Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đối với sản xuất, Hà Nội đã tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm.
Đến nay, toàn thành phố có 76 xã tập trung chăn nuôi chủ lực với hơn 38.000 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư. Đồng thời, thành phố đã xây dựng được 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Sở NN-PTNT đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; phối hợp với tỉnh, thành phố bạn trong trao đổi thông tin, thông báo dịch bệnh, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc quản lý an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm chăn nuôi hiện nay phải được thực hiện quyết liệt hơn.
“Có một thực tế là sự hiểu biết về an toàn thực phẩm của Ban quản lý chợ và các hộ kinh doanh còn nhiều hạn chế, trong khi hệ thống thanh tra, kiểm tra liên ngành thiếu nhân lực, trang thiết bị kiểm tra tại chỗ... Việc cần làm ngay là các địa phương bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc phân tích mẫu. Từ đó đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện các loại độc tố, hóa chất tồn dư trong thực phẩm tại các chợ, đặc biệt là chợ truyền thống”, ông Tường cho hay.
Cùng với đó là mở các lớp tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh; yêu cầu các hộ kinh doanh phải ghi chép sổ sách việc nhập hàng và có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; quầy hàng phải giữ vệ sinh...
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho biết, trước vấn đề mất an toàn thực phẩm đang diễn ra phổ biến với nhiều cách thức khác nhau do các lỗi chủ quan và khách quan của các tác nhân tiêu thụ sản phẩm cũng như nhóm tác nhân trực tiếp sản xuất, từ năm 2013 Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội (nay là Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội) đã tham mưu cho Sở NN-PTNT chỉ đạo việc tổ chức liên kết chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm với mục tiêu bước đầu là thay đổi nhận thức của các tác nhân tham gia...
Đến nay các chuỗi đã được hình thành và cung cấp ra thị trường một sản lượng lớn sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm, có đầy đủ nhãn hiệu để nhận biết như thịt lợn AZ của HTX Hoàng Long (Thanh Oai), thịt lợn sinh học Quốc Oai của HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (Quốc Oai), thịt lợn sinh học Phúc Thọ của HTX Sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ (Phúc Thọ), gà đồi Ba Vì của Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn của Công ty CP Thực phẩm Hoa Kỳ (Sóc Sơn)...
Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc HTX Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ, được thành lập năm 2007 với 10 thành viên, hoạt động chính của HTX trong những năm đầu thành lập là chăn nuôi lợn công nghiệp với quy mô chăn nuôi 300 lợn nái, 2.000 lợn thịt, trên diện tích 2,18 ha, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu qua thương lái, một phần bán lẻ cho các hộ sản xuất giò chả tại địa phương.
HTX đã sử dụng rộng rãi các sản phẩm men vi sinh trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi nhằm tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn cho người sử dụng. Và bắt đầu đầu tư xây dựng hệ thống giết mổ, chế biến, phân phối sản phẩm. Từ đây, chuỗi sản xuất và cung cấp thực phẩm AZ của HTX chính thức ra đời nhằm hoàn thiện mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ trang trại đến bàn ăn đảm bảo an toàn thực phẩm.
Hàng ngày HTX cung cấp ra thị trường trên dưới 2 tấn thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn như giò chả, xúc xích, thịt hun khói, nem chua... với đầy đủ chứng nhận về sản phẩm cũng như tem nhãn nhận diện và truy xuất nguồn gốc.