| Hotline: 0983.970.780

Gỡ bế tắc nhờ tổ công tác của Bộ NN-PTNT

Thứ Hai 26/07/2021 , 18:15 (GMT+7)

Nhờ cách làm linh hoạt, chủ động, nhiều đơn vị sản xuất, cung ứng nông sản ở ĐBSCL vẫn tìm được kênh tiêu thụ tốt trong bối cảnh khó khăn do giãn cách xã hội.

Cách làm linh hoạt của một HTX ở Hậu Giang

Có tên trong danh sách các đầu mối cung ứng nông sản phía Nam, HTX Nông nghiệp Tân Long ở ấp Tân Long, xã Vĩnh Tường (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) đã cung ứng hàng chục ngàn trứng vịt tươi cho đầu mối ở TP.HCM tiêu thụ.

Thương lái thu mua trứng vịt ở Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thương lái thu mua trứng vịt ở Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Phó Giám đốc HTX Tân Long Nguyễn Văn Thích chia sẻ: Trong khó khăn mình cần phải linh hoạt, giải quyết cùng lúc 2 vấn đề cấp bách. Một là không để nông sản bà con làm ra bị ách tắc, hư hỏng do để lâu không bán được. Hai là góp phần đáp ứng nhu cầu trứng gia cầm đang rất cần cho hàng triệu người ở TP.HCM trong thời buổi giãn cách xã hội.

HTX Nông nghiệp Tân Long là một trong hàng trăm đầu mối cung ứng nông sản được Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản của Bộ NN-PTNT (Tổ 970) cập nhật lên phương tiện thông tin đại chúng. Đây là HTX chuyên sản xuất, cung ứng gạo hữu cơ, đạt chứng nhận VietGAP và là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Hậu Giang. Đơn vị có liên kết với cơ sở chuyên ấp trứng để cung ứng hột vịt lộn (trứng vịt lộn) ra thị trường.

Theo ông Thích, qua làm việc với Tổ công tác tiền phương của Bộ NN-PTNT, thấy các đô thị tập trung đông dân cư đang có nhu cầu lớn về trứng gia cầm tươi nên lãnh đạo HTX liền đăng ký. Tại địa phương có 4 trang trại của các hộ dân chuyên nuôi vịt đẻ, mỗi đêm thu khoảng 1.600 - 2.000 trứng/hộ. Thay vì đưa vào ấp trứng lộn thì gom hết để cung ứng cho nhu cầu cấp bách.

Khi các tỉnh phía Nam bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản gặp trục trặc, giá trứng vịt giảm còn dưới 2.000 đồng/trứng. HTX phải kêu gọi bà con chia sẻ, mỗi nhà mua vài chục, cũng là để dự phòng ăn dần. Nhưng giờ có tuyến giao thông luồng xanh quốc gia, hàng nông sản từ các tỉnh miền Tây đi TP. HCM đã có phần thông thoáng.

Việc đi thu gom trứng tại các trang trại của hộ dân thực hiện bằng phương tiện thủy và hoàn toàn không gặp khó khăn gì trong việc lưu thông.

“Hiện HTX thu mua trứng vịt tươi tại trang trại 2.500 đồng/trứng, cung ứng lên tới đầu mối thu mua ở TP. HCM 2.800 đồng/trứng. Cứ 3 ngày chúng tôi sẽ giao một chuyến khoảng 20.000 quả trứng tươi cho đơn vị đặt hàng”, ông Thích cho biết.

Hiện HTX Tân Long thu mua trứng vịt tươi tại trang trại 2.500 đồng/trứng, cung ứng lên tới đầu mối thu mua ở TP. HCM 2.800 đồng/trứng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện HTX Tân Long thu mua trứng vịt tươi tại trang trại 2.500 đồng/trứng, cung ứng lên tới đầu mối thu mua ở TP. HCM 2.800 đồng/trứng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, lãnh đạo HTX Tân Long cũng quyết định giảm giá bán gạo do đơn vị cung ứng. Cụ thể, gạo ST 25 (lúa sản xuất theo quy trình hữu cơ) giảm từ 36.000 xuống còn 32.000 đồng/kg, gạo ST 24 từ 28.000 xuống 26.000 đồng/kg, gạo Đài Thơm 8 còn 18.000 đồng/kg.

Về nguồn cung gạo, hiện HTX Tân Long còn trong kho khoảng hơn 300 tấn các loại. Nếu đóng gói theo quy cách 2 kg và 5 kg/túi thì cung ứng được 2 tấn thành phẩm/ngày. Còn bao 50 kg thì đáp ứng 10 tấn/ngày.

Thương hiệu “Gạo sạch Vị Thủy” của HTX Tân Long hiện đang được cung ứng cho đơn vị chuyên bán sản phẩm OCOP tại Quận 7, TP.HCM để bán lẻ tới tay người tiêu dùng. Gạo được bán theo giá niêm yết đóng sẵn trên bao bì, đơn vị cung ứng sẽ hưởng chiết khấu riêng, nhằm tránh tình trạng người bán tự nâng giá, gây thiệt cho người tiêu dùng.

Tổ hợp tác liên kết tiêu thụ trứng

Ông Phạm Cao Sơn ở ấp 4, xã Mỹ Đông (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) là người có hơn 15 năm sống bằng nghề nuôi vịt đẻ chạy đồng cho biết: Vụ lúa hè thu 2021, ông không thể cho đàn vịt chạy đồng xa do dịch bệnh Covid-19.

Ông Sơn nuôi 12.000 con vịt đẻ, bình quân mỗi ngày thu được từ 900 - 1.000 trứng. Thời gian đầu năm 2021, giá trứng vịt ở mức chỉ khoảng 1.200 - 1.500 đồng/trứng, trong khi đó chi phí tăng cao nên người nuôi không có lời.

Cách đây nửa tháng, giá trứng dưới 2.000 đồng/trứng thì thời gian gần đây, bỗng tăng vọt lên 3.000 - 3.200 đồng/trứng. Thương lái tranh nhau vào trại gom trứng nên có thời điểm lãi mỗi trứng 1.000 đồng.

Hai ngày gần đây, giá trứng có phần giảm nhẹ, còn ở mức 2.700 - 2.800 đồng/trứng do các tỉnh đã bắt đầu lưu thông nên sản lượng có nhiều. 

Đồng Tháp đang đẩy mạnh mô hình nuôi vịt theo chuỗi liên kết mua bán trứng luôn được giá cao hơn so với nuôi bình thường. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đồng Tháp đang đẩy mạnh mô hình nuôi vịt theo chuỗi liên kết mua bán trứng luôn được giá cao hơn so với nuôi bình thường. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: Hiện toàn tỉnh có tổng đàn vịt hơn 3,7 triệu con, trong đó có từ 50 - 70% là nuôi vịt chạy đồng lấy trứng. Đàn vịt tập trung nuôi nhiều nhất ở các huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông, Tháp Mười và Hồng Ngự.

Trong thời gian giãn cách xã hội, do nhiều người mua dự trữ nên giá trứng tăng cao, có lúc thương lái mua 3.000 đồng/trứng. Còn tiểu thương bán tại chợ với giá từ 3.500 - 3.700 đồng/trứng mà không có hàng để bán. 

Theo ông Đạt, hiện tại toàn tỉnh có 5 tổ hợp tác với 31 thành viên chăn nuôi vịt hướng trứng an toàn sinh học với tổng đàn vịt hơn 100.000 con. Trong đó, đàn vịt đang đẻ trứng là 95.500 con. Với mô hình liên kết tiêu thụ trứng vịt đến thời điểm hiện tại, các tổ hợp tác chăn nuôi liên kết mua bán trứng luôn được giá cao hơn so với các năm trước đó.

Tiêu thụ bế tắc, người nuôi cút thua lỗ, bỏ chuồng 

Tại HTX chăn nuôi cút Tấn Lực tại xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang), hầu hết các thành viên của HTX đã tạm ngừng hoạt hộng do chăn nuôi thua lỗ.

Ông Huỳnh Tấn Lực, Giám đốc HTX tâm tư: Khi thành lập, HTX có 50 thành viên. Từ hồi dịch bệnh Covid-19 nổ ra ở Tiền Giang, cộng với giá thức ăn liên tục tăng cao nên chăn nuôi thua lỗ. Hiện, nhiều thành viên không còn vốn, đã nghỉ nuôi.

Giờ đây, HTX chỉ còn ông Lực và vài ba thành viên còn nuôi. Mấy ngày nay, ông Lực cho biết còn khoảng vài tấn cút thịt nhưng không bán được nên đành ủng hộ từ thiện. Trước khi giãn cách xã hội, thị trường tiêu thụ ổn định, mỗi ngày HTX cút Tấn Lực thu mua của thành viên khoảng 300 – 400 nghìn trứng. Bây giờ, lượng tiêu thụ giảm chỉ còn 20 – 30% so với ngày trước. Giá trứng trứng cút bây giờ bán ra trung bình chỉ còn 4.100 đồng/chục.

Ông Trần Nguyễn Hồ cho biết, hoạt động thu mua trứng cút chế biến xuất khẩu của doanh nghiệp phải ngưng hoạt động. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Trần Nguyễn Hồ cho biết, hoạt động thu mua trứng cút chế biến xuất khẩu của doanh nghiệp phải ngưng hoạt động. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Trần Nguyễn Hồ, chủ trang trại nuôi chim cút và thu mua trứng cút chế biến xuất khẩu Nguyễn Hồ ở xã Long An, huyện Châu Thành (Tiền Giang), đơn vị chăn nuôi cút và thu mua trứng cút lớn nhất miền Tây cho hay: Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động thu mua trứng cút chế biến xuất khẩu của doanh nghiệp phải ngưng hoạt động.

Công nhân làm việc e ngại vấn đề dịch bệnh nên đã chủ động xin tạm nghỉ để phòng chống dịch. Do đó, thị trường tiêu thụ trứng chim cút đang gặp khó khăn.

Được biết, trang trại và nông dân liên kết của ông Hồ chuyên sản xuất trứng cút xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Mỗi ngày, các nông dân nuôi chim cút liên kết với trại nuôi của ông Hồ có thêm 300 nghìn quả trứng cút.

Dù các hộ nuôi đã thăm dò, tìm kiếm thị trường các nơi trong khu vực nhưng đầu ra trứng chim cút tại tỉnh Tiền Giang hiện đang bế tắc, có nguy cơ phải tiêu hủy.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.