| Hotline: 0983.970.780

Gỏi gà măng cụt xanh ngon thế nào mà bỗng dưng nổi đình nổi đám?

Thứ Năm 25/05/2023 , 16:12 (GMT+7)

BÌNH DƯƠNG Nhờ lạ vị, thanh miệng và bổ dưỡng, món gỏi gà măng cụt xanh đang 'làm mưa làm gió' trên mạng xã hội lẫn các nhà vườn cũng như các nhà hàng, quán ăn.

Từ món ăn bình dị đến “trend” bùng nổ

Gỏi gà măng cụt xanh không phải là món ăn xa lạ của người người dân Bình Dương nói chung. Thực tế, đây là “đặc sản” tại hàng quán hoặc mỗi khi khách du lịch đến tham quan các nhà vườn tại Lái Thiêu (Bình Dương) vào khoảng tháng 4 - 5 hàng năm.

Bà Nguyễn Thị Thạnh (67 tuổi, ngụ tại xã An Sơn, thị xã Thuận An, Bình Dương) cho biết, từ bé đã được cha mẹ làm cho ăn món gỏi gà măng cụt xanh. Hồi kinh tế còn khó khăn thì nó chỉ được chế biến khi nhà có dịp quan trọng, dần về sau phổ biến dần như món ăn trong bữa cơm hàng ngày.

“Vị chua, thanh miệng, dễ tiêu hóa nên con cô nó khoái lắm. Cứ vào mùa, trái măng cụt mà già là cứ phải làm vài đĩa để đỡ thèm”, bà Thạnh cho hay.

Gỏi gà măng cụt xanh đang nổi đình nổi đám trên các trang mạng xã hội. Ảnh: Lê Bình.

Gỏi gà măng cụt xanh đang nổi đình nổi đám trên các trang mạng xã hội. Ảnh: Lê Bình.

Bài liên quan

Những ngày gần đây, món ăn bình dị ấy của người Bình Dương lại bỗng trở thành “trend” (trào lưu, xu hướng) với lượng tìm kiếm, chia sẻ "khủng" trên các mạng xã hội. Nhiều video, bài viết đạt lượng tiếp cận hàng triệu view (lượt xem).

Là một KOL trên nền tảng Tiktok, Hoài Thịnh (TP.HCM) cho biết nhờ nắm bắt xu hướng và kịp thời review món gỏi gà măng cụt xanh mà nhiều video của cô có lượng view "khủng", nhiều khách hàng tiếp tục đặt hàng.

“Thật không ngờ video của em có lượng view khủng đến vậy. Nó gấp 5 - 6 lần những video về món ăn khác. Nhiều người chưa có cơ hội thưởng thức món ăn này cứ thúc giục em tiếp tục review hoặc hướng dẫn cách làm. Nhờ những video

Bài liên quan

có lượng view ổn đó mà em có cơ hội tiếp cận với nhiều nhãn hàng hơn”, Hoài Thịnh hào hứng chia sẻ.

Hỏi về cách chế biến và bí quyết để “dậy mùi vị" của món gỏi gà măng cụt xanh, chị Trương Thị Huyền (xã An Sơn, thị xã Thuận An) cho biết món ăn này giống như các món gỏi khác, đậm phong cách miền Nam. Các nguyên liệu đơn giản gồm gà ta, măng cụt xanh, hành tây, rau răm, ớt, chanh… Tuy nhiên, hương vị của món ăn này mới thật sự đáng bàn.

“Gỏi gà măng cụt xanh nó như kết hợp được mùi vị của nhiều món ăn khác như độ chua của gỏi xoài cá sặc, độ giòn của gỏi ngó sen, vị chát chát của gỏi sung… Ngoài ra, bí quyết cũng nằm ở việc nêm ướp nước mắm khi làm gỏi”, chị Huyền cho hay.

Nguyên liệu của món gỏi gà măng cụt xanh phải đảm bảo tiêu chí trái măng cụt to, già, chưa điểm chín và được gái bằng tay, sát cuống để không ảnh hưởng đến mùa vụ năm sau. Ảnh: Lê Bình.

Nguyên liệu của món gỏi gà măng cụt xanh phải đảm bảo tiêu chí trái măng cụt to, già, chưa điểm chín và được gái bằng tay, sát cuống để không ảnh hưởng đến mùa vụ năm sau. Ảnh: Lê Bình.

Theo cảm nhận của tiktoker Hoài Thịnh, tính thời vụ và sự tò mò của người dùng mạng xã hội cũng là “công thức” khiến cho món gỏi gà măng cụt xanh trở nên “hot” đến như vậy.

Hoài Thịnh phân tích: “Nếu một món ăn mùa nào cũng có thì đâu làm người ta thèm. Xưa nay, mọi người chỉ nghe đến trái măng cụt chín mọng, chứ mấy ai được thưởng thức trái xanh nó như thế nào. Một đồn mười, mười đồn một trăm…, nhất là trên mạng xã hội nữa thì chính trái măng cụt cũng không hiểu nổi vì sao mình nổi tiếng chứ đừng nói đến người dân”, Hoài Thịnh hài hước.

Không có chuyện "gỏi gà măng cụt gây ngộ độc"

Ngoài độ "hot" của món gỏi gà măng cụt xanh thì món ăn này cũng mang đến thông tin trái chiều. Trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng việc ăn măng cụt xanh còn nhựa kèm theo gia vị (trong đó có đường) sẽ gây phản ứng hoá học tạo thành độc tố, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng?

Trước ý kiến này, anh Trần Thế Hậu, chủ vườn măng cụt tại khu vực Cầu Ngang, thị xã Thuận An (Bình Dương) rất bức xúc. Anh Hậu cho biết vườn nhà anh đến nay đã 3 đời, rất nhiều người dùng măng cụt xanh để kết hợp với món ăn hoặc ăn sống với muối, đường mà chưa bị vấn đề gì.

"Nếu có ngộ độc, sao mấy chục năm nay nhà tôi ăn hoài mà không ai bị sao? Nếu có ngộ độc hay nguy hiểm đến tính mạng thì dân ở đây đã bị rất nhiều rồi. Nông dân đã khổ rồi, làm ơn đừng ác ý, tội người làm nông lắm", anh Hậu nói.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đưa thắc mắc này nhờ bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Thị Kim Loan (Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) nhờ giải đáp. Bác sĩ Loan cho biết: Chưa có tài liệu chứng minh việc ăn măng cụt xanh với đường cát gây ngộ độc. Rất có thể những người đưa ý kiến bàn luận này đang theo tính tương kị của thực phẩm mà bị nhầm lẫn với việc cơ chế gây ngộ độc.

Chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy việc ăn trái măng cụt xanh với đường cát hoặc chế biến thành thức ăn sẽ gây ngộc độc. Ảnh: Lê Bình.

Chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy việc ăn trái măng cụt xanh với đường cát hoặc chế biến thành thức ăn sẽ gây ngộc độc. Ảnh: Lê Bình.

"Ngược lại, quả măng cụt là loại trái cây rất bổ dưỡng, có nhiều chất dinh dưỡng, giàu chất xơ, vitamin tốt cho sức khỏe. Dù ăn chín hay ăn xanh với cách chế biến khác nhau, trái măng cụt cũng đầy lợi ích. Măng cụt còn có tác dụng giảm mỡ, hỗ trợ người bị cholesterol máu cao, mỡ máu cao, có vấn đề về tim mạch. Trong đông y, vỏ măng cụt còn dùng làm một trong những nguyên liệu để chế ra thuốc giảm béo", bác sĩ Kim Loan phân tích.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam - bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp cũng quả quyết, việc "đổ lỗi" cho măng cụt xanh là quan điểm thiếu căn cứ khoa học.

Tuy nhiên, bác sĩ Diệp cũng khuyến cáo nên ăn măng cụt chín hơn trái vẫn còn xanh vì giá trị dinh dưỡng cao hơn. "Đặc biệt, người có vấn đề về dạ dày cũng nên hạn chế ăn chua để tránh kích ứng những cơn đau dạ dày không cần thiết. Và ở mọi đối tượng, chúng ta cũng chỉ nên ăn vài bữa một tuần để cảm nhận độ ngon và cơ thể sẽ hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn", bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp khuyên.

Hướng đi mới cho nông sản Việt

Dù đã cuối mùa măng cụt nhưng nhiều nhà vườn tại Bình Dương còn khá e dè trong việc có nên hái bán trái xanh không. Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Dương cũng có hướng dẫn kĩ thuật để việc hái trái măng cụt xanh ít ảnh hưởng đến mùa vụ năm sau.

Mỗi ngày, anh Hiệp chỉ hái khoảng 10kg măng cụt xanh đúng kĩ thuật để bán cho các thương lái. Ảnh: Lê Bình.

Mỗi ngày, anh Hiệp chỉ hái khoảng 10kg măng cụt xanh đúng kĩ thuật để bán cho các thương lái. Ảnh: Lê Bình.

Từ đầu vụ đến nay, mỗi ngày vườn măng cụt của anh Trần Công Hiệp (ấp Phú Hưng, xã An Sơn, thị xã Thuận An) đều bán khoảng 10 - 15kg măng cụt xanh. Anh Hiệp cho biết, mặc dù cũng lo sợ cho năng suất năm sau nhưng thực tế cho thấy, nếu thu hoạch đúng kĩ thuật và hiểu sự sinh trưởng của cây măng cụt thì cũng không cần quá lo.

“Thứ nhất, trái măng cụt làm gỏi thì cần trái phải lớn mới có thể làm gỏi. Thứ hai, khi hái măng cụt xanh thì nên chủ động hái bằng tay, không được dùng móc hoặc tác động mạnh làm gãy cành khiến cây chảy mủ nhiều, mất đọt… Thứ ba, lượng măng cụt xanh thu hoạch mỗi ngày không nên quá nhiều”, anh Hiệp phân tích.

Nhờ "trend" gỏi gà măng cụt xanh, nhiều hàng quán cũng đang hoạt động hết công suất. Nhiều quán ăn có bán gỏi gà măng cụt xanh tại TP.HCM như Linh Food & Beer (đường Kinh Dương Vương, Quận 6), Gà Thái Tuấn (Cầu chữ Y, Quận 8)… thời gian này đang tất bật phục vụ khách từ sáng tới khuya. Shipper cũng luôn trong tình trạng “xếp hàng” ở những quán này, chủ yếu là đợi món gỏi gà măng cụt xanh.

'Trend' măng cụt xanh là một minh chứng cho hướng đi chủ động của nông dân trong cung cấp, định hướng tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Lê Bình.

"Trend" măng cụt xanh là một minh chứng cho hướng đi chủ động của nông dân trong cung cấp, định hướng tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Lê Bình.

Ông Đỗ Ngọc Huy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương cho biết, mặc dù biết xu hướng dùng món gỏi gà măng cụt xanh có thể không kéo dài được nhiều nhưng đây là tín hiệu lạc quan đối với nông sản Việt.

Lấy dẫn chứng với ngành nông nghiệp Trung Quốc, ông Huy cho rằng, bà con có thể chủ động tìm ra hướng tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa, không bị động tìm đầu ra hoặc tâm lý chờ "giải cứu".

“Nông dân Trung Quốc họ trồng hoa màu và tự livestream bán nông sản trên chính vườn của mình. Họ tự làm ra xu hướng, tự định hướng nhu cầu tiêu thụ của người dân bản địa. Đây là hướng đi rất hay mà nông dân Việt Nam đáng học hỏi. Nhiều nông dân của mình cũng đang làm điều này rất tốt trên nền tảng tiktok, youtube, facebook như: Anh Nông Dân, Mật Hoa Dừa… Họ đã làm được, vậy những người khác tại sao lại không?”, ông Huy bày tỏ.

Lái Thiêu là địa phương trồng măng cụt lớn nhất Đông Nam Bộ, tập trung chủ yếu tại Thuận An với 661ha, chiếm hơn 53,3% diện tích vườn cây ăn trái của Bình Dương. Măng cụt Lái Thiêu cũng là nông sản được tôn vinh bằng hàng loạt chứng nhận, giải thưởng giá trị.

Năm 2012, măng cụt Lái Thiêu được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam, Hiệp hội Trái cây Việt Nam và Cục Sở hữu trí tuệ đưa vào top 50 loại trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam. Năm 2013, măng cụt Lái Thiêu đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.