Hà Nội hỗ trợ khẩn cấp Bắc Giang tiêm vacxin
Trong thời gian tới, Bắc Giang triển khai tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 cho công nhân và người dân địa phương. Để đáp ứng công tác này, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn hỗ trợ Bắc Giang tiêm chủng.
Bộ đề nghị thành lập 20 đội cấp cứu, thường trực tại các điểm tiêm chủng của Bắc Giang từ ngày 1/6 đến khi tỉnh hoàn thành đợt tiêm phòng. Dự kiến thời gian tiêm chủng kéo dài 7-10 ngày. Các đội cấp cứu gồm một bác sĩ, hai điều dưỡng và một xe cứu thương.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện tại Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận, điều trị những trường hợp bị phản ứng nặng sau tiêm chủng vacxin được chuyển đến trong tình huống vượt quá khả năng xử trí tại chỗ.
Trước tình hình dịch phức tạp tại các khu công nghiệp, Bộ Y tế quyết định cấp cho Bắc Ninh, Bắc Giang mỗi tỉnh 150.000 liều vacxin Covid-19.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, đến nay dự kiến, Việt Nam có trong tay hơn 100 triệu liều, đủ tiêm cho hơn 70% dân số. Vì vậy, nước ta còn thiếu khoảng 40 triệu liều vacxin nên các cơ quan đang thúc đẩy tất cả cơ chế khác nhau để mua đủ 150 triệu liều tiêm cho toàn dân.
Do tình trạng khan hiếm vacxin chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, Bộ Y tế phải thu hồi lại vacxin tại một số địa phương để ưu tiên cấp cho Bắc Giang và Bắc Ninh, những nơi dịch đang nóng và tình hình căng thẳng và “mong các địa phương thông cảm vì tình thế rất cấp bách".
Đa dạng hóa nguồn cung vacxin phòng Covid-19
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19 ngày 29/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cần đẩy nhanh hơn nữa việc tìm nguồn, mua vacxin và tiến độ nghiên cứu, sản xuất vacxin ở trong nước, tìm phương án tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất vacxin của nước ngoài;
Huy động mọi nguồn lực hợp pháp cho phòng chống dịch, đặc biệt là mua vacxin, vì đòi hỏi nguồn lực rất lớn trong lúc ngân sách nhà nước còn hạn chế, khó khăn; Kêu gọi, khuyến khích mọi cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp (DN), người dân tích cực tham gia đóng góp nguồn lực xây dựng quỹ vacxin...
Quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước một lần nữa được khẳng định: Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc; chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết và phải khẩn trương, thực hiện các giải pháp phù hợp để có đủ vacxin sớm nhất tiêm phòng cho nhân dân trên diện rộng.
Để góp phần hiện thực hóa chủ trương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam có lời kêu gọi cộng đồng DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh trong toàn quốc quan tâm dành kinh phí mua vacxin Covid-19 cho công nhân đang làm việc tại DN; tham gia hỗ trợ, tài trợ cho Quỹ vacxin phòng Covid-19, chung tay vì "Triệu liều vacxin cho công nhân nghèo" và nhắn tin ủng hộ chương trình "Vacxin cho công nhân".
Hưởng ứng lời kêu gọi này, Liên đoàn Lao động TP. HCM đề nghị các cấp Công đoàn vận động DN quan tâm dành kinh phí tự mua vacxin Covid-19 cho công nhân đang làm việc tại DN để bảo đảm kiểm soát dịch Covid-19, sớm đưa DN về trạng thái hoạt động bình thường.
Chính phủ đã chỉ rõ phải đa dạng hóa nguồn cung, huy động các nguồn lực quốc gia đang có để bảo đảm nguồn vacxin. Nhiều DN đủ điều kiện tài chính đã tích cực đóng góp vào Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 và mong muốn được tiêm vacxin cho toàn bộ lao động trong DN.
Ngoài xã hội, nhiều người dân sẵn sàng đóng góp vào quỹ hoặc không ngần ngại tự thanh toán chi phí nếu được tiêm vacxin phòng Covid-19. Trong khi chờ đợi nguồn vacxin do trong nước sản xuất (hiện đang nghiên cứu, thử nghiệm) thì việc tìm nguồn vacxin để tiêm cho các đối tượng ưu tiên và tiến tới bao phủ vacxin cho toàn dân là việc cấp bách.
Do đó, rất cần sự linh hoạt về cơ chế tiếp nhận, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng. Việc này Bộ Y tế (và một số bộ, ngành liên quan) phải nhanh chóng vào cuộc, quy định rõ các quy trình, cách thức... để các DN, cơ quan, tổ chức theo đó vận hành; vừa rõ ràng trách nhiệm vừa chặt chẽ quản lý, khoa học và hiệu nghiệm...