| Hotline: 0983.970.780

Hà Lan 'trả lại chỗ cho các dòng sông' để đối phó lũ lụt

Thứ Hai 22/11/2021 , 15:21 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu nguy cơ gây ra thảm họa lũ lụt ở Hà Lan, buộc chính phủ quốc gia có phần lớn diện tích nằm dưới mực nước biển phải tìm lời giải mới.

“Room for the River” là gì?

Đó là lý do cho sự ra đời của dự án thuận thiên đúng nghĩa mang tên “Room for  the River” (tạm dịch: trả lại chỗ cho các dòng sông) trước các tác động của tình hình mới.

Giới chuyên gia thủy lợi nước này đã nhìn thấy trước khả năng chống chịu lũ lụt của các đồng bằng và sông ngòi đang bị suy yếu, trong khi mực nước dâng cao do lượng mưa lớn hơn và ngày một thường xuyên hơn.

Chìa khóa của phương pháp tiếp cận Room for the River là khôi phục vùng đồng bằng ngập lũ tự nhiên của sông ở những nơi ít nguy hại nhất để bảo vệ những khu vực cần được phòng thủ. Ảnh: RWS.

Chìa khóa của phương pháp tiếp cận Room for the River là khôi phục vùng đồng bằng ngập lũ tự nhiên của sông ở những nơi ít nguy hại nhất để bảo vệ những khu vực cần được phòng thủ. Ảnh: RWS.

Ngay từ những năm những năm 1990 khi một số vùng miền của Hà Lan bị lũ lụt tàn phá nghiêm trọng do mực nước quá cao, giải pháp 'chỗ trống cho sông' đã trở thành điểm khởi đầu mới cho phương pháp phòng chống lũ lụt cho nhiều khu vực trên khắp đất nước.

Từ thực tế đó đến năm 2007, Chính phủ Hà Lan đã chính thức triển khai dự án Room for the River, với mục tiêu chính là quản lý mực nước lên cao tại các con sông bằng cách hạ thấp mực nước lũ, tạo ra vùng đệm nước, di chuyển hệ thống đê điều, tăng độ sâu của các kênh phụ và xây dựng các tuyến tránh lũ.

Chương trình phòng chống thiên tai khổng lồ này bao gồm hơn 30 dự án, hầu hết các hạng mục chính đã được hoàn thành vào cuối năm 2018 và dự kiến ​​sẽ đồng bộ vào năm 2022.

Chìa khóa của phương pháp tiếp cận này là khôi phục vùng đồng bằng ngập lũ tự nhiên của các con sông ở những nơi ít nguy hại nhất để bảo vệ những khu vực cần được phòng thủ. Kế hoạch này gồm ba mục tiêu: Đến năm 2015, các phụ lưu của sông Rhine sẽ ứng phó với công suất xả 16.000 mét khối nước mỗi giây mà không bị ngập lụt; Các biện pháp được thực hiện để tăng cường độ an toàn cũng sẽ cải thiện chất lượng môi trường chung của các lưu vực;  Tạo khoảng trống bổ sung mà các con sông sẽ cần trong những thập kỷ tới để đối phó với lượng xả lũ cao hơn do dự báo thay đổi khí hậu sẽ tồn tại vĩnh viễn.

Đất nước Hà Lan được hình thành từ vùng đồng bằng trũng thấp của Tây Bắc Âu. Trong hơn 1.000 năm qua, các con sông trên lãnh thổ nước này đã được khai thác giữa các hệ thống đê bao cao hơn và kiên cố nhằm bảo vệ người dân và sản xuất.

Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, lưu lượng nước trên các sông đã tăng lên và mực nước cực cao dự kiến ​​sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Sau trận lũ lụt năm 1995, Chương trình mục tiêu Quốc gia về chỉnh trị sông (Room for the River) đã được khởi xướng để tạo thêm không gian cho các con sông nhằm giảm nguy cơ lũ lụt.

Mục tiêu của dự án này là tạo chỗ cho các con sông thêm không gian để có thể xử lý mực nước dâng cao hơn một cách an toàn, đồng thời giảm thiểu rủi ro lũ lụt.

Đây được coi là dự án phức tạp nhất trong lịch sử ngành thủy lợi và phòng chống thiên tai ở Hà Lan khi phải đảm bảo hàng loạt các yếu tố lịch sử, văn hóa, sinh thái và thẩm mỹ.

Các bản thiết kế đều phải dựa trên dòng chảy của các con sông, tính toán chi tiết cả quá trình xói mòn và bồi lắng cũng như thủy triều và cho phép sử dụng không gian theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả việc tổ chức các sự kiện và triển lãm trên các hòn đảo mới.

Hơn 30 điểm nóng lũ lụt

Chương trình Room for the River bao phủ bốn con sông chính ở Hà Lan gồm: Rhine, Meuse, Waal và IJssel. Tại hơn 30 vị trí được khảo sát là điểm nóng cảnh báo nguy cơ xảy ra thiên tai và mất an toàn, các giải pháp cơ bản hiện đã được thực hiện để tạo không gian cho các con sông vượt lũ an toàn. Ngoài ra, các biện pháp kỹ thuật cũng được đội ngũ chuyên gia thiết kế theo hướng cải thiện chất lượng của môi trường xung quanh tức thì.

Một trong những phương án kiểm soát lũ là mở đập Driel trên hạ nguồn sông Rhine để dòng chảy đi qua nhanh hơn. Ảnh: WAR.

Một trong những phương án kiểm soát lũ là mở đập Driel trên hạ nguồn sông Rhine để dòng chảy đi qua nhanh hơn. Ảnh: WAR.

Tổng cộng có 19 đối tác bao gồm các tỉnh, thành phố, cơ quan quản lý cấp nước khu vực và Tổng cục quản lý Cơ sở hạ tầng và Môi trường quốc gia Hà Lan Rijkswaterstaat phối hợp thực hiện. Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước chịu trách nhiệm chung cho chương trình.

Các biện pháp kỹ thuật đã được thực hiện nhằm mục đích tăng lưu lượng xả của các dòng sông lên 3.250 mét khối trên giây. Tính đến hết năm ngoái, các dự án mở rộng, cơi nới, chỉnh trị các con sông lớn đã hoàn thành và hiện các đơn vị thi công đang tiếp tục hoàn thiện nốt các dự án còn lại.

Theo các chuyên gia thủy lợi, Hà Lan tiến hành dự án Room for the River do dự đoán rằng mực nước biển dâng cao sẽ xuất hiện thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đợt mưa lũ hoành hành ở khu vực Tây Âu hồi trung tuần tháng 7 năm 2021 không ngờ lại xuất hiện nhanh đến như vậy khiến người dân nhiều vùng thấp trũng ở Hà Lan phải sơ tán khẩn cấp.

Ủy viên của chương trình, chuyên gia trị thủy Peter Glas, người đã được chính phủ Hà Lan giao chủ trì dự án nhằm tạo ra một hệ thống quản lý nước thích ứng với biến đối khí hậu cho rằng, những điều kiện thời tiết khắc nghiệt sẽ ngày một khó lường hơn.

“Do vậy hiện chúng tôi sẽ phải nghiên cứu, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch cho cả năm 2023, dựa trên các báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc (IPCC) sẽ được ban hành vào năm 2022. Đến lúc đó, các nhà khoa học sẽ xác định xem các kế hoạch hướng tới một hệ thống sông Meuse liệu có thể xử lý được lưu lượng dòng chảy lên đến 4.600 mét khối trên giây như kế hoạch hiện nay hay không?”, ông Glas cho hay.

“Trải nghiệm cảnh quan sông nước và kết hợp các động lực của sông là một trong những mục tiêu ưu tiên chính trong thiết kế của chúng tôi. Một số lối đi đôi khi sẽ bị ngập trong trường hợp mực nước dâng cao, bạn chỉ có thể tiếp cận bằng đá hộc. Hơn nữa, các điều kiện cho quá trình bồi lắng và xói mòn cũng được đưa vào thiết kế một cách cẩn thận, dần dần sẽ tạo ra các kiểu sinh thái khác nhau, đặc trưng cho cảnh quan sông nước”, một chuyên gia cho biết.

(DWS; HDS)

Xem thêm
Nuôi bò thịt tuần hoàn, giảm ô nhiễm môi trường, lợi nhuận tăng 29%

AN GIANG Nuôi bò thịt tuần hoàn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa  góp phần giảm ô nhiễm môi trường còn mang lại lợi nhuận tăng 29% so với phương pháp nuôi truyền thống. 

Cho vịt ở… khách sạn

THANH HÓA Chăn nuôi vịt an toàn sinh học mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi bởi vừa hạn chế dịch bệnh lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu ngay từ đầu vào

Nỗ lực sản xuất sầu riêng đạt chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ, quyết tâm nâng cao chất lượng, tạo nền móng giúp sầu riêng Cần Thơ từng bước chinh phục các thị trường quốc tế.