Làm ‘sống dậy’ thương hiệu nức tiếng măng cụt Lái Thiêu. Tri thức trồng, chế biến chè Tân Cương là di sản văn hóa phi vật thể. Đồng Nai Kratie thu hoạch hơn 7.000 tấn cao su tại Campuchia mỗi năm. Thâm canh lúa cải tiến SRI tiết kiệm 2 - 3 lần tưới nước/vụ.
LÀM ‘SỐNG DẬY’ THƯƠNG HIỆU NỨC TIẾNG MĂNG CỤT LÁI THIÊU
Sau 3 năm tạm hoãn vì dịch Covid-19, tối 22/5, Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín năm 2023 chính thức khai mạc tại Khu vực cầu Ngang, P. Hưng Định, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương từ ngày 22/5 - 28/5/2023. Theo Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Chủ tịch UBND TP. Thuận An, Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín năm 2023 có rất nhiều điểm mới so với những năm trước. Theo đó, thời gian diễn ra lễ hội cũng kéo dài hơn, đến 1 tuần. Bên cạnh các gian hàng trưng bày các sản phẩm cây ăn trái đặc trưng của địa phương như măng cụt Lái Thiêu, dâu xiêm, chôm chôm, gốm sứ… của địa phương, Lễ hội còn bố trí các gian hàng ẩm thực, giới thiệu các cái loại bánh, trái của các tỉnh Đông Nam bộ. Ngoài ra, điểm nhấn của lễ hội năm nay là hàng loạt chương trình mới, hấp dẫn như: ca nhạc đường phố dành cho du khách tham quan giải trí; giải chạy đua marathon quanh các khu vườn cây ăn trái măng cụt Lái Thiêu.... “Lãnh đạo TP. Thuận An rất quan tâm vấn đề tổ chức lễ hội này. Vì đây là lễ hội truyền thống địa phương. Thông qua lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín, TP. Thuận An mong muốn làm sống dậy thương hiệu măng cụt Lái Tiêu đã một thời nức tiếng gần xa, để thu hút đông đảo du khách đến với tỉnh nhà”, bà Hiền khẳng định.
TRI THỨC TRỒNG, CHẾ BIẾN CHÈ TÂN CƯƠNG LÀ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định công nhận danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương”. Được biết, nghề trồng và chế biến chè Tân Cương đã bắt đầu hình thành được khoảng 100 năm nay, với những giá trị đặc sắc. Vùng chè Tân Cương có tổng diện tích hơn 1.300ha, với sản lượng hơn 20 nghìn tấn/năm, tập trung chủ yếu ở 3 xã thuộc thành phố Thái Nguyên là Tân Cương, Phúc Trìu và Phúc Xuân. Vùng chè Tân Cương là khu vực có những điều kiện đặc trưng về thổ nhưỡng, khí hậu, đặc biệt thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của cây chè mà không nơi nào có được. Cùng với việc trải qua hàng trăm năm kinh nghiệm trồng, chế biến chè của người dân đã tạo ra sản phẩm chè đặc biệt, đặc trưng với vị ngon tuyệt hảo mà không nơi nào có thể sánh bằng. Với những ý nghĩa đặc biệt như vậy, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 240/QĐ-BVHTTDL năm 2023, công nhận danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương” cho các xã thuộc vùng chè Tân Cương, thành phố Thái Nguyên. Đây là sự kiện ý nghĩa đối với người dân, góp phần quảng bá chè đặc sản Tân Cương để phát triển kinh tế.
ĐỒNG NAI KRATIE THU HOẠCH HƠN 7.000 TẤN CAO SU TẠI CAMPUCHIA MỖI NĂM
Nhân kỉ niệm 15 năm hình thành và phát triển trên đất nước Campuchia, Công ty Đồng Nai Kratie (Ca ra chê) - thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Đồng Nai, vinh dự nhận nhiều bằng khen, huân chương của Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Ban quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp. Ngài Yim Chhay Ly - Phó thủ Tướng Chính phủ Campuchia, ông Nguyễn Huy Tăng - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam tại Campuchia cũng đến tham dự. Công ty Đồng Nai Kratie có nhiệm vụ trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến và tiêu thụ mủ cao su thiên nhiên tại Vương Quốc Campuchia. Tổng diện tích công ty được giao là hơn 6.500 ha, trong đó diện tích cao su là gần 5.000 ha. Trong năm 2022, sản lượng khai thác đạt hơn 7.000 tấn và nộp ngân sách 11,9 triệu USD. Đại sứ Nguyễn Huy Tăng đánh giá cao kết quả của công ty Đồng Nai Kratie đạt được trong suốt 15 năm qua tại Campuchia. Đồng Nai Kratie không chỉ mang về cho ngân sách Việt Nam nguồn thu lớn mà giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương nước bạn, củng cố tình bằng hữu Việt Nam - Campuchia.
THÂM CANH LÚA CẢI TIẾN SRI TIẾT KIỆM 2 - 3 LẦN TƯỚI NƯỚC/VỤ
Sáng 23/5, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Hà Nội tổ chức Hội nghị đầu bờ Mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI theo hướng hữu cơ vụ xuân 2023 tại xã Đại Cường, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội Được triển khai ở 200 hộ dân với quy mô canh tác khoảng 50ha, đến nay, mô hình đã hoàn thành các nội dung và đạt được một số kết quả nhất định. Theo đó, Hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI theo hướng hữu cơ vụ Xuân 2023 tại xã Đại Cường giúp tiết kiệm 40% lượng giống. Cụ thể, ruộng cấy mô hình SRI lượng giống gieo chỉ cần 0,6kg/sào, thấp hơn 0,4kg/sào so với ruộng ngoài mô hình. Trong bối cảnh việc lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội gặp nhiều khó khăn, áp dụng SRI giúp việc canh tác lúa hữu cơ tiết kiệm 2-3 lần tưới nước/vụ.