| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội xây dựng nông thôn mới chắc nền tảng, không nợ đọng

Thứ Tư 04/08/2021 , 10:51 (GMT+7)

Cách làm nông thôn mới (NTM) của Hà Nội được Bộ NN-PTNT đánh giá là bài bản, bền vững, thực chất, đặc biệt là không có tình trạng nợ đọng các tiêu chí.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình NTM Hà Nội khác biệt trong việc xây dựng NTM của Thủ đô so với với cả nước thứ nhất là xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng tiêu chí đô thị. Thứ hai là đẩy mạnh NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp bằng cách liên kết sản xuất theo chuỗi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình hữu cơ, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn… để có được tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao chiếm 70% đến năm 2025 (hiện đang ở mức trên 30%).

Thứ ba là đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đa dạng gồm các loại hình như hợp tác xã, làng nghề, cụm điểm công nghiệp, dịch vụ hậu cần và trang trại. Làng nghề phải quy hoạch lại sao cho vừa thuận lợi để tổ chức sản xuất vừa đáp ứng hạ tầng cho việc kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, nếu có đủ điều kiện thì gắn với phát triển du lịch nông thôn.

Đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển các làng nghề, nghề truyền thống để nâng cao giá trị. Những làng nghề ô nhiễm thì phải di dời vào cụm điểm công nghiệp và phải có khu xử lý tập trung, đủ tiêu chuẩn.

Đặc sản bánh tẻ Phú Nhi của thị xã Sơn Tây. Ảnh: NNVN.

Đặc sản bánh tẻ Phú Nhi của thị xã Sơn Tây. Ảnh: NNVN.

Dịch vụ hậu cần rất quan trọng cho việc sản xuất nhưng lâu nay không được chú ý, vì thế mà có những giai đoạn cả một chuỗi sản xuất bị đứt gãy, gây ảnh hưởng đến cung cầu. Còn về trang trại, họ chính là những nông dân điển hình, có tiền, có tầm nhìn, có tư duy làm ăn nhưng rất cần một chính sách hỗ trợ cụ thể và một hành lang pháp lý rõ ràng để phát triển mà nhất là về đất đai. Cảnh quan môi trường nông thôn cũng là một vấn đề mà Hà Nội cần phải chú ý trong thời gian tới trước khi tình trạng ô nhiễm trở nên  nghiêm trọng hơn.

Tính đến nay thành phố đã có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, có 368/382 xã đạt chuẩn NTM, 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Một số chỉ tiêu, tiêu chí của thành phố đặt ra cao hơn so với Trung ương quy định. Ví dụ tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM yêu cầu có chợ hoặc nơi mua bán trao đổi hàng hóa nhưng Hà Nội yêu cầu có chợ đạt chuẩn hoặc có siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp đạt chuẩn.  

Tiêu chí giao thông, Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM yêu cầu đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; đường trục chính nội đồng bảo đảm vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm nhưng Hà Nội yêu cầu đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng được cứng hóa cho xe cơ giới đi lại thuận tiện.

Những sản phẩm thủ công của thị xã Sơn Tây. Ảnh: NNVN.

Những sản phẩm thủ công của thị xã Sơn Tây. Ảnh: NNVN.

Trong quá trình công nhận xã đạt chuẩn NTM đều có sự tham gia của các sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố có liên quan từ việc thẩm định, lấy ý kiến đánh giá tiêu chí phụ trách của các sở, ngành đến cuộc họp thống nhất, bỏ phiếu của Hội đồng thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới thành phố.

Đặc biệt là việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM là một trong những điều kiện, thủ tục bắt buộc trong hồ sơ xét công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn NTM. Việc làm này nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, đồng thời phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng NTM, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực vào để nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM nhất là về trường học, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, giao thông, chợ, cơ sở vật chất văn hóa…Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy cũng xác định ngoài nguồn lực của nhân dân và xã hội hóa, thành phố còn phải bố trí dành nguồn lực khá lớn cho đầu tư ở giai đoạn 2021-2025 này để duy trì một số chỉ tiêu, tiêu chí cao hơn so với Trung ương quy định…

Mục tiêu cuối cùng là nâng cao thu nhập, chất lượng sống cả về vật chất lẫn tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn và thông qua chương trình xây dựng NTM biến các làng quê ngoại ô trở thành những nơi đáng sống.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Thái Nguyên có 240 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Trong số các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên, có 155 sản phẩm đạt 3 sao, 83 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.