Sáng 29/3, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị công bố kết quả xếp hạng các chỉ số: chỉ số cải cách hành chính (PAR-INDEX), chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố (DDCI), chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện (DGI) và chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2023.
Dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số PAR-Index ở khối địa phương là TP Hạ Long; khối sở, ban, ngành là Sở Lao động, Thương binh & Xã hội; khối cơ quan trung ương trên địa bàn tỉnh là Kho bạc Nhà nước tỉnh; khối các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh là Ban Quản lý vịnh Hạ Long.
Ở bảng xếp hạng chỉ số DDCI, đứng đầu khối địa phương cũng là TP Hạ Long; khối sở, ban, ngành là Ban Quản lý Khu kinh tế và khối cơ quan trung ương trên địa bàn tỉnh là Cục Hải quan tỉnh.
Vị trí thứ Nhất của bảng xếp hạng chỉ số SIPAS khối địa phương là TP Cẩm Phả; khối sở, ban, ngành là Sở Tư pháp và khối cơ quan trung ương trên địa bàn tỉnh là Bảo hiểm xã hội tỉnh.
Đối với chỉ số DTI, vị trí đầu bảng xếp hạng khối các huyện, thị xã, thành phố là TP Hạ Long; khối các xã, phường, thị trấn là phường Ka Long (TP Móng Cái) và khối sở, ban, ngành là Sở Y tế.
Còn với chỉ số DGI năm 2023, vị trí quán quân thuộc về huyện Tiên Yên.
Phát biểu tại hội nghị, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Quảng Ninh có 6 năm liên tiếp (2017-2022) dẫn đầu chỉ số PCI, 4 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số SIPAS, 5 năm dẫn đầu chỉ số PAR-Index, 2 năm dẫn đầu chỉ số PAPI. Đồng thời là tỉnh duy nhất cả nước có 2 lần dẫn đầu đồng thời cả 4 chỉ số PAR-Index, PCI, SIPAS, PAPI (năm 2020, năm 2022).
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành trước mục tiêu đến năm 2025, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 5 tỷ USD. Trong 3 năm (2021-2023), thu hút vốn đầu tư FDI đạt trên 6,83 tỷ USD, bằng 137% kế hoạch. Kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP trên hai con số trong 09 năm liên tiếp (2015-2023) và luôn nằm trong tốp những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người năm 2023 đạt 9400 USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đến năm 2023 đạt 104.217 tỷ đồng.
Từ góc nhìn độc lập, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá cao sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua. Khác với nhiều địa phương, Quảng Ninh cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa. Là điểm sáng trong phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số toàn diện. Hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, với dư địa và không gian phát triển tiềm năng, Quảng Ninh tiếp tục được các nhà đầu tư chọn là điểm đến.
"Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được trong nhiều năm qua, Quảng Ninh cần thoát khỏi không khí chung là sự thận trọng, sợ sệt trong chính quyền. Các hoạt động cải cách hành chính và cả thiện môi trường kinh doanh cần có điểm mới, tiên phong so với các tỉnh thành khác. Cơ cấu nhà đầu tư sẽ đa dạng hơn, chính vì vậy cần có sự cân bằng tới các cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, để đón làn sóng mới trong đầu tư, tỉnh cũng cần chú trọng vấn đề về điện, đây cũng là những lo ngại mà các nhà đầu tư, sản xuất quan tâm", ông Đậu Anh Tuấn bày tỏ.