| Hotline: 0983.970.780

GS.TS Nguyễn Thanh Long: Quá sớm để nhận định đỉnh dịch nCoV tại Việt Nam

Thứ Tư 05/02/2020 , 15:04 (GMT+7)

"Nguy cơ lây nhiễm nCoV trực tiếp qua không khí rất thấp". GS. TS Nguyễn Thanh Long khẳng định tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp báo cung cấp thông tin dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) gây ra chiều 5/2, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: Chúng ta đã nỗ lực, chủ động phòng chống dịch. Ban chỉ đạo quốc gia 2 ngày họp một lần, thực hiện đồng bộ các biện pháp, hạn chế lây nhiễm tối đa virus Corona. Chúng ta có thể hy sinh một phần lợi ích kinh tế, vì sức khỏe của người dân là vô cùng quan trọng. Chúng tôi mong báo chí đồng hành, chuyển tải nhanh, chính xác thông tin. Từ đó giúp người dân bình tĩnh, cơ quan chức năng yên tâm ứng phó dịch bệnh.
 

Không chỉ bán thuốc, dược sỹ cần tận tình hướng dẫn người dân sử dụng khẩu trang

Ông Đỗ Văn Đông

Ông Đỗ Văn Đông, Cục phó Cục Quản lý dược cho biết, nhiều địa phương đã vào cuộc xử lý, xử phạt các nhà thuốc găm hàng, tăng giá. Cục đang liên hệ nơi cấp giấy phép (Sở Y tế) để quyết định mức độ vi phạm, có rút giấy phép hay không.

Ngoài bán hàng, tại các cơ sở bán thuốc, dược sỹ cần phải tận tình hướng dẫn người dân sử dụng khẩu trang.

Chúng tôi yêu cầu cơ sở bán thuốc không được găm hàng, đẩy giá, hãy cùng chung tay khống chế, phòng trừ dịch bệnh.

Về người dân, hết sức bình tĩnh, thực hiện hướng dẫn ngành y tế. Tránh những hoang mang không đáng có.

Tập huấn 700 đầu cầu cơ sở y tế về phác đồ điều trị

PGS.TS Lương Ngọc Khuê.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - thông tin tại cuộc họp báo: Thứ 7 này (ngày 8/2), Bộ Y tế sẽ tổ chức tập huấn 700 đầu cầu cơ sở y tế (tới tận tuyến huyện) về phác đồ điều trị với phương châm 4 tại chỗ.

Chúng ta đang triển khai đúng phác đồ điều trị. Hôm nay (5/2), Bộ tiếp tục có văn bản chỉ đạo các bệnh viện gửi bệnh án để cập nhật, củng cố phác đồ điều trị.

Lực lượng y, bác sỹ ở BV tuyến Trung ương đã sẵn sàng ứng cứu các địa phương, trực tiếp xuống cơ sở cùng BV tuyến dưới xử lý, điều trị bệnh nhân. Đến nay, không xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế.

Mỗi ngày, Trung Quốc có vài chục người chết do nCoV và nhiều người mắc mới. Tình hình dịch bệnh còn rất căng thẳng. Tại Việt Nam, đã điều trị và xuất viện 3 bệnh nhân. Chính sách cách ly của Việt Nam hiện nay đang được thực hiện rất tốt.
 

Bộ Y tế công bố 'sơ đồ' sử dụng khẩu trang y tế

PGS.TS Trần Đắc Phu.

Tại cuộc họp báo, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch nCoV, cho biết, trong ngày 5/2, Bộ Y tế sẽ công bố “sơ đồ” sử dụng khẩu trang y tế, ai phải đeo, đeo lúc nào, đeo như thế nào.

Tất cả mọi người khi đi đến cơ sở y tế, thăm khám người bệnh nên đeo khẩu trang y tế. Tuyệt đối không sờ vào mặt trong khẩu trang y tế, không chỉ nguy cơ lây nhiễm virus Corona mà còn nhiều loại bệnh khác. Khẩu trang y tế chỉ nên dùng một lần, không sờ tay vào mặt ngoài khi bỏ đi vì tay có thể tiếp xúc virus nếu khẩu trang dính virus.
 

Xây dựng app giúp người dân tự đánh giá tình hình bản thân

Bộ Y tế đang kết hợp với Viettel xây dựng app để có thể giúp người dân tự đánh giá được tình hình của bản thân, nghiên cứu các phương pháp phòng tránh và liên lạc với cơ quan chức năng.

Thời tiết hiện nay đang rất thích hợp cho phát triển của các loại virus, ngoài nCoV còn có cúm mùa, sởi... nên cần tiêm phòng đầy đủ cho trẻ.

Việc Virus corona ảnh hưởng như thế nào tới phụ nữ mang thai, Thứ trưởng Long cho biết, chưa có nghiên cứu về vấn đề này. Kể cả, như tỷ lệ trẻ em bị nhiễm ít hơn người lớn, Bộ cũng chỉ ghi nhận chứ chưa có nghiên cứu cụ thể.
 

Sẽ không tái nhiễm nCoV trong khoảng 2 năm sau khi khỏi bệnh

Nữ lễ tân ở Khánh Hòa dương tính với nCoV đã khỏi bệnh và được xuất viện chiều 4/2.

Trả lời câu hỏi về thời gian làm xét nghiệm cho 1 trường hợp mất bao lâu, người khỏi có tái nhiễm không, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết:

Với phương pháp xét nghiệm hiện nay, toàn bộ quy trình nhanh nhất là 5,5-9,8 giờ; cho nên, Bộ Y tế đang muốn phát triển sinh phẩm phản ứng nhanh, các phòng nghiên cứu đang hoạt động hết công suất nhưng chưa thành công.

Người bị nhiễm được điều trị khỏi sẽ có miễn dịch, không bị tái nhiễm nhưng thời gian miễn dịch có hiệu quả thì chưa xác định được, có thể vào khoảng 2 năm.

Tất cả những trường hợp điều trị bệnh này - thuộc nhóm A nguy hiểm thì sẽ được chữa trị miễn phí.

Hiện nay, chưa xác định được vật chủ trung gian lây bệnh nCoV vì đang là mùa tránh đông của dơi ở Vũ Hán nhưng chó mèo không phải là vật chủ. nCoV lây lan qua đường hô hấp là chính, tấn công và gây viêm phổi nên các vết thương hở ngoài da không gây nguy hiểm.
 

Còn quá sớm để nhận định đỉnh dịch tại Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Có sự hiểu lầm ở đây, từ 7 – 10 ngày tới là đỉnh dịch của Trung Quốc. Đây là nhận định của các chuyên gia chứ không phải của Bộ Y tế. Tại Việt Nam, còn quá sớm để nhận định về đỉnh dịch.

Tuy nhiên, theo WHO đánh giá, Việt Nam đang đi đúng hướng trong công tác điều trị, phòng chống dịch bệnh nCoV. Biện pháp tiên quyết hiện nay là cách ly, khoanh vùng, dập dịch, không để dịch bệnh lan rộng.
 

Khoảng 900 người đang được cách ly tại các tỉnh biên giới

Thông tin có nhiều người ngoại quốc tràn vào Việt Nam qua đường biên giới là không đúng. Trực tiếp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đi kiểm tra, thị sát. Lực lượng biên phòng cũng đã tăng cường kiểm soát trên toàn bộ các cửa khẩu, lối mòn.

Chúng ta đã cách ly các trường hợp đã nhập cảnh về Việt Nam trong vòng 14 ngày. Tới hôm nay, có khoảng 900 người cách ly tại các tỉnh biên giới, chủ yếu là người Việt Nam.

Những người đi từ Trung Quốc về, phải cách ly tại nhà, dưới sự giám sát của ngành y tế, chính quyền địa phương. Hoặc với du khách, cách ly ngay tại cơ sở lưu trú. Những việc này, chúng ta đã thực hiện ngay từ đại dịch SARS 2003.

So sánh với đại dịch SARS 2003, chúng ta đang thực hiện nhiều biện pháp phòng chống còn mạnh mẽ hơn.

Tại cửa khẩu Móng Cái, cán bộ Kiểm dịch Y tế Quốc tế Quảng Ninh tăng cường giám sát khách nhập cảnh. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam đủ năng lực xét nghiệm dịch bệnh. Tiếp tục tăng cường, tập huấn về chuyên môn, đặc biệt tại các cửa khẩu và nơi có người cách ly. Kit test hiện nay có nhiều nguồn cung cấp, thậm chí, Việt Nam cũng có thể tự sản xuất.

Chúng tôi sẽ chỉ đạo tiến hành xét nghiệm, sàng lọc một cách nhanh nhất các trường hợp đang cách ly.


Nguy cơ lây nhiễm trực tiếp qua không khí rất thấp

PGS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết: Số liệu từ Trung Quốc cũng như các nước cho thấy, số ca mắc rất nhanh, ca bệnh tử vong cũng tăng từng ngày. Tuy nhiên, trường hợp nghi nhiễm giảm, số ca chữa khỏi cũng tăng, đây là tín hiệu mừng cho công cuộc chiến đấu với dịch bệnh.

3 phương thức lây truyền chủ yếu: Lây qua không khí – tiếp xúc nước bọt từ những người ho, hắt hơi, sổ mũi. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm trực tiếp qua không khí rất thấp; Trực tiếp tiếp xúc người bệnh – bắt tay cũng lây nhiễm; Lây nhiễm gián tiếp qua các bề mặt vật dụng có virus…

Phải thực hiện toàn diện các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là giữ gìn vệ sinh, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Đến nay chưa có thuốc điều trị dự phòng, đặc hiệu virus. Không nên tiếp xúc khoảng cách gần (dưới 1 mét) với những người có biểu hiện lâm sàng bệnh dịch.

Không nên tiếp xúc đám đông, nơi tập trung đông người khi chưa biết được tình hình dịch bệnh. Một việc nữa, cần thường xuyên lau rửa bàn ghế bằng nước sát khuẩn, chất tẩy thông thường… đang sử dụng.

Virus Corona vẫn có thể lây trong thời gian ủ bệnh. Người bình thường có thể bị lây nhiễm khi tiếp xúc với người đang ủ bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì buổi cung cấp thông tin.

Khẩu trang chỉ là một phần trong các biện pháp phòng chống bệnh. Virus Corona sợ điều kiện ánh sáng, thoáng khí. Người dân phải bình tĩnh, không nhất thiết phải sử dụng khẩu trang y tế. Môi trường sống cần sạch sẽ, thông thoáng, nên mở cửa để không khí, ánh sáng lưu thông.

Điều trị cần dựa trên các nguyên tắc cơ bản: Ăn uống đầy đủ, tăng sức đề kháng. Can thiệp điều trị theo các bước theo tình trạng bệnh nhân.

Đến nay, các bệnh nhân tại Việt Nam mới chủ yếu điều trị triệu chứng. Tuy nhiên, Bộ Y tế Việt Nam vẫn đưa ra phác đồ điều trị cho nCoV. Chuẩn bị tình huống xấu nhất nếu như dịch bệnh lan rộng. Sẵn sàng hàng nghìn giường bệnh chuẩn bị ứng phó. Việt Nam sẽ không xây dựng bệnh viện dã chiến mà tận dụng cơ sở bệnh viện sẵn có.

Quan điểm của Chính phủ và Bộ Y tế là không bao giờ che giấu thông tin. Bộ sẽ công bố thông tin ngay khi có ca bệnh mới mắc. Vừa qua, rất nhiều thông tin sai lệch được đăng tải trên các mạng xã hội. Chúng tôi rất mong báo chí vào cuộc, phản bác những thông tin này, tránh gây hoang mang dư luận.

Bộ Y tế cho biết, dịch nCoV được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. 

Đến nay, dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 27 quốc gia/vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp mắc.

Tính đến 14h00 hôm nay, toàn thế giới có: 24.567 người mắc, 493 người tử vong. Trong đó: Lục địa Trung Quốc: 491 người tử vong; Phillippines: 01 người tử vong; Hồng Kông (Trung Quốc): 01 người tử vong.

Tại Việt Nam, có 10 người mắc nCoV. Trong đó: 02 cha con người Trung Quốc (01 người đã khỏi và xuất viện); 05 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc (01 người đã khỏi và xuất viện); 01 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc (đã khỏi và xuất viện); 01 công dân Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc; 01 người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó.

Việt Nam cũng điều trị khỏi cho 3 người, đã được xuất viện.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.