Trước đó, nếu tính đến cả lần này, đã có tổng cộng 15 lần người dân chặn xe. Bãi rác Nam Sơn với thiết kế ban đầu là có sức chứa 1.000 tấn rác mỗi ngày. Nhưng nay đã phải gồng mình chứa tới 5.000 tấn rác/ngày. Công suất của bãi là 2 triệu tấn rác, thì nay đã vượt tới 50%.
Mỗi lần người dân chặn bãi rác Nam Sơn là một lần nội thành Hà Nội ngập rác. Rác chất chồng trên các con đường nội thành, và cả thành phố chìm ngập trong mùi xú uế.
Nguyên nhân khiến người dân phải chặn xe rác, thì trước sau chỉ có một: yêu cầu UBND thành phố sớm giải quyết tiền đền bù GPMB để họ di dời khỏi bán kính 500 mét quanh bãi rác theo quy định.
Thế nhưng hết lần này đến lần khác, cái mà từ lãnh đạo thành phố đến người đứng đầu các cơ quan chức năng ban phát cho dân một cách rất hào phóng là lời hứa. Những lời hứa đã kéo dài qua suốt 3 đời chủ tịch. Nhưng hứa vẫn chỉ là hứa.
Tại buổi họp mới đây, có cả 4 tân Phó Bí thư Thành ủy TP Hà Nội mới được bầu và lãnh đạo nhiều sở, ngành liên quan, lãnh đạo huyện Sóc Sơn và lãnh đạo hai xã Nam Sơn, Hồng Kỳ, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đã chỉ rõ: Người dân Sóc Sơn đã hy sinh để phục vụ việc thu gom rác, giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường cho cả thành phố, nên cả thành phố phải có trách nhiệm giải quyết các kiến nghị chính đáng của bà con.
Đến nay, những kiến nghị của người dân chưa được giải quyết kịp thời và có hiệu quả là do thành phố, các sở, ngành, cơ quan đơn vị liên quan chưa làm tròn trách nhiệm với dân. Các cấp, ngành chưa thực sự tâm huyết, còn đùn đẩy. Việc chậm giải quyết các kiến nghị của dân có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Không biết sau những chỉ đạo thẳng thắn, quyết liệt đó của Bí thư Thành ủy, mọi việc có “nhúc nhích” hay không.
Hàng chục năm nay, người dân hai xã Nam Sơn, Hồng Kỳ phải sống trong một môi trường ô nhiễm khủng khiếp, mùi xú uế nồng nặc. Đến mức họ đã phải kêu lên: mời lãnh đạo thành phố hãy về sống cùng với chúng tôi một ngày, xem các vị có chịu được không.
Mà nguyện vọng của họ thì rất đơn giản: được nhận tiền đền bù để chuyển khỏi vùng ô nhiễm. Việc đó, đối với TP Hà Nội, chỉ là một “con tép”.
Người đời có câu “Hà Nội không vội được đâu”. Nhưng với tình trạng của người dân hai xã Nam Sơn, Hồng Kỳ hiện nay, thì thành phố không thể đủng đỉnh, đùn đẩy được nữa.
Bởi chậm giải quyết kiến nghị của dân ngày nào, thì người dân còn bị đày đọa ngày đó. Dân chỉ chặn xe vào bãi rác khi cùng đường, bất đắc dĩ, kêu chẳng ai nghe.
Nếu thành phố cứ tiếp tục “điếc” mãi, thì việc chặn xe vào bãi rác vẫn còn diễn ra.