Theo UBND TP Thuận An (Bình Dương), Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín là lễ hội thường niên ở địa phương. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 và mất mùa, lễ hội tạm ngừng.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND TP Thuận An cho biết, Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín năm 2023 có rất nhiều điểm mới so với những năm trước. Theo đó, thời gian diễn ra lễ hội cũng kéo dài hơn, đến 1 tuần.
Bên cạnh các gian hàng trưng bày các sản phẩm cây ăn trái đặc trưng như măng cụt, dâu xiêm, chôm chôm, gốm sứ… của địa phương, Lễ hội còn có các gian hàng ẩm thực, giới thiệu các loại bánh, trái của các tỉnh Đông Nam Bộ.
Ngoài ra, điểm nhấn của Lễ hội năm nay có rất nhiều chương trình mới, hấp dẫn như chương trình ca nhạc đường phố dành cho du khách tham quan giải trí; giải chạy đua marathon quanh các khu vườn cây ăn trái. Ngoài ra, Lễ hội còn có hàng chục chương trình văn nghệ, triển lãm văn hóa nghệ thuật của các nghệ nhân Bình Dương và các tỉnh thành khác. Tất cả sẽ làm đa dạng, đa sắc màu cho lễ hội.
Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín nhằm quảng bá hình ảnh vườn cây ăn trái Lái Thiêu, vốn là đặc sản của nông nghiệp Bình Dương đến với du khách. Lễ hội còn là dịp để các địa phương có cơ hội giao lưu, xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế, du lịch sinh thái vườn trên địa bàn Thuận An.
Ghi nhận tại đêm khai mạc, hàng ngàn du khách thập phương đã đến vui chơi, mua sắm. Chị Lê Thị Thảo, nhà ở phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức (TP.HCM) chia sẻ: “Nghe tiếng măng cụt Lái Thiêu từ lâu, năm nay tôi mới biết được Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín và đã đưa cả gia đình đến đây tham quan, thưởng thức và mua về những sản phẩm chính hiệu từ bà con miệt vườn”.
Ông Trần Văn Viễn, Giám đốc HTX nông nghiệp An Sơn (Thuận An, Bình Dương) phấn khởi chia sẻ, cùng với bòn bon, sầu riêng, mít tố nữ..., măng cụt được xem là trái cây đặc sản của vùng Lái Thiêu. Từ lâu, HTX cũng như bà con nơi đây đã sản xuất theo hướng hữu cơ, 100% thành viên HTX có chứng nhận VietGAP, tất cả các sản phẩm của HTX đảm bảo từ khâu kiểm tra về mức độ an toàn nước, đất đến quy trình kỹ thuật canh tác măng cụt, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM...
Đặt biệt, măng cụt Lái Thiêu đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh trong Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam. Trái măng cụt Lái Thiêu đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) công nhận nhãn hiệu tập thể. “Hiện nay, các nhà vườn đang vào vụ thu hoạch, bản thân tôi cũng như nhiều nhà vườn rất háo hức tham gia lễ hội. Đây là cơ hội đẩy mạnh hơn nữa danh tiếng măng cụt Lái Thiêu”, ông Viễn phấn khởi nói.
“Thông qua lễ hội lần này, UBND TP Thuận An mong muốn các ngành chức năng của địa phương tăng cường liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, nhà vườn để làm sống dậy thương hiệu măng cụt Lái Thiêu, chung tay góp sức khôi phục thương hiệu Khu du lịch Cầu Ngang - Lái Thiêu nổi tiếng trước đây.
Để làm được điều đó, lãnh đạo Thành phố kêu gọi các hộ nông dân, nhà vườn luôn nỗ lực để cùng chính quyền duy trì trái cây đặc sản. Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy, phương thức kinh doanh, thân thiện trong phục vụ du khách, xây dựng hình ảnh thân thiện, nhiệt tình trong lòng du khách, từ đó thu hút đông đảo du khách đến với tỉnh nhà …”, Phó Chủ tịch UBND TP Thuận An, bà Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.
“Lãnh đạo TP Thuận An rất quan tâm tổ chức lễ hội này vì đây là lễ hội truyền thống địa phương. Thông qua Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín, TP Thuận An mong muốn làm sống dậy thương hiệu măng cụt Lái Thiêu nức tiếng gần xa để thu hút đông đảo du khách đến với tỉnh nhà”, bà Hiền nói thêm.