| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam đã bước đầu điều trị thành công cho người bệnh nhiễm nCoV

Thứ Tư 05/02/2020 , 08:56 (GMT+7)

Đó là chia sẻ của PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế).

16-23-34_hinh_1
Đại diện Bộ Y tế chúc mừng bệnh nhân Li Zichao (người Trung Quốc) – một trong hai bệnh nhân nhiễm nCoV đầu tiên của Việt Nam được xuất viện.

Lời phát biểu được ông Khuê đưa ra khi một trong hai trường hợp nhiễm viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) đầu tiên tại Việt Nam được xuất viện ngày 4/2.

Theo Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, hai ca bệnh đầu tiên được xác định nhiễm nCoV tại Việt Nam là cha con ông Li Ding (66 tuổi) và Li Zichao (28 tuổi) quốc tịch Trung Quốc.

Người cha được ghi nhận đến từ Vũ Hán, Trung Quốc - nơi đang là tâm điểm của vùng dịch tễ nCoV. Ngày 17/1, ông Li Dung sốt, mệt mỏi (bốn ngày sau khi cùng vợ bay từ Vũ Hán đến Hà Nội). Sau đó, ông di chuyển đến Hà Nội, Nha Trang, TP.HCM và Long An bằng máy bay, tàu hỏa, taxi.

Còn người con trai Li Zichao sống ở Long An từ tháng 10/2019 và chưa từng đến khu vực bùng phát nCoV hoặc tiếp xúc với ai từ vùng dịch. Tuy nhiên, anh đã ra Nha Trang gặp cha và lây bệnh với các biểu hiện ho khan, sốt, nôn mửa và tiêu chảy. Đến ngày 22/1, cả hai cha con được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy và được phết họng để lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur (TP.HCM) xét nghiệm. Đến ngày 23/1, kết quả xác định cả hai cha con đều nhiễm nCoV.

Khi nhập viện, người cha phải thở oxy liên tục liều cao và không thể tự đi đứng, ăn uống được mà phải cần sự hỗ trợ của người con và cán bộ y tế. Bên cạnh đó, người cha còn bị mắc các bệnh nền như đái tháo đường, huyết áp, đã từng đặt 3 stent mạch vành, từng phẫu thuật ung thư phổi...

Chính vì vậy, các bác sĩ BV Chợ Rẫy không chỉ điều trị bệnh nCoV, mà còn phải giải quyết tình trạng bội nhiễm do vi trùng của bệnh nhân Li Ding cũng như những bệnh nền mà ông Li Ding mắc.

Chia sẻ về quá trình điều trị cho bệnh nhân nhiễm nCoV, Tiến sĩ Lê Quốc Hùng nói: dù Khoa Bệnh Nhiệt đới đã có kinh nghiệm điều trị các bệnh truyền nhiễm, cũng như việc chuẩn bị sẵn trang thiết bị, nhưng với một bệnh mới, chưa có phác đồ điều trị chuẩn nên áp lực rất lớn.

Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận nhiệm vụ thì không có y bác sĩ nào từ chối cả. Mặc dù rất nhiều khó khăn, lại là thời điểm Tết, nhưng ai cũng tích cực làm việc tránh không để bất cứ sai sót nào xảy ra dù nhỏ nhất. Trong thời điểm này, đa số mọi người đều chạy đi vì dịch, tuy nhiên nhân viên y tế lại là người chạy vào vùng dịch và đối diện với nó.

16-23-34_hinh_2-
Bệnh viện Chợ Rẫy nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã nỗ lực trong việc điều trị thành công cho bệnh nhân người Trung Quốc mắc nCoV đầu tiên tại Việt Nam.

Hiện nay, trên toàn thế giới chưa có loại thuốc kháng virus nào diệt hẳn được virus mà chỉ chống việc virus nhân lên và tránh lây lan rộng. Vì vậy, ban đầu bệnh viện đã áp dụng tất cả các biện pháp dùng kháng virus chung, sau đó qua các xét nghiệm và theo dõi triệu chứng lâm sàng của từng bệnh nhân, bệnh viện đã áp dụng phác đồ điều trị riêng cho từng người.

“Người con không có bệnh nền, rất khỏe mạnh nên chỉ cần bổ sung thuốc để nâng sức đề kháng và được súc họng bằng dung dịch sát khuẩn để giảm sự phát triển của nCoV. Đến sáng ngày 4/2, bệnh nhân Li Zichao đã hoàn toàn khỏe mạnh và được xuất viện sau 14 ngày cách ly và điều trị tại Khoa Nhiễm bệnh (BV Chợ Rẫy) với 4 lần xét nghiệm đều âm tính với nCoV. Tuy nhiên, bệnh nhân Li Zichao có nguyện vọng xin ở lại bệnh viện để được chăm sóc cha mình nên BV Chợ Rẫy sắp xếp một phòng riêng.

Còn bệnh nhân Li Ding (người cha), hai ngày nay đã có thể bỏ máy thở và tự sinh hoạt, đi lại được trong phòng cách ly. Hiện bệnh nhân có tiến triển tốt, các chức năng gan, thận, rối loạn tiêu hóa được phục hồi. Dù vẫn còn dương tính với nCoV nhưng đây là tín hiệu cho thấy bệnh nhân phục hồi tốt”, Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho hay.

Về 28 người đã từng tiếp xúc với 2 bệnh nhân Li Ding và Li ZiChao, PGS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP.HCM cho biết, 28 người này gần như đã qua thời gian kiểm soát, đội ngũ y bác sĩ điều trị không ai có dấu hiệu mắc bệnh.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá cao những nỗ lực của các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Pasteur TP.HCM trong việc kịp thời phát hiện, xét nghiệm và điều trị cho các bệnh nhân nhiễm nCoV đầu tiên tại Việt Nam.

“Ở Trung Quốc, tỷ lệ trường hợp tử vong do nCoV phần lớn là các bệnh nhân có bệnh nền nặng tương tự trường hợp của bệnh nhân Li Ding. Với tình trạng tiến triển tốt của bệnh nhân Li Ding cho thấy, đây là nỗ lực của các y bác sĩ và cũng là bài học kinh nghiệm mà Việt Nam có thể chia sẻ với bạn bè quốc tế. Chúng ta có thể khẳng định, Việt Nam đã bước đầu điều trị thành công cho người bệnh nhiễm nCoV.

Cho đến thời điểm hiện nay, không có cán bộ y tế hay bệnh nhân nào có biểu hiện bị lây nhiễm chéo. Đây là một điều đáng mừng, tuy nhiên vẫn cần phải tăng cường trong công tác phòng chống để tránh lây nhiễm chéo”, Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy hướng dẫn bệnh nhân Li Zichao ra khỏi khu cách ly.

Dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã tặng bằng khen cho 2 tập thể là Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Pasteur TP.HCM. Bộ Y tế cũng tặng bằng khen cho 7 tập thể và 10 cá nhân của Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Pasteur TP.HCM.

Tính đến 15h30 ngày 4/2, dịch bệnh nCoV đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 26 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận 20.631 người mắc và 427 người tử vong.

Tại Việt Nam ghi nhận 10 người mắc nCoV, trong đó có 2 cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi và xuất viện); 5 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc (1 người đã khỏi và xuất viện); 1 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc (đã khỏi và xuất viện); 1 công dân Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc; 1 người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó. Đã điều trị khỏi 3 người và đã được xuất viện.

Ông Hoàng Hy Bình, đại diện Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Việt Nam rất vui mừng và phấn khởi khi được đón công dân Trung Quốc đầu tiên tại Việt Nam đã được điều trị khỏi bệnh nCoV và ra viện, ông nói: “Chúng tôi rất biết ơn Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là các y bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy đã hết sức cố gắng chăm sóc, điều trị khỏi bệnh cho công dân Trung Quốc. Qua các chuyên gia giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm, cũng như sự nỗ lực của đất nước Trung Quốc và sự hợp tác quốc tế, trong đó có đất nước Việt Nam, tôi tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh.

Hiện vẫn còn một công dân Trung Quốc của chúng tôi vẫn chưa khỏi bệnh, mong các bác sỹ tiếp tục chăm sóc tận tình, điều trị để công dân chúng tôi sớm hồi phục”.

BS CKI Nguyễn Ngọc Sang, người trực tiếp điều trị cho 2 cha con bệnh nhân Li Zichao chia sẻ: “Các y bác sĩ trước khi vào phòng cách ly để điều trị cho bệnh nhân nhiễm nCoV phải uống ít nhất nửa lít đến 1 lít nước. Bởi trong phòng cách ly, chỉ 30-60 phút sẽ làm cho người mình bị mất nước rất nhanh, có thể mất 1 lít nước.

Như vậy, sẽ khiến cho trạng thái và thể chất của y bác sĩ không được tốt, thao tác không được chuẩn, sẽ có nguy cơ phơi nhiễm bệnh nhiều hơn, dễ tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân nhiều hơn.

Vì vậy, sự chuẩn bị tốt về thể chất cũng như làm quen với phương tiện phòng hộ sẽ làm cho quá trình điều trị bệnh nhân được tốt hơn”.

Xem thêm
Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ

TP.HCM Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện phẫu thuật robot cắt khối tá tụy điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ cho nam bệnh nhân 43 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.