Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 7653/VPCP-KTN ngày 24/9/2015 về việc kiểm tra chấp hành các quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng nhà ở để bán và cho thuê tại 8B phố Lê Trực, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã nghiêm túc, khẩn trương tổng hợp, rà soát quá trình giải quyết, các hồ sơ thủ tục triển khai Dự án.
Chủ đầu tư có nhiều sai phạm
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định công trình được xây dựng ở khu đất hợp pháp, dựa theo điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 và theo Quy hoạch chi tiết phần kiến trúc hai bên trục đường Cầu Giấy-Kim Mã-Hùng Vương được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2642/QĐ-UBND ngày 4/7/1998; khu đất dự án thuộc ô quy hoạch ký hiệu L30 có chức năng nhà ở chung cư.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng kết luận trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư đã có nhiều vi phạm như xây dựng phần ngầm khi chưa được cấp phép; sau khi có Giấy phép xây dựng tiếp tục có các sai phạm về chiều cao, diện tích xây dựng, kiến trúc công trình, khoảng lùi, giật cấp, hình dáng kiến trúc...
Chủ đầu tư đã tăng chiều cao một số tầng, tổng chiều cao thực tế của công trình khoảng 69m (vượt khoảng 16m tương đương với 5 tầng). Từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế, song chủ đầu tư không thực hiện (hiện đã xây dựng thẳng đến mái).
Phần giật cấp đầu hồi phía Đông (phía phố Lê Trực) theo thiết kế từ độ cao 44m công trình giật cấp vào 15m và tại độ cao 50m, công trình giật cấp tiếp thêm 5,3m về phía Tây, song chủ đầu tư không xây dựng giật cấp, làm tăng diện tích sàn xây dựng khoảng 6.126m2.
Trong quá trình thi công, mặc dù các cơ quan chức năng đã kiểm tra và xử lý, nhưng chủ đầu tư vẫn cố ý vi phạm. Đây là những vi phạm nghiêm trọng, không chỉ trong trật tự xây dựng, mà còn ảnh hưởng lớn đến không gian, kiến trúc, cảnh quan khu vực.
Thanh tra Sở Xây dựng, Đội Thanh tra xây dựng quận Ba Đình, Ủy ban Nhân dân phường Điện Biên nhiều lần kiểm tra, xử lý các vi phạm được thể hiện tại 27 văn bản của các cơ quan. Tuy nhiên, việc kiểm tra không thường xuyên và kịp thời, xử lý những sai phạm không kiên quyết và triệt để, dẫn đến xảy ra sai phạm nghiêm trọng như hiện nay.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thể hiện quyết tâm xử lý vi phạm. Theo đó, đối với chủ đầu tư cố ý xây dựng sai Giấy phép xây dựng đã được cấp, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật; nhất là xử lý về chiều cao công trình, khoảng lùi, khoảng giật và hình thái không gian kiến trúc công trình, theo đúng thiết kế và Giấy phép xây dựng đã được cấp.
Quy hoạch và chủ trương đầu tư đúng đã được phê duyệt
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, nguồn gốc đất đai, khu đất xây dựng công trình tại địa chỉ số 8B phố Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình (phía Bắc giáp đường Trần Phú kéo dài, phía Tây và Nam giáp khu dân cư - không nằm trong ranh giới Quy hoạch chi tiết khu Trung tâm chính trị Ba Đình, tỷ lệ 1/2.000 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2411/QĐ-TTg ngày 10/12/2013). Diện tích khu đất là hơn 5.936m2, có nguồn gốc là đất sản xuất do Công ty May Chiến Thắng quản lý, sử dụng từ năm 1968. Hợp đồng thuê đất số 216-245.98/ĐC-HĐTĐ ngày 14/8/1998.
Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) có Quyết định số 68/1999/QĐ-BCN ngày 20/10/1999 phê duyệt phương án cổ phần hóa, chuyển xưởng may đơn vị hạch toán thuộc Công ty May Chiến Thắng - doanh nghiệp thành viên độc lập thuộc Tổng công ty Dệt may Việt Nam thành Công ty cổ phần May Lê Trực kể từ ngày 1/1/2000 (tỷ lệ vốn Nhà nước 25%). Từ đó đến nay, Công ty cổ phần May Lê Trực là đơn vị quản lý, sử dụng đất tại số 8B Lê Trực theo quy định của pháp luật (trong đó diện tích được chuyển mục đích xây dựng công trình là 3.785m2, diện tích đất còn lại thành phố thu hồi để xây dựng đường giao thông).
Về chủ trương đầu tư, căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện trạng ô đất, Ủy ban Nhân dân thành phố đã có Văn bản số 4335/UBND-NNĐC ngày 9/8/2007 chấp thuận về nguyên tắc cho phép Công ty cổ phần May Lê Trực được chuyển mục đích sử dụng phần đất nằm ngoài phạm vi mở đường để lập dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở bán và cho thuê. Việc di dời để đầu tư xây dựng theo quy hoạch đáp ứng chủ trương, chính sách của Nhà nước, hỗ trợ nguồn vốn di dời cơ sở ra khỏi nội thành.
Dự án thuộc đối tượng áp dụng là “Tổ chức kinh tế (không bao gồm công ty Nhà nước) phải di dời do ô nhiễm môi trường theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền,” quá trình giải quyết đã tuân thủ nội dung, trình tự về việc xử lý cơ sở nhà, đất do tổ chức kinh tế phải di dời. Các bước quá trình đầu tư đều được thực hiện đúng pháp luật.
Ngày 12/7/2013, Ủy ban Nhân dân thành phố đã có công văn số 5043/UBND-QHXDGT, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Dự án được tiếp tục triển khai với chỉ tiêu mật độ xây dựng 64%, chiều cao công trình tối đa 44m (thấp hơn Nhà làm việc Quốc hội tại đường Hùng Vương, giảm chiều cao 26m so với phương án kiến trúc đã được chấp thuận ngày 16/3/2009).
Ngày 18/7/2013, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 5859/VPCP-KTN gửi Bộ Xây dựng đề nghị có ý kiến về Công văn số 5043/UBND-QHXDGT của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Ngày 21/8/2013, Bộ Xây dựng có công văn số 1752/BXD-KTQH gửi Văn phòng Chính phủ, trong đó nêu thống nhất với đề nghị của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho phép Công ty cổ phần May Lê Trực tiếp tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở tại số 8B Lê Trực; đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận phương án 2 như đề nghị của Công ty cổ phần May Lê Trực tại Văn bản số 395/CVDA gửi Bộ Xây dựng. Theo đó, công trình cao tầng tại 8B phố Lê Trực thiết kế theo dạng giật cấp, cấp công trình thứ nhất phía Lê Trực có tầng cao 15 tầng với chiều cao là 44m, cấp công trình thứ 2 có khoảng lùi 15-17m về hướng Tây cao 50m, trên mái có tum thang kết hợp tầng kỹ thuật đến đỉnh tum thang cao 53m, mật độ xây dựng giữ nguyên 64%.
Xây dựng trái phép bất chấp lệnh đình chỉ
Từ tháng 2/2010 đến tháng 3/2014, khi chủ đầu tư thi công công trình xây dựng không có Giấy phép xây dựng, lực lượng Thanh tra xây dựng đã phát hiện hành vi vi phạm, lập hồ sơ và chuyển đến Ủy ban Nhân dân các cấp để xử lý theo thẩm quyền. Chủ đầu tư đã ngừng thi công để xin cấp phép xây dựng theo quy định.
Trong năm 2011 và 2012, Thanh tra xây dựng quận Ba Đình (nay là Đội Thanh tra xây dựng quận Ba Đình) đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân phường Điện Biên thường xuyên kiểm tra, kiểm soát công trình trong quá trình chủ đầu tư thi công xong các cọc khoan nhồi thí nghiệm; tiến hành kiểm tra, lập Biên bản vi phạm hành chính và ngừng thi công xây dựng công trình khi phát hiện chủ đầu tư đã thi công xây dựng phần ngầm không có Giấy phép xây dựng và ra quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị (từ tháng 1/2013 đến tháng 2/2014, chủ đầu tư đã chấp hành ngừng thi công).
Tháng 3/2014, Đội Thanh tra xây dựng quận Ba Đình đã làm việc với chủ đầu tư, xác định lỗi vi phạm, làm rõ tính chất, quy mô công trình vi phạm; yêu cầu chủ đầu tư cam kết đình chỉ toàn diện việc thi công công trình vi phạm, hoàn thiện thủ tục xin cấp Giấy phép xây dựng, chấp hành các quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền.
Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình đã ban hành Quyết định số 520/QĐ-UBND ngày 18/3/2014 về xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm trong xây dựng công trình (khi ban hành Quyết định xử phạt, chủ đầu tư đã thi công xong bốn tầng hầm).
Liên tiếp tại nhiều thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện việc thi công dự án có nhiều vi phạm và đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công công trình nghiêm túc thực hiện việc đình chỉ thi công và tự giác tháo dỡ bộ phận công trình vi phạm, nếu không tự giác chấp hành sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến nay những vi phạm này vẫn tồn tại.