Cán bộ thú y xin nghỉ việc vì đuối sức
Anh Nguyễn Văn Bọc - Trưởng ban Chăn nuôi thú y của xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ mới làm đơn xin nghỉ việc vì lý do sức khỏe dù mới ngoài 40 tuổi.
Dịch dã liên miên suốt hơn 2 tháng nay khiến cho nhiều cán bộ thú y cơ sở bị quá tải khi phải căng mình gần như hơn 10 tiếng/ngày vì dân gọi báo lợn ốm, vì phải đi lấy mẫu xét nghiệm, vì phải lo chôn hủy lợn.
Tính đến ngày 29/5 dịch đã xảy ra ở 157 thôn của 32 xã thị trấn trên địa bàn huyện với tổng số tiêu hủy 14.687 con, trọng lượng trên 1.030 tấn.
Lợn chết cấp tập mỗi ngày 700-800 con khiến cho ngay cả việc bố trí quỹ đất để chôn lấp sao cho hợp vệ sinh cũng là cả vấn đề với huyện.
Quỹ đất công ở một số xã như Tiên Phương không đủ tiêu chuẩn cách quốc lộ 1 km, cách đường liên xã, liên huyện 500m nên phải xin thuê lại đất của dân để chôn.
Nhiều nơi tuy có đất công đủ chuẩn nhưng lại vấp phải tâm lý sợ ô nhiễm nên hễ máy xúc đi đào hố ở đâu là dân xúm đông, xúm đỏ đến đấy như ở Tiên Phương, Nam Phương Tiến, có lúc phải vận động đến 12 h đêm mới chịu xuôi.
Ngày công cũng là một vấn đề khó hiện nay bởi tiêu hủy lợn là việc mệt nhọc, bởi tâm lý ngại sát sinh nên một buổi tham gia cũng phải cỡ 400.000 - 500.000đ mới được chấp thuận. Thêm vào đó là chuyện vận chuyển thịt lợn bằng xe máy kiểu chồng ngồi trước, vợ ngồi sau, con lợn kẹp giữa vẫn diễn ra rất phổ biến.
Tiêu hủy lợn ở huyện Chương Mỹ |
Chị Trần Thị Thu Hằng- Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y Chương Mỹ cho biết huyện mới họp để phổ biến Quyết định 3708 của Bộ NN và PTNT về quản lý giết mổ trong đó quy định phải có xe chuyên dụng để chuyên chở là chuyện rất khó không chỉ ở Hà Nội mà cả miền Bắc vì tập quán giết mổ nhỏ lẻ quá phổ biến.
Người dân đã “buông tay” phòng chống dịch
Dịch sau khi càn quét qua nhiều huyện khiến lượng tiêu hủy chiếm 30-40% đầu lợn như Sóc Sơn, Đông Anh, Quốc Oai… và đang bắt đầu tàn phá ở những huyện chăn nuôi trọng điểm như Chương Mỹ, Ba Vì, Đan Phượng nâng tổng số lợn chết của Hà Nội lên khoảng 250.000 con.
Theo quy định lợn bị tiêu hủy sẽ được hỗ trợ bằng 80% giá thị trường nhưng giá lại liên tục sụt nhanh chóng. Giai đoạn đầu hỗ trợ 38.000đ/kg hiện chỉ còn khoảng hơn 24.000đ/kg.
Trong mấy ngày gần đây Hà Nội tiêu hủy khoảng 10.000/ngày, cao điểm có ngày 13.000 con, trị giá hàng chục tỉ đồng nâng tổng số tiền hỗ trợ theo thống kê khoảng hơn 500 tỉ đồng còn thực tế thiệt hại có thể lớn hơn thế nữa.
Tiêu hủy lợn là công việc mệt nhọc |
Ông Đoàn Hồng Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội phân tích nguyên nhân của đợt bùng phát dịch vừa qua là tổng hợp của tất cả các yếu tố trong đó có bản thân con virus, có người chăn nuôi, có việc chăn nuôi nhỏ lẻ, giết mổ nhỏ lẻ, vận chuyển nhỏ lẻ, kinh doanh nhỏ lẻ. Cộng hưởng với đó là vị trí địa lý cửa ngõ giao thương của Hà Nội với nhiều tỉnh thành, đường chính có, đường ngang ngõ tắt cũng có nên khó mà kiểm soát hết được.
Chỉ còn một hi vọng
Theo ông Phong, với các bệnh khác, vắc xin là vũ khí hiệu quả nhất, rẻ tiền nhất để chống lại nhưng dịch tả Châu Phi lại không có vắc xin nên chỉ còn cách ngăn không cho virus đến được với con vật.
Trước đây người ta từng hi vọng về chuyện khi nắng lên thì virus dịch tả lợn Châu Phi sẽ bị tiêu diệt như điều thường thấy với nhiều loại virus khác nhưng loại virus này lại tồn tại nhiều tiếng ở nhiệt độ 50 độ C.
Ông Đoàn Hồng Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội: “Chỉ còn một hi vọng”. |
“Virus vẫn tồn tại ngoài môi trường, bám dính vào bất thứ cái gì của con người như quần áo, giầy dép, da thịt rồi các phương tiện vận chuyển hay ruộng rau cho lợn ăn, nguồn nước cho lợn uống đến cả con ruồi, con chuột qua lại.
Một số xã ở Hà Nội dịch qua 30 ngày nhưng đã phát sinh trở lại khiến cho các quận huyện rất vất cả đối phó. Riêng chi cho công tác chống dịch như mua vôi bột, hóa chất, vật tư, thuê nhân công, trực chốt…đã lên tới khoảng 120 tỉ. |
Mọi ngả đường, mọi thứ đều có thể dẫn dịch đến chuồng lợn, ngăn cản phải nói là rất khó, thậm chí không thể nhất là đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bởi giá thịt hiện nay quá thấp, càng nuôi càng lỗ nên nhiều người bỏ đầu tư phòng chống dịch.
Nếu trước đây chỉ có cơ sở nhỏ lẻ bị dịch thì hiện nay những trại quy mô lớn 500-600 con bắt đầu xuất hiện".
Hà Nội có lực lượng thú y từ chi cục, trạm đến xã với tổng số khoảng hơn 1.000 người, có điều kiện tiềm lực kinh tế vững mạnh, có sự quản lý, chỉ đạo chặt chẽ mà vẫn còn rất vất vả trong việc chống đỡ dịch chứ không nói đến các tỉnh, hệ thống thú y đã bị sáp nhập.
Ông Phong phỏng đoán: “Giờ chỉ còn hi vọng vào việc người tiêu dùng không quay lưng lại với thịt lợn, tiêu thụ nhiều kéo giá lên, chăn nuôi có lãi thì chủ trại mới quan tâm đầu tư để phòng dịch”.