việc người dùng không hiểu hết về tác dụng phụ và các tác động đến sức khỏe của biện pháp KHHGĐ đang sử dụng là một trong các nguyên nhân khiến tỷ lệ người dùng sử dụng không liên tục các biện pháp tránh thai rất cao ở nước ta.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn và tình trạng nạo phá thai tại Việt Nam hiện nay với tổng tỷ suất phá thai (TAR) là 0,42, có nghĩa là cứ 5 phụ nữ thì có 2 người từng phá thai ít nhất một lần trong toàn bộ thời gian sinh sản.
Cần nhiều hơn nữa các hoạt động cung cấp thông tin KHHGĐ cho người sử dụng
Tỷ lệ cao phụ nữ không hiểu rõ về biện pháp KHHGĐ mình đang sử dụng đòi hỏi một cơ chế và chiến lược phù hợp nhằm cung cấp thông tin rộng rãi về các biện pháp KHHGĐ hiện đại. Việc người sử dụng biết cách sử dụng các biện pháp tránh thai đúng cách sẽ làm giảm tỷ lệ sử dụng không liên tục các biện pháp tránh thai và tỷ lệ có thai ngoài ý muốn, đồng thời chủ động trong việc KHHGĐ cũng như chăm sóc SKSS của bản thân.
Theo nghiên cứu, tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại (68,3%) cao hơn so với phụ nữ dân tộc Kinh (63,3%). Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai cao và hiểu biết tốt về các biện pháp tránh thai ở phụ nữ dân tộc thiểu số là do kết quả của những nỗ lực của chương trình KHHGĐ quốc gia từ năm 2010. Ngân sách của chương trình này chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu cả nước và tập trung dành cho cộng đồng dân tộc thiểu số.
Thực tế này khuyến khích sự tham gia của các đơn vị tư nhân, tổ chức phi chính phủ trong hoạt động KHHGĐ với mục đích truyền thông, cung cấp đầy đủ kiến thức và các biện pháp tránh thai, chăm sóc SKSS đến cộng đồng, giúp làm giảm khoảng cách về việc sử dụng các biện pháp tránh thai ở các nhóm dân số khác nhau.
Cùng chung mục đích đó, Dự án “Vì mẹ và bé – Vì tầm vóc Việt” của Tập đoàn TH đã chủ động phối hợp để triển khai tại một số KCN trên địa bàn TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh. Ban tổ chức đã tiếp cận 1.150 lượt người lao động tham gia 9 buổi truyền thông về chủ đề “Cải thiện SKSS cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản”. Dự án do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và Công đoàn các KCN và Chế xuất Hà Nội phối hợp tổ chức.
Dự án nhận được sự đồng hành của tổ chức DKT International Inc, - một tổ chức từ thiện hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe con người, thực hiện các chương trình tiếp thị và truyền thông xã hội về kế hoạch hoá gia đình. Với mục đích giúp người dân Việt Nam tăng cường nhận thức về tình dục an toàn, tại các buổi truyền thông về chủ đề thuộc Dự án “Vì mẹ và bé – Vì tầm vóc Việt”, bác sĩ Vũ Minh Phượng (chuyên gia tư vấn chương trình Cửa sổ tình yêu) nhấn mạnh thông điệp về tầm quan trọng của việc phòng tránh thai an toàn bằng các phương pháp tránh thai hiện đại và việc nâng cao ý thức chăm sóc SKSS của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Dự án “Vì mẹ và bé – Vì tầm vóc Việt” là một dự án thí điểm triển khai các hoạt động chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe cho nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đang làm việc tại các KCN, qua đó góp phần cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, sức khỏe và tầm vóc của trẻ em Việt Nam. Giai đoạn 2 năm 2018 của dự án đã tổ chức 20 buổi truyền thông về kiến thức và kỹ năng thực hành dinh dưỡng hợp lý, chăm sóc SKSS và sức khỏe tinh thần cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sẩn đến 3.400 lượt công nhân, tổ chức tư vấn và khám SKSS lưu động cho khoảng 800 người lao động nữ và tổ chức cuộc thi tìm hiểu kiến thức được lồng ghép với hội thảo tổng kết dự án diễn ra vào tháng 12/2018. |