Giảm học lệch, học tủ
Cụ thể, thí sinh thi tuyển vào lớp 10 sẽ phải thi 3 bài thi gồm 2 bài thi độc lập Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp. Tổ hợp 1 gồm các môn Ngoại ngữ, Vật lí, Lịch sử và Giáo dục công dân hoặc Tổ hợp 2 gồm các môn Ngoại ngữ, Địa lí, Hóa học và Sinh học. Sở GD- ĐT Hà Nội sẽ công bố chọn bài thi tổ hợp vào cuối tháng 3 hàng năm.
Ảnh minh họa |
Ông Chử Xuân Dũng, GĐ Sở GD- ĐT Hà Nội lý giải việc thay đổi nhằm giúp học sinh chuẩn bị kiến thức từ những cấp dưới. Phương án tuyển sinh trước đây đã bộc lộ những hạn chế, như học sinh học tủ, học lệch, chỉ chăm chú học hai môn Văn, Toán để đi thi mà không chú trọng những môn khác.
Vì thế, Hà Nội quyết định thực hiện phương án thi thêm tổ hợp môn, để hướng các trường trong việc dạy và học toàn diện. Sau thông tin này, nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng áp lực thi cử ngày càng gia tăng. Sở GD- ĐT thừa nhận, thay đổi trong thi cử sẽ tác động rất lớn đến các gia đình và xã hội. Cái mới bao giờ cũng gây tranh cãi, tuy nhiên Sở mong nhận được sự đồng hành của phụ huynh và học sinh.
Để trấn an, Sở GD- ĐT cho biết, những thay đổi này sẽ áp dụng vào mùa thi sau, còn năm học 2018-2019, Hà Nội vẫn giữ phương án tuyển sinh vào lớp 10 như cũ. Đó là kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Phụ huynh, học sinh và giáo viên có thời gian hơn 1 năm để chuẩn bị kiến thức, thay đổi phương pháp dạy và học phù hợp với việc thay đổi phương án thi mới này.
Hiện tại, để vào học trường THPT công lập không chuyên, học sinh sẽ phải thi tự luận hai môn Toán, Văn trong ngày 7/6/2018. Mỗi học sinh được đăng ký 2 nguyện vọng vào trường công lập, nếu trượt cả hai sẽ học trường dân lập, trường nghề hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên.
Điểm xét tuyển vào lớp 10 THPT Hà Nội là điểm THCS cộng với điểm thi (nhân hệ số 2) và điểm cộng thêm. Ngoài ra, năm nay Hà Nội chỉ cộng điểm khuyến khích đối với học sinh có chứng chỉ nghề phổ thông; mức điểm cộng ưu tiên chênh lệch giữa 2 đối tượng liên tiếp nhau là 0,5.
Công bằng, khách quan
Nhiều phụ huynh lo lắng, trước việc đổi mới thi vào lớp 10 có khiến xảy ra tình trạng thi nhiều môn thì sẽ tăng dạy thêm và học thêm hay không? Giải đáp, ông Chử Xuân Dũng gạt đi. Vị GĐ Sở giải thích: Nội dung đề thi gồm các câu hỏi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS hiện hành của Bộ, trong phạm vi sách giáo khoa. Học sinh chỉ cần học chăm chỉ trên lớp là có thể làm được bài, không cần học thêm. Ngoài ra, việc thay đổi phương thức thi này là nhằm mục tiêu tiếp cận chương trình, SGK mới, đó là “tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên”, ông Dũng nói.
Ông Dũng phân tích, bài thi tổ hợp có môn Ngoại ngữ nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ, đáp ứng đề án nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở trường phổ thông. Trong bài thi tổ hợp, ngoài môn Ngoại ngữ, 3 môn còn lại vừa có môn tự nhiên, vừa có môn xã hội, điều này đảm bảo tính công bằng, khách quan đối với học sinh.
Dự kiến vào đầu tháng 9/2018, sẽ công bố đề thi minh họa bài thi tổ hợp để học sinh cũng như giáo viên được biết. Sau đó học sinh và giáo viên sẽ có một năm để làm quen, thay đổi cách dạy và học theo phương án tuyển sinh mới.
Trường ngoài công lập được tự chủ tuyển sinh Một điểm mới nữ trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2018 của Hà Nội là các trường ngoài công lập, trường công lập tự chủ tài chính sẽ được tự chủ trong phương thức tuyển sinh. Cụ thể, các trường có thể tuyển sinh dựa trên nguyện vọng của học sinh tham dự kỳ thi chung của thành phố vào ngày 7/6/2018 nhưng cũng có thể tuyển sinh bằng việc xét học bạ trên cơ sở kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở bậc THCS. Điều này giúp các trường ngoài công lập có thể tự chủ xây dựng các phương thức tuyển sinh. |