| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sinh thái

Thứ Ba 24/10/2023 , 06:00 (GMT+7)

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội nói thành phố sẽ tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sinh thái, bảo tồn, phát triển giá trị lịch sử, văn hóa.

Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội bên sản phẩm gạo hữu cơ Đồng Phú. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội bên sản phẩm gạo hữu cơ Đồng Phú. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong nội đô và ngoại ô

Thưa ông, nông nghiệp Hà Nội đang tái cơ cấu theo hướng như thế nào?

Ngành đang tham mưu với thành phố để phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị. Cụ thể, trong thành phố và khu vực dân cư phát triển theo các hướng bảo tồn, phát triển những giá trị lịch sử, văn hóa trong nông nghiệp; phát triển vườn treo, vườn trên cao ở sân thượng có diện tích lớn, phát triển công viên nông nghiệp; phát triển cây, hoa, sinh vật cảnh; cây cảnh, thú cưng, sinh vật cảnh trong nhà dân để tạo cảnh quan môi trường sinh thái thủ đô và lưu giữ bảo tồn phát triển giá trị lịch sử văn hóa phát triển kinh tế nông nghiệp.

Như vậy, những việc cụ thể của chính quyền và người dân sẽ thực hiện như quận Tây Hồ phát triển quất cảnh phường Tứ Liên, đào Nhật Tân quận đã có quyết định phê duyệt đề án; quận Bắc Từ Liêm phát triển hồng Xuân Đỉnh, làng hoa Tây Tựu; huyện Quốc Oai giữ cây nhãn tổ Đại Thành…

Khuyến khích ban công, sân thượng, vườn nhà của các gia đình để trồng cây, dùng vi sinh để xử lý rác thải tại chỗ làm giá thể, phân bón. Việc này đã có nhiều nhóm hội phụ nữ kết nối qua zalo hướng dẫn nhau cùng thực hiện trong thành phố và khu vực nông thôn rất hiệu quả, giảm tới trên 70% rác thải sinh hoạt. Các bãi sông, các vành đai xanh là mặt tiền của khu vực dân cư sinh sống và của thành phố phải chỉnh trang cho đẹp để làm giáo dục trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, lưu giữ phát triển những cây bản địa quý có giá trị bảo tồn và phát triển kinh tế…

Ngoại thành, các vùng nông nghiệp trọng điểm theo quy hoạch sẽ phát triển thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ổn định đến năm 2050. Để phục vụ cho vùng sản xuất nông nghiệp tập trung thì quy hoạch, phát triển các khu chức năng dịch vụ hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn, chế biến nông sản, trưng bày sản phẩm, điểm bán hàng và giáo dục trải nghiệm.

Ở các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung tổ chức theo mô hình nông nghiệp sinh thái trồng trọt kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, áp dụng công nghệ sinh học, men vi sinh xử lý phụ phẩm thành chính phẩm và xử lý môi trường. Trong các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung sẽ có các sản phẩm chính từ trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, sẽ có nhiều sản phẩm chế biến sâu từ các phụ phẩm.

Phát triển nghề hoa, cây cảnh để điểm tô cho đô thị. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phát triển nghề hoa, cây cảnh để điểm tô cho đô thị. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vậy tính bền vững trong định hướng phát triển nông nghiệp đó ra sao?

Nếu như chúng ta biết cách phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của mỗi địa phương thì mới giữ được, mới khai thác được giá trị của nó. Bởi không làm thế người dân sẽ không biết được giá trị và dễ làm mất. Như cây nhãn tổ ở xã Đại Thành, huyện Quốc Oai hay cây nhãn tổ ở xã Song Phương, huyện Hoài Đức, nếu không có quy hoạch, người dân không biết đâu mà giữ? Hay giống hồng Liên Thôn ở huyện Thạch Thất, hoặc những cây đầu dòng, đã được chứng nhận cũng đều phải có cách giữ lại. Nhiều cây quý như những cây trôi cổ thụ mấy trăm năm tuổi, thậm chí cả ngàn năm tuổi ở giữa cánh đồng hay trong làng, rất có giá trị cần phải lưu giữ.

Bảo tồn chúng sẽ đem lại lợi ích cho người dân khi bán được các mắt ghép, hay có thể khai thác du lịch trải nghiệm bên những cây cổ thụ, đem lại sinh kế cho họ. Có những thứ nên giao cho cộng đồng quản lý bởi nó đem lại lợi ích cho vùng đất đó, người dân phải sống dựa vào nó thì đương nhiên sẽ là phát triển bền vững. Vấn đề thứ hai, phát triển nông nghiệp sinh thái là bền vững, tạo cảnh quan môi trường, tạo các khu chức năng như chế biến sâu, dịch vụ trải nghiệm. Nó bền vững đến mức kể cả những khu sản xuất nông nghiệp nằm trong đô thị mà người dân thấy lợi ích họ vẫn để lại, phát triển, lưu giữ văn hóa nông nghiệp.

Các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung cũng mang tính bền vững, không những thế nó còn có tính liên kết vùng. Ví dụ như về lúa gạo, ở các huyện như Chương Mỹ, Ứng Hòa có diện tích đất lúa rộng, chỉ cần bố trí các khu chế biến mà kéo được doanh nghiệp lớn, kiểu như Bảo Minh vào để kết nối, tiêu thụ sản sản phẩm là sẽ thành công. Không chỉ trên địa bàn Hà Nội mà Bảo Minh hiện còn ký kết tiêu thụ sản phẩm lúa gạo với nhiều tỉnh thành. Hơn thế công ty có hàng ngàn điểm bán trong cả nước, giải quyết được khâu đầu ra. Nếu có chỗ đứng ở các huyện ngoại thành, họ sẽ tạo ra liên kết vùng. Đảm bảo an ninh lương thực cho Hà Nội là ở đấy chứ còn ở đâu? Còn cả Hà Nội mà tập trung vào sản xuất nông nghiệp cũng không thể lo nổi an ninh lương thực cho người Hà Nội.

Hệ thống cửa hàng của gạo Bảo Minh. Ảnh: Tư liệu.

Hệ thống cửa hàng của gạo Bảo Minh. Ảnh: Tư liệu.

Hà Nội là nơi kết nối, giao thương nông sản trong và ngoài nước

Hiện việc xuất khẩu nông sản của Hà Nội thế nào rồi thưa ông?

Hà Nội là thị trường lớn, là đầu mối kết nối lớn. Chúng tôi khi thực hiện chương trình phối hợp giữa Hà Nội và các tỉnh trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, có đi nghiên cứu tại các chợ đầu mối như Minh Khai, Đền Lừ, Long Biên, phía Nam… thì tất cả những sản phẩm từ thô cho đến bao gói, đi về Hà Nội thì dao động từ 30 - 70% lại phân đi các tỉnh. Đó là một yếu tố rất đáng phải suy nghĩ để mà tổ chức sản xuất. Hay là việc xuất khẩu, cũng chính các doanh nghiệp ở Hà Nội là nơi kết nối, giao thương mạnh nhất. Những sản phẩm mà Hà Nội xuất khẩu đi là lúa gạo, chuối, nhãn, kể cả là cà phê.

Doanh nghiệp tổ chức thu mua ở các tỉnh rồi đem về chế biến chứ không chỉ sản xuất ngay nội tại. Hoặc những thứ có vùng nguyên liệu ở Hà Nội nhưng vẫn không đủ, doanh nghiệp phải mở rộng vùng nguyên liệu sang các tỉnh, thành khác. Ví dụ như các doanh nghiệp mây tre giang đan xuất khẩu mở vùng trồng tại các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La….

Còn trong lĩnh vực làng nghề, Hà Nội đang xuất khẩu một lượng rất lớn sản phẩm thủ công mỹ nghệ như mây, tre đan, gốm sứ. Sắp tới có Festival bảo tồn phát triển sản phẩm làng nghề Việt Nam do Bộ NN-PTNT cùng TP Hà Nội đồng tổ chức. Thông qua các hiệp hội, các tổ chức quốc tế, chúng tôi kỳ vọng sẽ kết nối để đẩy mạnh được khâu xuất khẩu.

Sản phẩm dự thi làng nghề Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sản phẩm dự thi làng nghề Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Về các sản phẩm OCOP, Hà Nội đã đi vào chiều sâu của chất lượng. Toàn thành phố có 2.167 sản phẩm OCOP thì có 3.169 sản phẩm 4 sao, chiếm 63%, đó chính là chất lượng. Sản phẩm OCOP theo tôi phải xuất phát từ những nguyên liệu, sản phẩm nổi trội ở các vùng miền, từ đó mà xây dựng lên, rồi “gột” người ta lên từ thủa ban đầu, phát triển thành nhãn hiệu tập thể, có sức mạnh cộng đồng.

Ví dụ như gà Mía Sơn Tây, vịt cỏ Vân Đình chẳng hạn, cần xây dựng nhãn hiệu tập thể, thành lập các HTX chuyên ngành, các doanh nghiệp chế biến, chế biến sâu, bao gói nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Đầu tiên nó có ít sao, rồi cứ nâng cấp dần lên theo tiêu chí, tiêu chuẩn, từ thấp lên cao. Bây giờ theo quy định mới những sản phẩm OCOP 3 sao do huyện tự đánh giá công nhận, 4 sao do thành phố đánh giá công nhận, 5 sao do Trung ương đánh giá công nhận.

Khi các chủ thể đạt 3 sao thì phải có giải pháp giúp họ đạt 4 sao, đạt 4 sao rồi phải có giải pháp giúp họ đạt 5 sao bằng những cách cụ thể như phát triển vùng nguyên liệu, đào tạo tập huấn để biết cách quản lý chất lượng, tiếp cận được thị trường. Thời gian chứng nhận của sản phẩm OCOP có 36 tháng, trong quá trình đó, hoàn toàn có thể thanh lọc tốt xấu.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Một bàn tay vỗ không lên tiếng. Không phải Nhà nước làm thay tất cả mà phải có vai trò của các chủ thể OCOP. Tới đây chúng tôi đang yêu cầu phải cung cấp một danh sách mở các sản phẩm OCOP để cho người dân quan tâm hơn đến chương trình OCOP, biết được cái nào tốt mà mua, mà sử dụng.  

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Đưa sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn thị trường quốc tế

Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu là cơ hội để các chủ thể OCOP Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước.