| Hotline: 0983.970.780

Trồng lúa giảm phát thải - mô hình đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam

Góc nhìn đa chiều về chuyển đổi mô hình

Thứ Ba 18/04/2023 , 06:00 (GMT+7)

Các doanh nghiệp, chuyên gia và lãnh đạo một số tỉnh vùng ĐBSCL góp ý kiến về thực hiện chuyển đổi canh tác lúa truyền thống sang giảm phát thải khí nhà kính.

Thúc đẩy liên kết 3 bên

Bài liên quan

Nông dân, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp là những chủ thể chính trong quá trình thực hiện chuyển đổi nền nông nghiệp xanh, phát thải thấp ở nước ta thời gian qua. Đặc biệt trong Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”, dự án được đánh giá làm thay đổi toàn diện ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung, hướng tới các tiêu chuẩn về tăng trưởng xanh, vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cho biết, thời gian qua, nông dân rất phấn khởi tham gia các chương trình canh tác lúa thân thiện môi trường, giảm phát thải. Với sự quyết liệt của Bộ NN-PTNT “vừa chạy, vừa xếp hàng”, Đề án sẽ nhanh chóng được hiện thực hóa, không còn tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.

Ảnh 1

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: Kim Anh.

Với tâm thế người trong cuộc, ông Thòn cho rằng cần có giải pháp xây dựng và tổ chức liên kết các HTX, bởi đây là mắt xích quan trọng để thực hiện đề án. Chắc chắn trong năm 2024, Tập đoàn Lộc Trời sẽ triển khai đạt 100.000ha canh tác lúa giảm phát thải.

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đánh giá, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng được các mô hình canh tác lúa giảm phát thải trên quy mô rộng lớn. Tiếp nối thành công từ mô hình cánh đồng mẫu lớn mà doanh nghiệp này đã theo đuổi hơn 10 năm qua và đang tiếp tục phát triển tại các tỉnh trong vùng ĐBSCL như Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp…, ông Bình quyết tâm xây dựng các HTX để mở rộng quy mô liên kết.

Ảnh 2

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An. Ảnh: Văn Vũ.

Doanh nhân này xác định, HTX là mắt xích làm cho doanh nghiệp khỏe, là cánh tay nối dài của doanh nghiệp, thành lập được các HTX là cơ sở để tập hợp được bà con nông dân cùng đồng hành để xây dựng vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao, áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, hướng đến giảm phát thải, tạo nên tính bền vững trong chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo của vùng.

PGS.TS Bùi Bá Bổng, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT từng đặt vấn đề: Xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở ĐBSCL và các vùng sản xuất lúa khác trong cả nước có mối quan hệ như thế nào?

Theo ông, vùng ĐBSCL được xác định là vùng lúa chuyên canh trọng điểm quốc gia, việc phát triển sản xuất lúa của vùng theo hướng chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh sẽ tạo sức lan tỏa các giá trị cốt lõi cho các vùng sản xuất lúa khác trong cả nước. Từ đó giúp Việt Nam hình thành vùng lúa gạo bền vững, lâu dài cho tương lai.

Ảnh 3

PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT. Ảnh: Kim Anh.

Bài liên quan

Trên cơ sở thực tiễn sản xuất lúa nhiều năm qua, vùng ĐBSCL đã có nền tảng phát triển rất tốt, với 2 điểm sáng về sự tiến bộ của các giống lúa và hệ thống thủy lợi phục vụ canh tác lúa được đánh giá nổi trội so với các quốc gia trong khu vực.

“Các quốc gia khác có những giống lúa tốt, giá trị cao, nhưng là những giống cổ truyền, năng suất chỉ từ 2,8 - 3 tấn/ha. Việt Nam hiện nay có nhiều giống lúa mới được lai tạo, với ưu điểm thời gian sinh trưởng ngắn, chất lượng tương đương nhưng năng suất lên đến 7 - 8 tấn/ha”, ông Bổng phân tích.

Từ những thành tựu đó, ông Bổng cho biết 4 nhiệm vụ trọng tâm mà vùng ĐBSCL cần thực hiện ngay để chuyển đổi và giữ vững sản xuất lúa theo hướng xanh, phát thải thấp. Trong đó, mối liên kết giữa nông dân trong HTX, giữa doanh nghiệp với HTX và một số tác nhân khác trong chuỗi sản xuất cần được xác định là ưu tiên hàng đầu, tạo ra sức mạnh cho toàn chuỗi liên kết.

Theo ông Bổng, nếu không xây dựng được mối liên kết không thể tạo ra được các cánh đồng lớn, dẫn tới không thể áp dụng các biện pháp canh tác giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời cũng không thể áp dụng công nghệ cao, số hóa và cơ giới hóa đồng bộ. Nếu không làm tốt nhiệm vụ này thì các nhiệm vụ tiếp theo sẽ khó triển khai.

Bên cạnh đó, giải pháp củng cố quy trình sản xuất và các tiêu chuẩn về chất lượng, trong đó có những tiêu chuẩn về tăng trưởng xanh, vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, thị hiếu tiêu dùng cần được quan tâm.

Đảm bảo đa mục tiêu

Tại tỉnh An Giang, cách đây khoảng 10 năm, ngành nông nghiệp tỉnh đã bắt tay với Tập đoàn Lộc Trời thí điểm xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Hiện nay, sản xuất lúa gạo gắn với tăng trưởng xanh nhận được sự quan tâm rất lớn ở vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng, mong muốn tạo ra thương hiệu cho lúa gạo ĐBSCL.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh, tỉnh quyết tâm đồng hành cùng với Bộ NN-PTNT thực hiện chuyển đổi hiệu quả sản xuất lúa sang hướng các bon thấp, tăng trưởng xanh, nhất là Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao.

Ảnh 4

Tỉnh An Giang mong muốn tạo ra thương hiệu cho lúa gạo vùng ĐBSCL thông qua việc canh tác giảm phát thải. Ảnh: Kim Anh.

Những bước đi tiếp theo của địa phương này là thực hiện quy hoạch lại đồng ruộng để giảm chi phí, có như thế mới hướng đến giảm được phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa. Hiện nay, việc ứng dụng cơ giới hóa tại tỉnh An Giang đã đạt 100% ở một số khâu thu hoạch, làm đất, tưới tiêu, sấy.

Ông Thư cho biết, mục tiêu của tỉnh trong thời gian tới là lấy thu nhập của nông dân làm thước đo. Từ đó đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ nông dân áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật canh tác bền vững, thân thiện môi trường để giảm chi phí từ 500 - 1.000 đồng/kg lúa.

“Sản xuất lúa thân thiện với môi trường, thích ứng BĐKH, là phải nghĩ tới chuyện một ngày nào đó, cánh đồng lúa trở thành một địa điểm để khách du lịch tới tham quan. Trong cánh đồng phải có những ao trữ ngọt, bảo tồn đa dạng sinh học, hướng tới giảm phát thải”, ông Thư bày tỏ lạc quan.

Những năm gần đây sản xuất lúa tại tỉnh Hậu Giang cũng có bước phát triển mạnh. Cơ cấu giống lúa gieo trồng trong tỉnh Hậu Giang có sự dịch chuyển đáng kể, giảm dần nhóm chất lượng thấp như IR50404 sang các nhóm giống lúa chất lượng cao như OM5451, OM18, Jasmin 85, Đài Thơm 8, ST24. Hiện nay nhóm giống lúa chất lượng cao của tỉnh đạt trên 95% trên tổng diện tích gieo trồng, phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, trước thách thức BĐKH, vật tư đầu vào tăng cao, thời gian qua tỉnh đã xây dựng các mô hình canh tác bền vững theo các quy trình tiên tiến, thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao được chất lượng và giá trị của hạt lúa. Địa phương cũng đã hình thành được nhiều tổ chức kinh tế hợp tác đại diện cho nhiều nông dân thực hiện các hợp đồng kinh tế có tính pháp lý và bền vững.

Ảnh 5

Dự án VnSAT đã giúp sản xuất lúa của tỉnh Hậu Giang giảm trên 176.000 tấn phát thải khí nhà kính. Ảnh: Kim Anh.

Đặc biệt, sau Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) bà con nông dân trên địa bàn tỉnh thụ hưởng được nhiều đầu tư về hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà kho, nâng cao năng lực sản xuất, bảo tồn sinh thái trên đồng ruộng. Qua tổng kết, Dự án VnSAT đã giúp sản xuất lúa của tỉnh Hậu Giang giảm trên 176.000 tấn phát thải khí nhà kính.

Ông Thanh nhấn mạnh đây là điều đáng phấn khởi, chứng minh hiệu quả từ việc tiếp cận công nghệ và sự thay đổi tư duy, nhận thức của người dân. Đặc biệt là trong yêu cầu sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH.

Riêng đối với Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đánh giá, không chỉ hướng đến hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập cao cho người nông dân mà còn phải đảm bảo đa mục tiêu, thích ứng BĐKH, giảm phát thải do canh tác lúa gây ra, góp phần chuyển đổi tư duy sản xuất từ nâng cao chất lượng, tạo giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho các tỉnh vùng ĐBSCL.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội chuyển rét từ ngày mai

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Hà Nội chuyển rét, nhiệt độ thấp nhất ở mức 18 độ C. Gió Đông Bắc mạnh cấp 2-3, nhiều nơi có mưa rào rải rác.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.