| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 03/08/2021 , 14:29 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 14:29 - 03/08/2021

Hà Nội: Những ai cần được ưu tiên tiêm vacxin?

Hà Nội đang trong thời kỳ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 17 của UBND thành phố.

Mọi ngả đường đều có chốt kiểm dịch. Những nơi phát hiện người dương tính với virus SARS-CoV-2 đều bị phong tỏa, cách ly nghiêm ngặt. Đồng thời thành phố cũng tổ chức tiêm vacxin cho người dân. Việc tiêm vacxin thực hiện theo phương án được UBND thành phố ban hành vào ngày 21/7, trên cơ sở nghị quyết số 21/NQ-CP.

Tất nhiên, đối tượng được ưu tiên tiêm vacxin đầu tiên là đội ngũ y bác sỹ, những người làm việc trong các cơ sở y tế công lập và tư nhân, thành viên ban chỉ đạo phòng chống đại dịch Covid-19 các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, người truy vết điều tra dịch tễ, các tổ Covid-19 cộng đồng, các tình nguyện viên, phóng viên, lực lượng quân đội, công an.

Ngoài những đối tượng trên, còn có 12 nhóm khác cũng được ưu tiên tiêm vacxin theo thứ tự. Sở dĩ phải phân chia thành từng nhóm được ưu tiên như trên, là vì hiện nay lượng vacxin còn chưa đủ. Khi có đủ lượng vacxin, thì thành phố sẽ tổ chức tiêm chủng cho toàn dân.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thì còn một nhóm người khác, tuy không có tên trong 13 nhóm được ưu tiên tiêm vacxin, nhưng rất cần được ưu tiên, thậm chí còn nên xếp họ trên một số nhóm ưu tiên khác, chỉ sau đội ngũ y bác sỹ và những người làm việc trong các cơ sở y tế công lập và tư nhân.

Đó là đội ngũ bán những mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu (gạo, thịt cá, rau củ quả…) trong các siêu thị và các chợ trên toàn thành phố, những lái xe chuyên chở những mặt hàng nói trên. Dù việc giãn cách có nghiêm ngặt đến đâu thì người dân vẫn phải duy trì cuộc sống, mà muốn duy trì cuộc sống thì bắt buộc phải đi chợ, đi siêu thị để mua nhu yếu phẩm.

Tuy việc đi chợ, đi mua những nhu yếu phẩm thiết yếu của người dân đã được thành phố kiểm soát chặt chẽ bằng hình thức phát phiếu. Nhưng đó là việc đối với người đi mua.

Còn người bán thì không thể không để cho họ bán hàng. Đó mới chính là những người tiếp xúc, giao lưu với nhiều người nhất. Mỗi nhân viên siêu thị, mỗi tiểu thương kinh doanh các mặt hàng nhu yếu phẩm ở các chợ, theo yêu cầu của công việc, mỗi ngày có thể phải tiếp xúc với hàng trăm người, mà những người họ tiếp xúc lại phân bố trên một địa bàn rất rộng.

Và đó mới chính là nguồn lây nguy hiểm nhất. Thử tưởng tượng một tiểu thương ở chợ hay một nhân viên siêu thị bị dương tính với virus SARS-CoV-2 mà chưa bị phát hiện kịp thời, thì chỉ cần trong một ngày thôi, sẽ có một vài trăm người trở thành F1 của họ, rồi mỗi F1 đó lại có rất nhiều F2. Và khi những F1 đó trở thành F0, thì sẽ ra sao ?

Hỏi, tức là đã trả lời.