Số sản phẩm nói trên được đánh giá, phân hạng đạt 3 sao, 4 sao và tiềm năng 5 sao đợt 2 năm 2020. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở cho biết, kết thúc giai đoạn 2019-2020, thành phố đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.054 sản phẩm OCOP, vượt kế hoạch đề ra và trở thành địa phương dẫn đầu toàn quốc. Trong số đó có 691 sản phẩm thực phẩm (chiếm 65,6%); 299 sản phẩm lưu niệm, nội thất và trang trí (chiếm 28,4%); còn lại là đồ uống, thảo dược, vải may mặc.
Đặc biệt, có 4 sản phẩm của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh được Trung ương công nhận 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao; còn lại 731 sản phẩm 4 sao, 306 sản phẩm 3 sao. Chương trình OCOP đã lôi cuốn sự tham gia của 72 doanh nghiệp, 82 hợp tác xã và 101 hộ sản xuất, kinh doanh; Góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm, đồng thời giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động nông thôn.
Năm 2021, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội tiếp tục tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản triển khai thực hiện Chương trình OCOP; phấn đấu đánh giá phân hạng ít nhất 400 sản phẩm nhưng ngay từ đầu năm 2021, các quận, huyện, thị xã đã đăng ký 541 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Điều đó thể hiện các chủ thể đã nhận thấy được lợi ích khi sản phẩm của mình làm ra được công nhận là 3 sao, 4 sao và 5 sao OCOP, được nâng tầm giá trị nên đã chủ động tham gia, nhập cuộc chứ không còn bị động như trước.
Tuy nhiên, làn sóng thứ 4 của dịch Covid 19 khiến mấy tháng ròng Hà Nội phải giãn cách xã hội, ảnh hưởng, làm chậm tiến độ của việc đánh giá. Đợt 1 mới có 53 sản phẩm OCOP của huyện Quốc Oai (31 sản phẩm) và Hoài Đức (22 sản phẩm) được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Thành phố đánh giá.
Để bù lại thời gian chậm chễ đó, có 150 sản phẩm của 9 huyện: Ba Vì (54 sản phẩm), Đan Phượng (18 sản phẩm), Sóc Sơn (15 sản phẩm), Thanh Trì (9 sản phẩm), Mỹ Đức (11 sản phẩm), Ứng Hòa (10 sản phẩm) và 4 quận Long Biên (10 sản phẩm), Thanh Xuân (3 sản phẩm), Hoàn Kiếm (8 sản phẩm) và Hà Đông (12 sản phẩm) được Tổ Tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố.
Dự kiến trong năm 2021, Hà Nội sẽ có ít nhất 400 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng và thành phố cũng sẽ tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, giúp cho các chủ thể giới thiệu hàng hóa đến với đông đảo người tiêu dùng.
Qua đó, sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Xây dựng được 42 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn… Mục tiêu đến năm 2025, thành phố sẽ có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên...
Cũng tại sự kiện công bố và trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố trên Ban tổ chức đã quyết định khen thưởng 24 tập thể và 13 cá nhân có thành tích trong tham gia thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn Hà Nội.
Ban tổ chức cũng đã khai trương khu trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP cấp thành phố từ 3 sao trở lên với cả ngàn sản phẩm trong khuôn viên trên 1.500m2 tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô để cho người tiêu dùng và các phương tiện truyền thông đến tận mắt thấy, tận tay cầm, tận tai nghe những chủ thể kể về sản phẩm của mình.