| Hotline: 0983.970.780

Gỡ đầu ra cho hàng nghìn héc-ta sắn ở Quảng Bình

Thứ Tư 17/11/2021 , 11:18 (GMT+7)

Phương án '3 tại chỗ' của Chính phủ đã tạo đà cho nhiều nhà máy chế biến nông sản đi vào hoạt động, đưa niềm vui lớn cho bà con nông dân trong mùa dịch.

Ông Hoàng Quốc Vương, Giám đốc Công ty Cổ phần FOCOCEV Quảng Bình, cho biết: "Đến nay, nhà máy chế biến tinh bột của chúng tôi đã thu mua trên 20 ngàn tấn sắn nguyên liệu cho bà con nông dân và đã chi trả khoảng 48 tỷ đồng. Đó là nhờ vào chính sách kịp thời của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19".

Hết "căng thẳng, chao đảo"

Quảng Bình bị dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất. Tại thời điểm cao nhất, toàn tỉnh có trên 1.600 người bị nhiễm Covid-19. Nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh phải thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị 15, 16 để đảm bảo phòng chống dịch.

Đó cũng là thời điểm nông dân Quảng Bình bước vào thu hoạch sắn nguyên liệu để cung cấp cho 2 nhà máy chế biến trên địa bàn.

Thu mua sắn nguyên liệu tại nhà máy thuộc Công ty CP FOCOCEV Quảng Bình. Ảnh: T.P.

Thu mua sắn nguyên liệu tại nhà máy thuộc Công ty CP FOCOCEV Quảng Bình. Ảnh: T.P.

Niên vụ năm nay, Quảng Bình trồng trên 6.300ha sắn nguyên liệu với giống KM 94. Dù đã qua niên vụ thu hoạch cả tháng mà vẫn chưa thu hoạch được làm cho người trồng sắn đứng ngồi không yên.

Theo ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Bình, do ảnh hưởng của việc phòng chống dịch Covid-19 nên 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tạm dừng hoạt động.

"Khi đó, mưa lớn do ảnh hưởng bão số 5 nên nhiều diện tích sắn nguyên liệu bị ngập khiến cho bà con nông dân càng lo lắng khi không kịp thu hoạch sắn sẽ bị thối củ, mất năng suất, thậm chí để lâu có thể mất trắng.

Toàn tỉnh có trên 1.000ha diện tích sắn nằm trong vùng thấp trũng. Mặt khác, nếu chậm trễ việc thu hoạch sắn thì hệ quả kéo theo làm ảnh hưởng lớn đến triển khai sản xuất vụ đông xuân đang cận kề”, ông Tứ chia sẻ thêm.

Huyện Bố Trạch là địa phương có diện tích sắn nguyên liệu đứng đầu tỉnh Quảng Bình với diện tích gần 4.000ha. Nếu như những niên vụ trước thì vào cuối tháng 8, những diện tích thấp trũng, ven sông, suối sẽ được thu hoạch sớm để tránh bị ngập làm ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất.

Tuy nhiên, trong điều kiện huyện Bố Trạch đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, việc thu hoạch, tiêu thụ sắn sẽ càng gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình và đoàn công tác đã có chuyến thực tế ở các địa phương và các nhà máy để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Sau đó, Chủ tịch tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các địa phương liên quan và lãnh đạo 2 nhà máy nhanh chóng có kế hoạch tái sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” (sản xuất, cách ly, ăn uống tại chỗ) mà Chính phủ đã chỉ đạo.

"Cần ưu tiên tiêm vacxin và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho lực lượng lao động ở 2 nhà máy sớm nhất để trong vòng 3 ngày các nhà máy đi vào hoạt động thu mua sắn nguyên liệu cho bà con”, ông Trần Thắng chỉ đạo.

Các cơ quan chức năng ở Quảng Bình đã hỗ trợ các doanh nghiệp về nhiệm vụ phòng chống dịch và sớm đi vào sản xuất. Sở Y tế cũng đã hỗ trợ tiêm vacxin, xét nghiệp PCR cho người lao động và kiểm tra việc đáp ứng phương án "3 tại chỗ" ở các doanh nghiệp. Sau đó, tỉnh đã đồng ý cho các nhà máy đi vào hoạt động.

Nhà máy Long Giang Thịnh phấn đấu đẩy mạnh sản xuất đạt hiệu quả cao đến cuối năm. Ảnh: Tâm Phùng.

Nhà máy Long Giang Thịnh phấn đấu đẩy mạnh sản xuất đạt hiệu quả cao đến cuối năm. Ảnh: Tâm Phùng.

Tại nhà máy thuộc Công ty CP FOCOCEV Quảng Bình, với số lượng lao động gần 100 người, lãnh đạo công ty tính toán giữ lại khoảng 50 lao động để có thể đảm bảo sản xuất. Công ty cũng chuẩn bị cơ sở vật chất để đảm bảo giãn cách trong sản xuất, ăn uống và chỗ nghỉ của người lao động và triển khai ngay việc lấy mẫu xét nghiệm định kỳ.

Theo đó, cứ 3 ngày thực hiện test nhanh, riêng PCR đã làm 2 lần/tuần. Khi đi vào hoạt động, nhà máy chia làm 2 ca thay vì 3 ca như trước đây. Để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho công nhân, nhà máy bố trí ăn nghỉ phòng bệnh để người lao động an tâm sản xuất.

"Gần 7 tuần giữ được an toàn, giữ được sản xuất, đến hôm nay, thực sự trong lòng rất mừng. Cả lãnh đạo và người lao động đều đã rất bình tĩnh, yên tâm, không còn thấy căng thẳng và chao đảo như những ngày đầu thực hiện”, ông Hoàng Quốc Vương, Giám đốc Công ty chia sẻ.

Thu mua giá cao

Theo Tiến sỹ Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch, nhờ các nhà máy chế biến tinh bột sắn hoạt động trở lại sớm nên bà con nông dân rất phấn khởi. Ngoài việc sắn được mùa, được giá thì việc thu hoạch đúng thời gian đã hỗ trợ, thúc đẩy cho nhiệm vụ triển khai vụ đông xuân tới.

Gia đình ông Võ Văn Khánh (xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch) đang thu hoạch sắn. Nhà ông có hơn 2 ha sắn đã thu hoạch gần xong. Phần diện tích còn lại đang thu hoạch dần để lấy giống cho vụ sau.

Ông Khánh vừa cho biết khi dịch bùng phát, nhà máy không hoạt động thì tư thương ép giá chỉ còn 17 (1,7 triệu đồng/tấn) và chỉ mua nhỏ giọt. Vì vậy bà con quá lo lắng.

"Nhưng sau đó, các nhà máy đi vào hoạt động thu mua cho bà con với giá cao hơn nhiều nên ai cũng phấn khởi vì có lãi lớn. Nay nhiều diện tích thu hoạch xong, bà con đã tranh thủ làm đất để xuống giống vụ mới", ông Khánh hồ hởi nói thêm.

Các nhà máy chế biến nông sản vào hoạt động giúp cho nông dân Quảng Bình ổn định và phát triển sản xuất trong vụ đông xuân. Ảnh: Tâm Phùng.

Các nhà máy chế biến nông sản vào hoạt động giúp cho nông dân Quảng Bình ổn định và phát triển sản xuất trong vụ đông xuân. Ảnh: Tâm Phùng.

Chúng tôi cũng đến nhà máy tinh bột Long Giang Thịnh. Ô tô tải lớn nối nhau chở sắn nguyên liệu vào cổng. Ông Lê Văn Thơ, Giám đốc nhà máy cũng cho biết, sau khi được sự quan tâm của tỉnh và các cơ quan chức năng, nhà máy khẩn trương thực hiện các thủ tục để đi vào hoạt động.

Đến nay, nhà máy đã thu mua gần 10 ngàn tấn sắn nguyên liệu cho nông dân trên địa bàn. Giá mua dao động từ 2 triệu - 2,5 triệu đồng/tấn tùy vào hàm lượng tinh bột. Sản phẩm tinh bột sắn của nhà máy chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc và bán trên thị trường nội địa.

Ông Thơ bày tỏ: "Việc hỗ trợ của Chính phủ và các ban ngành đã tạo được động lực lớn cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Duy trì và ổn định hoạt động của nhà máy trong dịch cũng đã góp phần vào thúc đẩy nông nghiệp phát triển, mang lại thu nhập cho nông dân”.

Cũng theo ông Lê Văn Thơ, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như vay vốn, giảm thuế thuê đất hay hỗ trợ người lao động đã có tác động tốt đến hoạt động của doanh nghiệp nói chung.

"Riêng nhà máy, chúng tôi phấn đấu từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ tập trung sản xuất và xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc đạt trên 6 ngàn tấn sản phẩm", ông Thơ cho hay.

Doanh nghiệp và người lao động vay lãi suất 0%

Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Bình đã triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó do đại dịch Covid-19.

Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Bình đã triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó do đại dịch Covid-19.

Nghị quyết số 126 của Chính phủ đã bãi bỏ điều kiện doanh nghiệp không có nợ xấu mới được vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Theo đó, đối với cho vay trả lương ngừng việc: người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay.

Đối với cho vay trả lương phục hồi sản xuất: Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia bảo hiểm xã hội buộc theo thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Bình đã thực hiện cho 32 doanh nghiệp và 1.500 người lao động vay với tổng số tiền trên 5,5 tỷ đồng.

Tâm Phùng

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.