| Hotline: 0983.970.780

Trồng lúa giảm phát thải - mô hình đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam

Nở rộ mô hình, vun đầy hy vọng

Thứ Sáu 14/04/2023 , 06:20 (GMT+7)

Tại vùng ĐBSCL, hàng loạt các dự án triển khai mô hình canh tác lúa giảm phát thải ra đời và nhận được sự đón nhận, tham gia nhiệt tình từ bà con nông dân.

VnSAT giảm phát thải khí nhà kính gần 1,5 triệu tấn CO2e

Lúa gạo là mặt hàng nông nghiệp quan trọng của Việt Nam, thế nhưng đây cũng là ngành hàng chiếm 48% lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí thải mê-tan, tương đương với lượng phát thải khoảng 49,6 triệu tấn CO2e (khí gây hiệu ứng nhà kính) mỗi năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, bao gồm sử dụng nước kém hiệu quả, mật độ gieo sạ cao, tỷ lệ bón phân chưa hiệu quả, hay ở khâu thu hoạch việc quản lý rơm rạ chưa đúng cách cũng dẫn đến phát thải khí nhà kính ra môi trường.

Ảnh 1

Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp Bền vững ở Việt Nam (VnSAT) đã đưa các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào thí điểm và thực hiện thành công trên 184.000ha lúa ở khu vực ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Bài liên quan

Dựa trên những ước tính thận trọng từ Ngân hàng Thế giới, việc cải thiện quản lý nước và tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón và thuốc trừ sâu có thể giúp người nông dân quy trì hoặc tăng sản lượng từ 5 - 10%. Đồng thời giảm chi phí đầu vào từ 20 - 30%, từ đó gia tăng lợi nhuận ở mức khoảng 25%. Quan trọng hơn, những cải tiến về kỹ thuật sẽ giúp cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính lên tới 30%.

Từ năm 2013, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định 935 phê duyệt đề cương thực hiện nhiệm vụ xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính bằng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước. Trong đó, Bộ NN-PTNT đã giao cho Trường Đại học Thủy lợi xây dựng và theo dõi mô hình canh tác tại 2 vùng lựa chọn, trong đó có “cánh đồng mẫu lớn ” tại tỉnh Sóc Trăng.

Bà con nông dân khi tham gia mô hình sẽ được tập huấn kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính, tiếp cận thị trường các bon, phương pháp quản lý nước tiết kiệm trên đồng ruộng, tập huấn ghi sổ theo dõi chi phí sản xuất… Từ đó có các giải pháp nhân rộng mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính bằng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước.

Nối tiếp sau đó là hàng loạt các chương trình, dự án, mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính thí điểm tại Việt Nam đồng loạt được triển khai, với mục tiêu giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, gia tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích sản xuất.

Trong khuôn khổ Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp Bền vững ở Việt Nam (VnSAT) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, triển khai từ năm 2015 - 2022, những giải pháp kỹ thuật tiên tiến đã được đưa vào thí điểm và thực hiện thành công trên 184.000ha lúa ở khu vực ĐBSCL.

Ảnh 4

Sản xuất lúa theo quy trình các bon thấp giúp nông dân gia tăng năng suất, lợi nhuận tăng khoảng 5 triệu đồng/ha so với cách làm truyền thống. Ảnh: Kim Anh.

Dự án đã hỗ trợ hơn 240.000 nông dân trồng lúa áp dụng phương pháp tưới ướt khô xen kẽ và 1 phải 5 giảm. Nông dân trồng lúa đã giảm được chi phí đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước, giảm thất thoát sau thu hoạch từ 20 - 30%, tăng năng suất lúa từ 3 - 4%, tăng giá bán từ 5 - 10%, từ đó lợi nhuận thu được cũng tăng khoảng 28%.

Đặc biệt, theo kết quả đánh giá từ Ngân hàng Thế giới, Dự án VnSAT đã giúp giảm phát thải khí nhà kính gần 1,5 triệu tấn CO2e.

Tại tỉnh Hậu Giang, với sự hỗ trợ về kỹ thuật từ Dự án VnSAT, nông dân trong tỉnh đã chú trọng rất nhiều đến việc cân đối lượng giống gieo sạ. Từ con số 180 - 200 kg/ha những ngày đầu tham gia dự án, đến cuối năm 2022, lượng giống gieo sạ phổ biến của nông dân trong vùng dự án chỉ còn 80 - 100 kg/ha.

Từ thành công của Dự án VnSAT, ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu giang cho biết, tỉnh đã tích hợp những nội dung của dự án trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Đề án phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu với kinh phí hơn 600 tỷ đồng, không chỉ hỗ trợ cho các HTX lúa gạo mà tỉnh còn thí điểm mở rộng ra một số lĩnh vực cây ăn trái, thủy sản.

Sản xuất lúa các bon góp phần giảm 25% tỷ lệ phát thải khí nhà kính

Với tổng vốn đầu tư 7 triệu Euro từ chính phủ Đức, Dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh - GIC triển khai từ năm 2021 - 2024 đang được các hợp tác xã (HTX) ở 6 địa phương vùng ĐBSCL nhiệt tình tham gia, bao gồm An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng.

Mục tiêu dự án hướng đến là cải tiến hệ thống canh tác lúa theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, tăng cường khả năng thích nghi và chống chịu trước các tác động biến đổi khí hậu cho các HTX vùng ĐBSCL.

Ảnh 2

Bà con nông dân lấy mẫu lúa để đánh giá hiệu quả mô hình canh tác lúa các bon thấp. Ảnh: Văn Vũ.

Tại TP Cần Thơ, dự án đã triển khai 3 mô hình trình diễn sản xuất lúa các bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính tại hai huyện Thới Lai và Vĩnh Thạnh, trên diện tích 15ha. Các mô hình thực hiện theo tiêu chuẩn SRP, sử dụng biện pháp tưới tiêu chủ động, quản lý nước theo phương pháp tưới ngập khô xen kẽ, chủ động thu gom rơm rạ.

Đặc biệt, lượng lúa giống gieo sạ với mật độ khoảng 100 kg/ha, chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học trong quá trình canh tác. Bên cạnh đó, bà con nông dân thường xuyên thăm đồng để phát hiện và phòng ngừa sâu bệnh, đồng thời kết hợp ghi chép sổ nhật ký.

Anh Dương Văn Siêu, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Thuận Thắng ở xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, một trong những HTX đang tham gia sản xuất lúa các bon thấp chia sẻ, vụ đông xuân 2022 - 2023, năng suất lúa HTX thu được khoảng 8 - 10 tấn/ha, chi phí sản xuất giảm khoảng 50% so với vụ đông xuân trước, kéo theo lợi nhuận tăng khoảng 5,6 triệu đồng/ha.

Ảnh 3

Các mô hình canh tác lúa giảm phát thải, thân thiện với môi trường đang được triển khai mạnh ở TP Cần Thơ. Ảnh: Văn Vũ.

Bên cạnh đó, khi tham gia mô hình, bà con được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa an toàn, dần thay đổi thói quen sạ dày, cũng như hạn chế số lần phun thuốc. Từ đó nâng cao lợi nhuận, bảo vệ sức khỏe và môi trường, hạn chế gây ra tác động hiệu ứng nhà kính.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Trưởng ban quản lý Dự án GIC TP Cần Thơ đánh giá, các mô hình sản xuất lúa các bon thấp hướng bà con nông dân trên địa bàn chuyển đổi sản xuất từ canh tác 3 vụ lúa/năm, giảm còn 2 vụ lúa/năm và xen 1 vụ trồng rau màu khác. Thông qua việc thu mẫu và xác định sản lượng lúa trong vụ đông xuân 2022 - 2023, ngành nông nghiệp thành phố nhận định, các mô hình sản xuất lúa các bon thấp đã góp phần giảm 25% tỷ lệ phát thải khí nhà kính. Từ đó, trong năm 2023, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ sẽ tiếp tục nhân rộng thêm 6 mô hình, tại các huyện sản xuất lúa trọng điểm của thành phố.

Thống kê từ Ban Quản lý Dự án GIC tại Việt Nam, dự án đang tiến hành đào tạo các kỹ thuật SRP (các bon thấp, giảm phát thải), Organic, MRL/IPM cho gần 11.000 nghìn hộ nông dân, tại 44 mô hình thí điểm ở 6 tỉnh dự án đang triển khai.

HTX Kênh 5A ở xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, có tổng số 252 thành viên chuyên sản xuất lúa. HTX được xây dựng trên quy mô toàn ấp với 12 đội sản xuất, bình quân mỗi đội có từ 22 - 27 thành viên và 1 câu lạc bộ khuyến nông để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Trong vụ đông xuân 2022 - 2023 vừa qua, với sự hỗ trợ từ Dự án GIC, HTX có điều kiện đầu tư xây dựng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP trên quy mô 39,5ha, ứng dụng máy bay nông nghiêp trong bón phân, phun thuốc.

Ông Đỗ Văn Luông, Giám đốc HTX Kênh 5A cho biết, khi tham gia mô hình, HTX áp dụng gieo sạ với mật độ 100 - 120 kg/ha, quản lý nước theo quy trình ngập khô xen kẽ, sử dụng phân bón hóa học kết hợp với hữu cơ theo nguyên tắc cân đối dinh dưỡng.

Kết quả đánh giá cuối vụ thu hoạch, ông Luông phấn khởi cho biết, khi sản xuất theo quy trình SRP, các bon thấp, lượng phân bón hóa học đã giảm được từ 40 - 54%, giảm 50% số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Theo tính toán của ông Luông, tổng chi phí đầu tư khi sản xuất lúa theo quy trình giảm phát thải thấp hơn so với canh tác truyền thống khoảng 3,3 triệu đồng/ha, năng suất lúa tăng 270 kg/ha, từ đó lợi nhuận cũng tăng khoảng 5 triệu đồng/ha so với cách làm truyền thống của bà con nông dân.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai dự án chống ngập TP.HCM về đích

Ngày 27/4, nhân kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, UBND thành phố Thủ Đức tổ chức khánh thành 2 dự án chống ngập sau nhiều năm chật vật thi công.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm