| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội thành lập các hội chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm

Thứ Tư 08/04/2015 , 09:34 (GMT+7)

Đến nay UBND TP Hà Nội đã chính thức ban hành quyết định thành lập 5 hội chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm...

Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND TP Hà Nội cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng đồng lòng của của người dân, ngành chăn nuôi Thủ đô đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Về phát triển trang trại chăn nuôi, đến nay Hà Nội đã có 3.465 trại chăn nuôi ngoài khu dân cư (trong đó 802 trại lợn, 2.569 trại gia cầm, thủy cầm, 33 trại chăn nuôi bò sữa, 61 trại bò thịt). Chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư đã chiếm tỷ lệ 45% toàn ngành chăn nuôi Hà Nội. Đồng thời đã xây dựng được 18 chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo ra sự chăn nuôi ổn định cho 3.500 hộ chăn nuôi.

Từ những kết quả đó đã đưa Hà Nội trở thành địa phương dẫn đầu về số lượng đàn gia súc, gia cầm trong cả nước, với tổng đàn bò 142.710 con (trong đó bò thịt 128.938 con/79.139 hộ, bò sữa 13.772 con/3.156 hộ). Tổng đàn lợn có 1.406.582 con/168.779 hộ, tổng đàn gia cầm có 18.894.481 con/163.047 hộ (trong đó đàn gà 12.628.509 con/106.031 hộ; vịt, ngan, ngỗng 6.265.972 con/40.276 hộ).

Tổng sản lượng thịt hơi các loại xuất chuồng đạt khoảng 390.000 tấn/năm; sản lượng trứng gia cầm đạt 1.000 triệu quả/năm; sản lượng sữa tươi đạt 22.800 tấn/năm…

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chăn nuôi Hà Nội cũng đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức như: Ảnh hưởng thời tiết phức tạp, diễn biến dịch bệnh bất thường; tình hình giá cả vật tư và sản phẩm bấp bênh không ổn định, tỷ lệ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn ở mức cao, đặc biệt thiếu sự liên kết nhóm giữa hộ chăn nuôi.

Bên cạnh đó vẫn còn thiếu sự phối hợp giữa người SX và thị trường để tạo ra một chuỗi liên kết ổn định. Thường thì người SX chăn nuôi vẫn phải qua khâu trung gian để bán sản phẩm của mình ra thị trường. Do đó, thu nhập, giá trị gia tăng chưa lớn, thậm chí có những lúc thua lỗ, gây khó khăn cho người chăn nuôi và tạo ra tâm lý không muốn tái đàn, không muốn tăng đàn, dẫn tới giá cả chăn nuôi biến động,hiệu quá thấp và không mang tính bền vững.

Một trong những giải pháp để góp phần giải quyết các khó khăn đó là tăng cường kết nối chuỗi giá trị từ SX đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó cần tiến hành thực hiện đối với từng nhóm tác nhân tham gia chuỗi giá trị mà ở đó nhóm tác nhân người SX được coi là yếu tố cơ bản, còn doanh nghiệp được coi là nhân tố nòng cốt.

Đối với người SX cần tăng cường tập huấn kỹ năng liên kết nhóm và hỗ trợ thành lập các tổ nhóm, hội để tăng khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường.

Đối với doanh nghiệp, cần tạo dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, thủ tục thông thoáng nhằm khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với nông dân để phân phối bao tiêu sản phẩm. Đồng thời nhà nước cần thực hiện tốt nhiệm vụ là cầu nối giữa người SX và doanh nghiệp, hỗ trợ mối liên kết được bền vững, đảm bảo lợi ích hài hòa của mỗi bên.

Hy vọng rằng với sự quan tâm chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và sự vào cuộc của các ngành, các cấp thì ngày càng hình thành được nhiều các tổ chức tổ nhóm, hội đại diện cho người dân để kết nối với doanh nghiệp giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm, góp phần đưa ngành chăn nuôi Thủ đô phát triển bền vững.

Tuy nhiên để lôi kéo được sự tham gia của các doanh nghiệp liên kết với người SX, trước tiên giữa các hộ SX phải liên kết với nhau thành tổ, nhóm, hội hoạt động theo một tổ chức và SX theo một quy trình chất lượng nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa, tập trung quy mô lớn, chất lượng tốt.

Để giải góp phần giải quyết vấn đề đó, từ năm 2014, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã phối hợp với Phòng Kinh tế các huyện hỗ trợ các vùng chăn nuôi tập trung vận động các hộ chăn nuôi tham gia hội.

Đến nay UBND TP Hà Nội đã chính thức ban hành quyết định thành lập 5 hội chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm gồm: Hội Chăn nuôi và tiêu thụ vịt Vân Đình; Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà mía Sơn Tây; Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn; Hội Chăn nuôi và tiêu thụ trứng vịt Liên Châu; Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì.

Các hội đều có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng; tự bảo đảm kinh phí, trụ sở và điều lệ rõ ràng; trong đó quy định quyền hạn và nhiệm vụ của Ban Chấp hành hội, của hội viên. Các hội hoạt động theo phương thức công khai, dân chủ, minh bạch, đặt lợi ích của tập thể lên hàng đầu.

Hội được thành lập nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ như: Xây dựng một tổ chức quản lý sản phẩm chăn nuôi từ khâu chăn nuôi, thu gom tới khâu vận chuyển, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm; Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nhằm khai thác lợi thế về danh tiếng lâu dài của sản phẩm; Có điều kiện triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Ngoài ra, sự ra đời của hội sẽ giúp cơ quan quản lý Nhà nước thuận lợi hơn trong việc quản lý chăn nuôi, giám sát dịch bệnh, công tác dự báo thị trường; giúp các hội viên có điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong chăn nuôi và kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần thúc đẩy an sinh xã hội địa phương.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.